Bộ trưởng Bộ Xây dựng: Mục tiêu đến năm 2025 hoàn thành 570 ngàn căn nhà ở xã hội
(Baonghean.vn) - Đề án xây dựng nhà ở xã hội trình Thủ tướng Chính phủ sẽ chia ra làm 2 giai đoạn; từ năm 2021 đến 2025, mục tiêu đặt ra là hoàn thành 570 ngàn căn nhà.
Chiều 3/11/2022, dưới sự điều hành của Thượng tướng Trần Quang Phương - Phó Chủ tịch Quốc hội, Quốc hội tiến hành Phiên chất vấn và trả lời chất vấn vấn đề thứ nhất thuộc lĩnh vực xây dựng.
Toàn cảnh phiên chất vấn chiều 3/11 tại Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội. Ảnh: Quang Khánh |
Trong phiên chất vấn đã có 36 đại biểu chất vấn, 1 đại biểu tranh luận, 4 bộ trưởng tham gia giải trình nhiều vấn đề liên quan, gồm: Thực trạng, giải pháp nâng cao chất lượng quy hoạch và quản lý phát triển đô thị của Việt Nam nhất là ở các thành phố lớn.
Việc di dời trụ sở bộ, ngành khỏi nội đô thành phố Hà Nội; quản lý thị trường bất động sản; việc xử lý các tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật trong hoạt động giao dịch, huy động vốn, kinh doanh bất động sản.
Việc xây dựng nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp, công nhân lao động, nhất là tại các khu kinh tế, khu công nghiệp và các thành phố lớn.
Đại biểu Phạm Văn Hòa - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp: Cơ chế chính sách khuyến khích doanh nghiệp và người dân đầu tư, xây dựng nhà ở cho công nhân. Ảnh: Quang Khánh |
Trách nhiệm quản lý Nhà nước của Bộ Xây dựng trong xây dựng, ban hành, thực hiện các tiêu chuẩn kỹ thuật, đơn giá, định mức trong xây dựng cơ bản; việc kiểm soát giá và bảo đảm nguồn nguyên, vật liệu để xây dựng các công trình, dự án, nhất là các dự án quan trọng quốc gia.
Trong đó có ý kiến nhiều đại biểu liên quan đến nhà Giải pháp thực hiện Đề án xây dựng căn hộ cho người thu nhập thấp. Về nội dung này, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho biết: Theo Đề án xây dựng nhà ở xã hội trình Thủ tướng Chính phủ sẽ chia ra làm 2 giai đoạn. Từ năm 2021 đến 2025, mục tiêu đặt ra là hoàn thành 570 ngàn căn nhà.
Đoàn ĐBQH Nghệ An dự phiên chất vấn tại Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội chiều 3/11. Ảnh: Quang Khánh |
Giải pháp thực hiện Đề án này là hoàn thiện chính sách pháp luật liên quan đến phát triển nhà ở xã hội, triển khai thực hiện tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong thủ tục về đất đai, đầu tư, xây dựng, quy hoạch, nguồn vốn cũng như đảm bảo quá trình nghiên cứu chính sách để xác định quỹ đất cho nhà ở xã hội đáp ứng yêu cầu thực hiện Đề án.
Với sự phối hợp hiệu quả của các bộ, ngành, địa phương, chúng ta sẽ từng bước thực hiện được mục tiêu xây dựng nhà ở cho công nhân như Đề án đã đặt ra.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị trả lời chất vấn. Ảnh: Quang Khánh |
Liên quan đến, một số nội dung về kiểm soát tín dụng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng cho biết thị trường bất động sản phát triển an toàn lành mạnh thì có vai trò quan trọng đối với quá trình phát triển kinh tế - xã hội; góp phần phát triển và thay đổi diện mạo đô thị; phát triển nhà ở xã hội; đảm bảo an sinh xã hội.
Thị trường bất động sản phát triển cần huy động nguồn lực từ các kênh như từ đầu tư trực tiếp, nguồn vốn từ thị trường khoán, trái phiếu doanh nghiệp, ngân sách nhà nước, vốn tự có của người dân, doanh nghiệp, vốn tín dụng chỉ là một trong các kênh trên…
Ngân hàng Nhà nước phải đảm bảo sự an toàn, ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối, ưu tiên đảm bảo an toàn hệ thống. Ngân hàng Nhà nước cần cân đối giữa việc ưu tiên cho thị trường bất động sản và việc đảm bảo đạt được các mục tiêu quan trọng của mình.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng làm rõ một số nội dung về kiểm soát tín dụng. Ảnh: Quochoi.vn |
Trong quá trình kiểm soát, Ngân hàng Nhà nước đã sử dụng các biện pháp gián tiếp, quy định theo hướng kiểm soát rủi ro. Chính sách của Ngân hàng Nhà nước hướng đến ưu tiên cấp tín dụng các khoản cho vay nhà ở phân khúc thấp.
Với tín dụng cho nhà ở xã hội, Chính phủ đã quan tâm chỉ đạo sâu sát. Cụ thể, Chính phủ đã có Nghị định 100 ban hành năm 2015 về phát triển và quản lý nhà ở xã hội, được sửa đổi bằng Nghị định số 49 năm 2021.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết, Ngân hàng Chính sách xã hội đã tiến hành giải ngân theo quy định. Các tổ chức tín dụng được chỉ định trong Nghị định chưa giải ngân được do tiền cấp bù lãi suất chưa được bố trí, nên chưa thể thực hiện cho vay.
Thượng tướng Trần Quang Phương - Phó Chủ tịch Quốc hội kết luận phiên chất vấn chiều 3/11. Ảnh: Quochoi.vn |
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nhấn mạnh, trong thời gian tới, chính sách điều hành tín dụng sẽ nằm trong khuôn khổ chính sách tiền tệ để đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, giữ vững an toàn hệ thống, an sinh xã hội.
Phiên chất và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV diễn ra từ chiều 3/11 đến hết ngày 5/11, đối với 4 nhóm vấn đề liên quan đến lĩnh vực phụ trách của Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà và Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong; cùng tham gia giải trình có các Phó Thủ tướng phụ trách lĩnh vực và các Bộ trưởng, trưởng ngành có liên quan. Cuối phiên chất vấn, theo thông lệ tại các kỳ họp cuối năm, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính sẽ thay mặt Chính phủ làm rõ các vấn đề có liên quan đến công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ và trực tiếp trả lời chất vấn của các vị đại biểu Quốc hội.