"Bùa ngải" thành đặc sản

25/11/2015 11:28

(Baonghean.vn) - Món sâu măng giờ đây là đặc sản của đồng bào dân tộc Mông. Nhưng đã một thời gian dài người ta từng tin rằng sâu măng là một thứ bùa ngải kịch độc.

Khách mua
Khách mua sâu măng tại thị trấn Mường Xén( Kỳ Sơn)

Dù được nếm trải khá nhiều món ăn được chế biến từ côn trùng như: sâu, tằm, nhộng, châu chấu, bọ xít...nhưng ngồi trước đĩa sâu măng được chế biến đơn giản kỳ tôi vẫn có cảm giác ghê ghê, tưởng như chúng đang còn sống. Cố gắng vượt qua bao nhiêu ngần ngại, ngập ngừng gắp một con đưa vào miệng. Quả là hơi hoảng hốt. Nhưng rồi cái cảm giác ban đầu chóng nhường chỗ cho những dư vị béo ngon, thích thú. Những người lần đầu thưởng thức món ăn này đều có cảm nhận món sâu măng ngon theo một hương vị rất riêng mà món nhộng tằm hay sâu đót không có được.

Sâu măng
1 kg sâu măng được bán với giá 250.000 đồng

Theo người dân địa phương, trước đây món sâu măng chỉ là món ăn của đồng bào Mông sống cheo leo trên đỉnh núi. Dần dà, bà con các dân tộc khác cũng dùng thử và nó trở thành món đặc sản của núi rừng Kỳ Sơn tự bao giờ. Đến mùa sâu măng, bà con người Mông gùi từng ống luồng đưa sâu xuống phố. Khách hàng của họ không chỉ là những người Mông rời bản xa quê mà còn có rất nhiều người Thái, người Kinh tìm đến mua và chế biến tăng thú vị cho bữa ăn của mình.

Chị Xồng Ni Cỡ (khối 3, thị trấn Mường Xén) vốn là người Mông ở Bản Mường Lống 1, xã Mường Lống huyện Kỳ Sơn cho biết: Hồi còn ở trong khe chị vẫn thường đi lấy sâu măng về ăn. Sau này ra thị trấn cư trú, nhưng cứ mỗi mùa sâu măng, gia đình chị thường tìm mua sâu măng về ăn cho đỡ nhớ. Thấy có nhiều người tìm mua món sâu này, hai năm gần đây chị làm cầu nối thu gom sâu măng trong bản về bán cho khách hàng trong thị trấn.

Chị Cỡ
Chị Chị Xồng Ni Cở (trái) tỷ mỷ chọn sâu măng bỏ vào ống tre để dự trữ bán dần.

Chiều cuối tuần bên quầy sâu măng của chị Xồng Ni Cỡ tíu tít người bán, người mua. Thầy giáo Nguyễn Văn Minh từ thành phố Vinh lên đây dạy học tỷ mẩn lựa chọn từng con sâu để chuẩn bị cho bữa chiều. Anh cho biết, những đồn đoán về công dụng khác của sâu măng có thể không có cơ sở, chưa được kiểm chứng nhưng theo anh đây là một món ăn sạch, không quá đắt đỏ, chế biến đơn giản. Chỉ cần cho sâu vào chảo rang lên, nêm gia vị, ít lá chanh thái nhỏ là đã có món nhấm nháp thú vị.

Sâu măng sau khi được chế biến
Sâu măng sau khi được chế biến

Thực ra đã có khá nhiều đồn thổi rùng rợn về loài sâu măng. Nào là những người ác dùng râu hổ cho vào thân măng tre, luồng, sau một thời gian tự khắc sợi râu trên thân măng sẽ biến thành 1 loài sâu kịch độc. Kẻ làm ra sâu măng sẽ dùng nó để hãm hại, đầu độc, thậm chí làm bùa ngải bắt người khác tuân theo ý mình.

Dường như câu chuyện có tính chất thần thoại ấy khiến con sâu măng và người Mông bị "hàm oan" trong một thời gian dài. Anh Hờ Bá Lỳ ở xã Mường Lống khẳng định câu chuyện ấy hoàn toàn là thêu dệt. Hàng ngày anh vẫn đi kiếm và mang sâu ra thị trấn bán. Anh chỉ cần nhìn qua măng luồng là biết cây nào có sâu, nhiều hay ít và nên chặt hạ hay chưa. Những cây bị sâu ăn thường lên đến tầm thắt lưng là đã phát hiện ra rồi, nhưng phải là những cây đã cao quá đầu người, hoặc cao chừng 3m thì có sâu lớn và số lượng nhiều hơn. Thông thường mỗi cây măng cho từ 200 - 300 gram sâu. Sau khi chẻ cây lấy sâu, người đi rừng đổ chúng vào ống tre mang ra chợ bán.

Con sâu măng đã vượt qua những thêu dệt, bịa đặt để dần trở thành món đặc sản không thể thiếu của đồng bào dân tộc thiếu số. Không chỉ có vậy, những cán bộ, giáo viên đang công tác tại vùng cao còn mang sâu măng về miền xuôi làm quà mời người thân, bạn bè cùng thưởng thức. "Sâu măng sống khỏe, chỉ cần bỏ vào ống tre không cần bảo quản gì cũng sống dăm, ngày, nếu bỏ tủ lạnh thì vài tuần, thậm chí cả tháng mở ra sâu vẫn khỏe mạnh như thường" - chị Xồng Ni Cở ho biết thêm.

Hoàng Minh

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất
x
"Bùa ngải" thành đặc sản
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO