Bảo vệ hành lang an toàn lưới điện: Cần sự phối hợp, vào cuộc quyết liệt hơn
(Baonghean) - Thời gian gần đây xảy ra một số vụ vi phạm hành lang an toàn lưới điện gây hậu quả nghiêm trọng. Việc bảo vệ hành lang an toàn lưới điện rất cần sự phối hợp vào cuộc quyết liệt hơn của các địa phương, các ngành và người dân...
Ngày 12/5/2016, tại ngôi nhà đang thi công ở khối 1, phường Trung Đô, TP.Vinh, hai người thợ đang thi công làm mái chống nóng khi đưa thanh sắt lên chuẩn bị để hàn thì bất ngờ một luồng điện ở đường dây cao thế cạnh đó phóng vào thanh sắt làm một người tử vong tại chỗ. Trước đó, ngày 24/4/2016 tại khoảng cột 4 - 5 đường dây 373E15.2 do Điện lực thị xã Thái Hòa quản lý, một lái xe treo lên thùng xe gỡ dây cáp viễn thông vướng vào xe đã bị điện cao thế phóng gây tử vong... Đó là đơn cử một vài vụ tai nạn chết người do vi phạm hành lang an toàn lưới điện gây nên trên địa bàn toàn tỉnh gần đây.
Theo thống kê, ngoài những trường hợp vi phạm hành lang an toàn do thi công công trình, do chặt cây cối... diễn ra hàng ngày, hiện ở trên địa bàn tỉnh Nghệ An còn tồn tại trên 300 điểm vi phạm an toàn hành lang lưới điện. Nhiều địa phương có số trường hợp vi phạm nhiều như: TP. Vinh 61 trường hợp; Diễn Châu 39 trường hợp; Anh Sơn 28 trường hợp; Yên Thành 27 trường hợp; Nam Đàn 17 trường hợp; Nghi Lộc 16 trường hợp... Các trường hợp vi phạm hành lang an toàn lưới điện thường rất nguy hiểm, gây chết người, hư hỏng tài sản, chập cháy nổ, gây mất điện trên diện rộng.
Người dân xây dựng ki-ốt dưới đường dây điện và trạm biến áp ở TP. Vinh. |
Là đơn vị quản lý địa bàn đang tồn tại nhiều điểm vi phạm hành lang lưới điện, ông Phạm Văn Nga – Giám đốc Điện lực TP. Vinh cho biết: Có nhiều nguyên nhân dẫn đến vi phạm hành lang lưới điện, trong đó, phần lớn là do ý thức người dân, điển hình như một số đường dây hạ thế bị xâm phạm hành lang an toàn, điện lực đã triển khai khắc phục bằng cách nâng sứ, nâng chiều cao của cột để đảm bảo khoảng cách an toàn thì người dân lại tiếp tục cơi nới nhà cửa, xây thêm tầng... Một số điểm chúng tôi đã cho hạ ngầm lưới điện, nhưng các đường dây điện cáp ngầm cũng bị xâm phạm khi người dân thi công công trình, trồng cây, dẫn đến tai nạn chập cháy, đứt, gây mất điện trên diện rộng, thời gian khắc phục lâu, tốn kém. Năm 2015 đã có 17 vụ vi phạm làm đứt cáp ngầm, từ đầu năm 2016 đến nay đã xảy ra gần 10 vụ... Khi người của điện lực phát hiện sự xâm phạm đó của người dân thì chỉ báo cáo các cơ quan chức năng chứ ngành không có chức năng xử phạt.
Tại Anh Sơn, địa bàn miền núi còn tồn tại nhiều điểm vi phạm hành lang an toàn lưới điện, ông Ngô Thế Lữ - Phó Giám đốc Điện lực Anh Sơn cho biết: Với địa hình đồi núi nhiều, mặc dù ngành Điện đã ra thông báo, nhắc nhở không trồng cây trong phạm vi hành lang an toàn lưới điện, nhưng nhiều nơi người dân vẫn cố tình trồng các loại cây có chiều cao lớn như bạch đàn, keo, tràm... ngay dưới đường dây. Để hạn chế việc vi phạm này, Điện lực Anh Sơn đã phối hợp với Huyện đoàn tuyên truyền và ra quân phát quang hành lang; Tăng cường kiểm tra để phát hiện và kịp thời ngăn chặn những nguy cơ gây sự cố như: cháy rừng lan vào hành lang; cây cao có nguy cơ gẫy, đổ vi phạm khoảng cách an toàn hành lang lưới điện...
Một trong những khó khăn trong bảo đảm an toàn hành lang lưới điện hiện nay, theo ông Tạ Quang Lịch - Phó Phòng An toàn - Công ty Điện lực Nghệ An, là do sự phối hợp giữa ngành Điện, chính quyền địa phương chưa đồng bộ, một số nơi chính quyền còn cấp đất dưới đường dây truyền tải điện; khi vi phạm hành lang an toàn lưới điện chế tài xử phạt chưa rõ ràng dẫn đến khó xử lý, hoặc xử lý không dứt điểm. |
Ông Nguyễn Thượng Hiền - Phó Giám đốc Điện lực Nghệ An chia sẻ: Nhằm hạn chế thấp nhất việc vi phạm hành lang an toàn lưới điện, hàng năm Công ty Điện lực Nghệ An đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông đại chúng, giáo dục trong cán bộ, công nhân viên cũng như người dân về hành lang bảo vệ an toàn lưới điện cao áp, làm cho nhân dân hiểu rõ mức độ nguy hiểm đến tính mạng, tài sản của người dân khi sống trong khu vực hành lang an toàn lưới điện. Đồng thời, tuyên truyền đến cán bộ chủ chốt của địa phương, giúp họ nhận thức rõ vai trò trách nhiệm của mình trong quản lý, kiểm tra và xử lý các hành vi vi phạm an toàn lưới điện và hiểu rõ hơn trách nhiệm quản lý, bảo vệ hành lang an toàn lưới điện không chỉ là của ngành Điện mà là của tất cả các cơ quan, ban ngành và của toàn xã hội.
Bên cạnh sự nỗ lực của ngành Điện, để hạn chế phát sinh các vi phạm mới về hành lang an toàn lưới điện, rất cần sự vào cuộc của các cấp chính quyền để giải quyết dứt điểm các vi phạm đã tồn tại từ trước, ngăn chặn và xử lý kịp thời ngay từ đầu các hành vi vi phạm hành lang an toàn lưới điện. Có vậy, mới đảm bảo an toàn lâu dài cho công trình điện cũng như đảm bảo an toàn tài sản và tính mạng của người dân.
Điều 4, Nghị định số 14/2014/NĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ ban Quy định chi tiết thi hành Luật Điện lực về an toàn điện, nghiêm cấm các hành vi sau: 1. Trộm cắp hoặc tháo gỡ dây néo, dây tiếp địa, trang thiết bị của lưới điện; trèo lên cột điện, vào trạm điện hoặc khu vực bảo vệ an toàn công trình điện khi không có nhiệm vụ. 2. Sử dụng công trình lưới điện cao áp vào những mục đích khác khi chưa được sự thỏa thuận với đơn vị quản lý công trình lưới điện cao áp. 3. Thả diều, vật bay gần công trình lưới điện cao áp có khả năng gây sự cố lưới điện. 4. Lắp đặt ăng ten thu phát sóng; dây phơi; giàn giáo; biển, hộp đèn quảng cáo và các vật dụng khác tại các vị trí mà khi bị đổ, rơi có thể va chạm vào công trình lưới điện cao áp. 5. Trồng cây hoặc để cây vi phạm khoảng cách an toàn đối với đường dây dẫn điện trên không, trạm điện. 6. Bắn chim đậu trên dây điện, trạm điện hoặc quăng, ném bất kỳ vật gì lên đường dây điện, trạm điện. 7. Đào đất gây lún sụt công trình lưới điện cao áp, trạm điện. 8. Đắp đất, xếp các loại vật liệu, thiết bị hoặc đổ phế thải vi phạm khoảng cách an toàn. 9. Sử dụng cột điện, trạm điện để làm nhà, lều, quán, buộc gia súc hoặc sử dụng vào mục đích khác. 10. Nổ mìn, mở mỏ; xếp, chứa các chất dễ cháy nổ, các chất hóa học có khả năng gây ăn mòn hoặc hư hỏng các bộ phận của công trình lưới điện. 11. Đốt nương rẫy, sử dụng các phương tiện thi công gây chấn động hoặc có khả năng làm hư hỏng, sự cố công trình lưới điện, trạm điện, nhà máy điện. 12. Điều khiển các phương tiện bay có khoảng cách đến bộ phận gần nhất của công trình lưới điện cao áp nhỏ hơn 100 m, trừ trường hợp phương tiện bay làm nhiệm vụ quản lý, bảo dưỡng, sửa chữa đường dây điện được phép theo quy định. 13. Để cây đổ vào đường dây điện khi chặt tỉa cây hoặc lợi dụng việc bảo vệ, sửa chữa công trình lưới điện cao áp để chặt cây. 14. Các hành vi khác vi phạm quy định về bảo vệ an toàn công trình lưới điện cao áp. |
Đức Dũng