Cá khô và…cá gỗ
(Baonghean) - Tôi cực kỳ ấn tượng với những con cá gỗ mà đồng chí Bí thư Tỉnh ủy vừa chọn làm quà tặng cho bà con Kiều bào Nghệ An trong cuộc gặp mặt xuân Bính Thân 2016 vừa rồi. Con cá gỗ, nó không chỉ đơn thuần là câu chuyện của sự tằn tiện, mà hơn thế nó là biểu tượng, là hằng số văn hóa tính cách Nghệ. Một sự lựa chọn độc đáo, thông minh và tinh tế. Biến cái mà lâu nay thậm chí có người tự ti mặc cảm thành niềm tự hào.
Người Nghệ có phẩm chất Nghệ, cái phẩm chất chưa bao giờ bị trộn lẫn, được sinh ra từ gió Lào cát trắng ấy hình như không chỉ ẩn chứa trong mỗi một người dân xứ Nghệ mà hơn thế có khi chúng ta còn được cảm nhận nó từ các thế hệ lãnh đạo tỉnh nhà.
Ảnh minh họa. |
Thời gian giữ trọng trách và cương vị đứng đầu của tỉnh nhà, ông đã kịp để lại hàng trăm kỷ niệm mà câu chuyện nào cũng có một cái gì đó rất… Nghệ. Một cán bộ sắc sảo, tâm huyết, cương trực, liêm khiết, quyết đoán và dung dị. Chúng tôi đang muốn nói về ông, nguyên Bí thư tỉnh ủy Trương Đình Tuyển.
Ngược dòng thời gian, cách đây tròn 16 năm, Trung ương điều động ông về với người dân “cá Gỗ” trong một bối cảnh không ít bộn bề. Ông nhanh chóng nắm bắt tình hình thực tiễn vừa đưa ra hàng loạt quyết sách, cuốn cả bộ máy vào guồng công việc. Người ta lập tức nhận ra hình ảnh của một vị bí thư đầy giản dị.
Chuyện rằng, “tư dinh” của ông Bí thư chỉ là một căn phòng tập thể lúc nào cũng bộn bề sách vở, tài liệu và đặc biệt là luôn sực nức mùi cá khô, thứ thực phẩm mà ông vẫn ưa thích trong những ngày xa vợ con vì tiện dụng và… tiết kiệm. Đến hôm nay bà con tiểu thương chợ Quán Lau vẫn chưa quên hình ảnh bác Tuyển quần xắn ngang bắp, dép tông đạp xe đi chợ mua thực phẩm về nấu ăn dần. Dịp hiếm hoi cuối tuần, nếu không họp hành, ông tranh thủ nhảy tàu ra Hà Nội để “kiếm” bữa cơm với bà xã.
Ông có thói quen đi cơ sở một mình bằng xe ôm mà lại không báo trước. Chả thế mà không ít lần ông “bắt quả tang” thói quan liêu của huyện, xã nơi ông đến. Trên cương vị người đứng đầu, có thể nói ông đã làm một cuộc “cải tổ” về cách thức bố trí và sử dụng cán bộ. Quan điểm “không có vùng cấm” đã được ông áp dụng từ những ngày ấy. Chưa đầy 3 năm, ông đã cho một loạt Bí thư huyện ủy thôi chức, trong đó có cả chỗ đồng hương thân tình.
Mặc dù vậy nhưng ông lại là một người trọng hứa và giàu vị tha. Vụ giám đốc công ty thương mại nọ có dấu hiệu “nợ xấu”, ông không ngần ngại đình chỉ công tác để thu hồi công nợ trước sự can thiệp của tứ bề. Xong việc ông cho phục chức, một quyết định mạnh mẽ nhưng đầy nhân văn của ông. Đại hội Đảng bộ các huyện miền núi ông mời mọi người lên xe chung loại 16 chỗ cho… tiện. Vào quán ăn cơm bao giờ ông là người móc ví thanh toán vì: “Lương tớ cao hơn lương các cậu”. Chuyện về ông thì còn nhiều lắm. Chuyện nào cũng mang hương vị của gió lào cát trắng quê hương.
Cán bộ nào phong trào nấy, 3 năm của ông ở Nghệ An là 3 năm của những chuyển biến. Điều quan trọng là tác phong lề lỗi làm việc mang đượm chất Nghệ của ông thực sự lan tỏa. Cách chỉ đạo điều hành quyết liệt, bám việc bám cơ sở của ông đã thổi hồn vào bộ máy cán bộ công chức tỉnh nhà.
Những bài học về xử lý cán bộ thấm đẫm tính nghiêm minh nhưng cũng đầy nhân ái. Ứng xử đời thường của một cán bộ cấp cao mà mẫu mực. Người ta nể phục ông, chấp hành mệnh lệnh của ông như là sự chấp nhận lẽ phải. Không ai oán thù ông cho dù ở góc độ nào đó quyền lợi cá nhân họ có khi bị ảnh hưởng. Ông là vậy, ông để lại cho chúng ta là vậy. Phong cách của ông, một phong cách được kết tinh từ những người dân cá Gỗ!
Bữa cơm đạm bạc của đồng chí Trương Đình Tuyển cùng phong cách điều hành ngày ấy là những câu chuyện đẹp. Đất nước đã nhiều thay đổi, thời đại của Internet, của Facebook, không ai đòi hỏi cán bộ nhất nhất phải ăn cá khô và đi xe đạp mới có thể đến được với dân. Nhưng dù ở đâu, dù cương vị nào, dù đang làm gì cũng xin đừng quên mình còn có một niềm tự hào, quê hương con cá Gỗ. Cái cốt cách của người Nghệ phải trường sinh trên đất Nghệ và được hun đúc trong cán bộ Nghệ. Món quà của Bí thư tỉnh ủy đầu xuân như gửi đi một thông điệp, như một lời nhắc nhở vậy.
Nguyễn Khắc An
TIN LIÊN QUAN