Cách mạng Tháng Tám và sự hình thành Nhà nước pháp quyền vì dân

Nguyễn Văn Toàn 18/08/2021 15:02

(Baonghean.vn) - Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đã khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa – Nhà nước pháp quyền vì dân.

Tạo tiền đề cho việc ra đời nhà nước pháp quyền vì dân

Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thắng lợi đã khai sinh ra Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Lời nói đầu của Hiến phápnăm 1946 đã nêu rõ: “Cuộc Cách mạng Tháng Tám đã giành lại chủ quyền cho đất nước, tự do cho nhân dân và lập ra nền dân chủ cộng hòa. Sau tám mươi năm tranh đấu, dân tộc Việt Nam đã thoát khỏi vòng áp bức của chính sách thực dân, đồng thời đã gạt bỏ chế độ vua quan. Nước nhà đã bước sang một quãng đường mới”.

Ngày 19/8/1945, Tổng khởi nghĩa ở Hà Nội, các lực lượng quần chúng cách mạng đánh chiếm Bắc Bộ Phủ. Ảnh tư liệu: Bảo tàng Lịch sử quốc gia

Đánh giá về điều này, trong Báo cáo chính trị tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng (ngày 11-2-1951), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhận định: “Cách mạng Tháng Tám đã lật đổ nền quân chủ mấy mươi thế kỷ, đã đánh tan xiềng xích thực dân gần một trăm năm, đã đưa chính quyền lại cho nhân dân, đã xây dựng nền tảng cho nước Việt Nam dân chủ cộng hòa độc lập, tự do, hạnh phúc. Cách mạng Tháng Tám thắng lợi đã làm cho chúng ta trở nên một bộ phận trong đại gia đình dân chủ thế giới… Ngày 2-9-1945, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thành lập, đã tuyên bố trước thế giới quyền độc lập của Việt Nam, và thực hiện những quyền tự do dân chủ ở trong nước”[1].

Nói về mục đích của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, trong Lời kêu gọi nhân dịp kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám và ngày Quốc khánh viết ngày 01/9/1954, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Mục đích Cách mạng Tháng Tám là gì? Là giành lại hòa bình, thống nhất, độc lập và dân chủ cho Tổ quốc ta, cho nhân dân ta. Cách mạng Tháng Tám thành công, ngày 2 tháng 9 nước ta tuyên bố độc lập. Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời. Tổng tuyển cử tự do được tổ chức, nhân dân toàn quốc ta đã bầu ra Quốc hội. Quốc hội thông qua Hiến pháp và bầu ra Chính phủ Trung ương. Chính quyền địa phương từ xã đến tỉnh đều do nhân dân cử ra. Thế là lúc đó chúng ta đã bắt đầu thực hiện thống nhất, độc lập và dân chủ” (Báo Nhân dân, số 220, từ ngày 1 đến 3-9-1954)[2].

Xây dựng Nhà nước pháp quyền vì dân

Nhà nước pháp quyền trước hết là nhà nước dân chủ. Thứ hai, nhà nước pháp quyền là một nhà nước tôn trọng pháp luật, được tổ chức và hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật. Thứ ba, nhà nước pháp quyền là nhà nước trong sạch, vững mạnh, hiệu quả và khắc phục được những căn bệnh cố hữu của các nhà nước kiểu cũ. Còn nhà nước vì dân là nhà nước mưu cầu quyền lợi, hạnh phúc cho nhân dân.

Trên thực tế, trong suốt quá trình hoạt động cách mạng của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt coi trọng quản lý đất nước, xã hội bằng nhà nước pháp quyền và Người cũng quan tâm đến việc xây dựng một nhà nước vì dân. Do đó, dưới sự định hướng của Người, Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã trở thành một nhà nước pháp quyền vì dân.

Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến việc xây dựng Nhà nước pháp quyền vì dân. Ảnh tư liệu lịch sử
Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đến việc xây dựng Nhà nước pháp quyền vì dân. Ảnh tư liệu lịch sử

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xây dựng nhà nước pháp quyền như thế nào? Một ngày sau lễ tuyên bố độc lập, ngày 3-9-1945, trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời, Người nêu rõ: “Trước chúng ta đã bị chế độ quân chủ chuyên chế cai trị, rồi đến chế độ thực dân không kém phần chuyên chế, nên nước ta không có hiến pháp. Nhân dân ta không được hưởng quyền tự do dân chủ. Chúng ta phải có một hiến pháp dân chủ”[3]. Ở cương vị Chủ tịch nước, Người đã hai lần đứng đầu Ủy ban soạn thảo hiến pháp (1946 và 1959), ký lệnh công bố 16 đạo luật, 613 sắc lệnh và nhiều văn bản dưới luật khác. Bên cạnh đó, trong tác phẩm Thường thức chính trị (năm 1951), Người cũng chỉ rõ: “Trước kia Việt Nam ta vẫn có Nhà nước và Chính phủ. Song đó là công cụ của đế quốc và phong kiến để áp bức nhân dân. Cách mạng Tháng Tám thành công, ta lập ra Chính phủ mới, quân đội, công an, tòa án, pháp luật mới của nhân dân để chống kẻ địch trong và ngoài, và để giữ gìn quyền lợi của nhân dân. Nhà nước mới của ta và Nhà nước cũ, tính chất khác nhau... Nhà nước cũ nằm trong tay đế quốc và phong kiến, tính chất nó là đế quốc và phong kiến, là phản động. Nhà nước ta ngày nay là nằm trong tay nhân dân chống đế quốc và phong kiến. Tính chất nó là nhân dân dân chủ chuyên chính”[4].

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xây dựng nhà nước vì dân như thế nào? Theo nhận định của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Cách mạng Tháng Tám thắng lợi “đã đưa dân tộc Việt Nam bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên độc lập tự do và chủ nghĩa xã hội”[5]. Bởi vậy, ngay sau Cách mạng Tháng Tám thành công, trong bài Chính phủ là công bộc của dân, Người nêu rõ: “Non hai tháng trước đây, trước cuộc khởi nghĩa 19-8-1945, nói tới hai chữ Chính phủ người ta nghĩ ngay tới một bọn đầu đảng cướp nguy hiểm, xảo quyệt. Trái lại, ai ai đối với Chính phủ nhân dân hiện nay cũng đều có một cảm tình thân mật xen lẫn với một tôn kính sâu xa... Các công việc của Chính phủ làm phải nhằm vào một mục đích duy nhất là mưu tự do hạnh phúc cho mọi người. Cho nên Chính phủ nhân dân bao giờ cũng phải đặt quyền lợi dân lên trên hết thảy. Việc gì có lợi cho dân thì làm. Việc gì có hại cho dân thì phải tránh... Nói tóm lại, bao nhiêu những cái xấu xa, thối nát, bất công, áp bức của chế độ cũ, của các hội đồng kỳ mục trước sẽ không thể tồn tại trong các Ủy ban nhân dân bây giờ. Ủy ban nhân dân là Ủy ban có nhiệm vụ thực hiện tự do dân chủ cho dân chúng. Nó phải hành động đúng tinh thần tự do dân chủ đó” (Báo Cứu quốc, số 46, ngày 19-9-1945)[6].

Chủ tịch Hồ Chí Minh trong buổi chứng kiến Thủ tướng Kim Nhật Thành và Thủ tướng Phạm Văn Đồng ký kết Bản tuyên bố chung giữa Triều Tiên và Việt Nam vào tháng 12/1958. Ảnh tư liệu lịch sử
Chủ tịch Hồ Chí Minh trong buổi chứng kiến Thủ tướng Kim Nhật Thành và Thủ tướng Phạm Văn Đồng ký kết Bản tuyên bố chung giữa Triều Tiên và Việt Nam vào tháng 12/1958. Ảnh tư liệu lịch sử

Trong Thư gửi ủy ban nhân dân các kỳ, tỉnh, huyện và làng (17-10-1945), Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng nêu rõ: “Chúng ta phải hiểu rằng, các cơ quan của Chính phủ từ toàn quốc đến các làng, đều là công bộc của dân, nghĩa là để gánh vác việc chung cho dân, chứ không phải để đè đầu dân như trong thời kỳ dưới quyền thống trị của Pháp, Nhật”[7].

Xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân

Nói chuyện với đồng bào các dân tộc tỉnh Tuyên Quang vào tháng 3-1961, Chủ tịch Hồ Chí Minh giải thích rõ chế độ dân chủ và Đảng lãnh đạo rất rõ ràng: “Chế độ ta là chế độ dân chủ, nghĩa là nhân dân làm chủ. Đảng ta là Đảng lãnh đạo, nghĩa là tất cả các cán bộ, từ trung ương, đến khu, đến tỉnh, đến huyện, đến xã, bất kỳ ở cấp nào và ngành nào - đều phải là người đày tớ trung thành của nhân dân”.

Ngày 9-9-1969, Điếu văn của Ban Chấp hành Trung ương Đảng do đồng chí Lê Duẩn, Bí thư thứ Nhất, đọc tại Lễ truy điệu trọng thể Chủ tịch Hồ Chí Minh có đoạn: “Vĩnh biệt Người, chúng ta thề: Đem hết sức mình tiếp tục phấn đấu thực hiện lý tưởng xã hội chủ nghĩa và cộng sản chủ nghĩa cao đẹp mà Người đã vạch ra cho giai cấp công nhân và nhân dân ta, đem lại phồn vinh cho đất nước, hạnh phúc cho đồng bào”.

Ngày 2-7-1976, Quốc hội khóa VI (nhiệm kỳ 1976 - 1981) Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã quyết định đổi tên nước thành Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011), đã xác định mô hình xã hội xã hội chủ nghĩa mà nhân dân ta xây dựng dựa trên tám đặc trưng và “xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân” là một đặc trưng cơ bản. Điều 2 Hiến pháp năm 2013 cũng đã quy định: “Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân”.

Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng lần thứ III (1960). Trong ảnh là những lãnh đạo của Đảng và Nhà nước ta: Chủ tịch Đảng Lao động Việt Nam và Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Hồ Chí Minh (người đứng nói), Bí thư thứ nhất Đảng Lao động Việt Nam Lê Duẩn (thứ nhất, trái qua, hàng đầu), Chủ tịch Quốc hội Trường Chinh (thứ nhất, phải qua, hàng đầu), Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Võ Nguyên Giáp (thứ nhất, trái qua, hàng thứ hai). Ảnh tư liệu lịch sử
Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng lần thứ III (1960). Trong ảnh là những lãnh đạo của Đảng và Nhà nước ta: Chủ tịch Đảng Lao động Việt Nam và Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Hồ Chí Minh (người đứng nói), Bí thư thứ nhất Đảng Lao động Việt Nam Lê Duẩn (thứ nhất, trái qua, hàng đầu), Chủ tịch Quốc hội Trường Chinh (thứ nhất, phải qua, hàng đầu), Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Võ Nguyên Giáp (thứ nhất, trái qua, hàng thứ hai). Ảnh tư liệu lịch sử

Trong bài viết “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ: “Chúng ta chủ trương không ngừng phát huy dân chủ, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa thực sự của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, trên cơ sở liên minh giữa công nhân, nông dân và trí thức do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo. Nhà nước đại diện cho quyền làm chủ của nhân dân, đồng thời là người tổ chức thực hiện đường lối của Đảng; có cơ chế để nhân dân thực hiện quyền làm chủ trực tiếp và dân chủ đại diện trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, tham gia quản lý xã hội.

Chúng ta nhận thức rằng, nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa về bản chất khác với nhà nước pháp quyền tư sản là ở chỗ: pháp quyền dưới chế độ tư bản chủ nghĩa về thực chất là công cụ bảo vệ và phục vụ cho lợi ích của giai cấp tư sản, còn pháp quyền dưới chế độ xã hội chủ nghĩa là công cụ thể hiện và thực hiện quyền làm chủ của nhân dân, bảo đảm và bảo vệ lợi ích của đại đa số nhân dân. Thông qua thực thi pháp luật, Nhà nước bảo đảm các điều kiện để nhân dân là chủ thể của quyền lực chính trị, thực hiện chuyên chính với mọi hành động xâm hại lợi ích của Tổ quốc và nhân dân” (Báo Nhân dân điện tử, ngày 16-5-2021).


[1] Hồ Chí Minh: Tuyển tập, tập 2, Nxb. Sự Thật, Hà Nội,1980, tr. 463

[2] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 7, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, tr. 337

[3] Hồ Chí Minh : Toàn tập, tập 4, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr. 8

[4] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 8, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr. 262

[5] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 6, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, tr. 629

[6] Hồ Chí Minh : Toàn tập, tập 4, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr. 22

[7] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 4, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr. 64-65

Cách mạng Tháng Tám và sự hình thành Nhà nước pháp quyền vì dân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO