Cảnh giác với chiêu trò kích động, ‘vơ đũa cả nắm’

Kim Phùng 01/05/2021 07:14

(Baonghean.vn) - Từ lâu, cứ mỗi khi đất nước ta có sự kiện quan trọng là các thế lực thù địch, phản động lại ráo riết tuyên truyền xuyên tạc, chống phá. Cuộc bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND các cấp lần này không là ngoại lệ. Một trong những nội dung mà các thế lực thù địch, phản động khoét sâu là vai trò của đảng viên tham gia ĐBQH và HĐND các cấp.

Thực chất vẫn là phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng

Không chỉ lập ra hàng nghìn trang mạng xã hội mà các thế lực thù địch và một số tổ chức phản động ở nước ngoài còn sử dụng các trang tiếng Việt của những tờ báo vốn lâu nay thiếu thiện chí với Việt Nam như BBC, VOA, RFA, RFI... để chống phá cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2021-2026.

Đáng chú ý gần đây chúng phỏng vấn một số đại biểu là người ngoài Đảng đã tham gia Quốc hội khóa XIV và các khóa trước đây nhằm lái dư luận theo hướng tiêu cực hoài nghi về vai trò của ĐBQH là đảng viên theo kiểu: ĐBQH là người của Đảng bị “ràng buộc quá nhiều” vào những quy định của tổ chức nên không dám nói thẳng, nói thật và như thế không bảo vệ được quyền và lợi ích của nhân dân...

Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Xuân Sơn kiểm tra công tác bầu cử ở tổ bầu cử số 5, xã Tân Sơn (Đô Lương). Ảnh tư liệu: M.H

Lợi dụng việc một số người vi phạm vừa là đảng viên vừa là ĐBQH và đại biểu HĐND, chúng suy diễn, quy chụp rằng vai trò của đảng viên trong Quốc hội hạn chế; chỉ có ĐBQH, đại biểu HĐND là đảng viên mới chạy chức, chạy quyền, tham ô, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, vi phạm kỷ luật, vi pháp luật,... còn các đại biểu là người ngoài Đảng thì không sai phạm... Từ đây chúng hô hào dư luận ủng hộ các ứng cử viên là người ngoài Đảng, kích động đòi thay đổi cơ cấu tăng tỷ lệ ĐBQH là người ngoài Đảng. Bởi chúng cho rằng, chỉ ĐBQH và đại biểu HĐND là người ngoài Đảng mới thực sự đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân.

Chúng ta không phủ nhận trong nhiệm kỳ, có một số đảng viên là đại biểu Quốc hội, trong đó có cả cán bộ lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước, các tướng lĩnh đã vi phạm kỷ luật, pháp luật phải xử lý. Nhưng đó chỉ là “con sâu làm rầu nồi canh”. Chúng ta không thể qua một vài trường hợp ấy mà suy diễn, quy chụp phủ nhận sạch trơn vai trò của các ĐBQH và HĐND các cấp là đảng viên. Thực chất của lối suy diễn, quy chụp ấy là trò “vơ đũa cả nắm” mưu toan gây phân tâm trong xã hội, hướng lái dư luận theo hướng tiêu cực, kích động tư tưởng hoài nghi về vai trò của các đảng viên là ĐBQH và HĐND các cấp. Điều sâu xa lẩn khuất đằng sau những luận điệu, chiêu trò ấy không gì khác vẫn là loại bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng đối với Quốc hội.

Sự thật không thể phủ nhận

Báo cáo công tác nhiệm kỳ khóa XIV của Quốc hội đã khẳng định rõ: “Trong 5 năm qua, Quốc hội triển khai hoạt động trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực có nhiều biến động, thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen; thế và lực của đất nước ngày càng lớn mạnh sau 35 năm đổi mới. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự giám sát của cử tri, cùng với sự kế thừa và phát huy kinh nghiệm của các nhiệm kỳ trước, Quốc hội khóa XIV ngày càng thể hiện sâu sắc là hiện thân của khối đại đoàn kết dân tộc, tư duy sáng tạo, đổi mới mạnh mẽ, linh hoạt, thận trọng, quyết đoán, nêu cao tinh thần trách nhiệm, hành động vì lợi ích của nhân dân, của đất nước, hoàn thành tốt nhiệm vụ trên các lĩnh vực lập pháp, giám sát, quyết định các vấn đề quan trọng và đối ngoại; thể hiện rõ vị trí, vai trò là cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Các quyết sách của Quốc hội luôn xuất phát từ ý chí, nguyện vọng của Nhân dân, lợi ích quốc gia, dân tộc, từ yêu cầu phát triển của đất nước, tạo nên những chuyển biến tích cực, mạnh mẽ trong đời sống kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, góp phần đẩy mạnh công cuộc đổi mới, xây dựng, bảo vệ Tổ quốc...”.

Đại biểu Quốc hội tham dự kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV. Ảnh: Quochoi.vn

Đánh giá về phát huy vai trò của đại biểu và từng cơ quan trong bộ máy của Quốc hội, Kỳ họp thứ XI, Quốc hội khóa XIV cũng khẳng định: “Đại biểu Quốc hội khóa XIV cơ bản bảo đảm yêu cầu về số lượng, tiêu chuẩn, chất lượng; thường xuyên gắn bó, nắm bắt ý kiến, kiến nghị của cử tri, tăng cường tiếp công dân; tích cực tham gia, thực sự trở thành trung tâm hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và Đoàn đại biểu Quốc hội. Tại các kỳ họp, các đại biểu Quốc hội đã thể hiện bản lĩnh, chính kiến, thẳng thắn, công tâm, cân nhắc thận trọng, phát huy cao trách nhiệm trước Tổ quốc, nhân dân trong thảo luận, quyết định chính sách, pháp luật, các chủ trương lớn về quốc kế dân sinh và những vấn đề trọng đại của đất nước...”.

Thực tế các nhiệm kỳ trước đây cũng cho thấy rõ những đảng viên được bầu vào Quốc hội đều có trình độ, năng lực, phẩm chất đạo đức tốt. Những đóng góp của các đảng viên tham gia ĐBQH, đại biểu HĐND các cấp trong thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật Nhà nước là rất rõ ràng. Đặc biệt các đảng viên là ĐBQH và HĐND các cấp đảm đương các vị trí quan trọng trong xã hội bằng việc phát huy vai trò, trách nhiệm của mình đã tích cực tham gia giải quyết những vấn đề của Quốc hội, cũng như những tâm tư, nguyện vọng chính đáng của nhân dân.

Trở lại cuộc bầu cử ĐBQH khóa XIV chúng ta thấy trong tổng số 496 người trúng cử có 21 đại biểu là người ngoài Đảng. Đến cuối nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV còn 19 ĐBQH là người ngoài Đảng (1 đại biểu từ trần, 1 đại biểu bị hủy tư cách). Như vậy, đa số các ĐBQH khóa XIV là đảng viên. Thử hỏi nếu các ĐBQH là đảng viên không phát huy tốt vai trò thì làm sao có được kết quả hoạt động như vậy. Có lẽ chẳng cần bàn thêm bởi thực tế đã vạch rõ sự phiến diện, một chiều, quy chụp trong luận điệu chống phá của các thế lực thù địch.

Tiếp tục khẳng định vai trò của đảng viên là ĐBQH

Số lượng đảng viên trong Quốc hội chính là một đặc trưng, thể hiện bản chất Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, dưới sự lãnh đạo của Đảng. Sự lãnh đạo của Đảng ta đối với Quốc hội là sự lãnh đạo đối với cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất, cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân. Muốn đi vào cuộc sống thì các nghị quyết lãnh đạo của Đảng phải được thể chế hóa bằng các văn bản pháp luật, nghị quyết của Quốc hội và nghị quyết của HĐND các cấp. Có thể nói Quốc hội, HĐND là nơi đầu tiên, quan trọng nhất để chuyển hóa nghị quyết, tạo tính pháp lý cho nghị quyết của Đảng trong quá trình tổ chức thực hiện. Điều này đặt ra nguyên tắc đảm bảo sự lãnh đạo của Đảng đối với mọi hoạt động của Quốc hội và HĐND. Đặc biệt Đảng phải coi trọng đến xây dựng đội ngũ cán bộ được phân công làm nhiệm vụ đại biểu dân cử ở các cấp, đảm bảo cả về số lượng và chất lượng, nhất là với những đảng viên là ĐBQH, đại biểu HĐND chuyên trách để họ phát huy vai trò và thực hiện tốt nhiệm vụ của mình.

Thường trực HĐND tỉnh giám sát việc giải quyết kiến nghị cử tri tại huyện Quỳ Châu. Ảnh tư liệu: Mai Hoa

Để phát huy tốt hơn vai trò của các đảng viên là ĐBQH và HĐND các cấp, Đảng ta xác định công tác nhân sự của cuộc bầu cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2021-2026 quan trọng không kém Đại hội XIII của Đảng. Chỉ thị 45-CT/TW của Bộ Chính trị về lãnh đạo cuộc bầu cử ĐBQH khóa XV và bầu cử đại biểu HĐNĐ các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 nêu rõ: “Để cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 đạt kết quả cao, Bộ Chính trị yêu cầu các cấp ủy, các tổ chức Đảng lãnh đạo thực hiện tốt công tác nhân sự, bảo đảm phát huy dân chủ và sự lãnh đạo tập trung, thống nhất của Đảng trong công tác cán bộ. Gắn kết quả nhân sự của đại hội Đảng các cấp và quy hoạch cán bộ với công tác chuẩn bị nhân sự để giới thiệu những người tiêu biểu về phẩm chất, đạo đức và năng lực, có quan điểm, lập trường chính trị vững vàng, đủ tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật, có điều kiện thực hiện nhiệm vụ tham gia làm đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân. Phấn đấu giới thiệu, lựa chọn bầu được những đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân thật sự tiêu biểu, xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân; bảo đảm đủ tiêu chuẩn, đủ số lượng, có cơ cấu hợp lý, trong đó lấy tiêu chuẩn, chất lượng đại biểu làm trọng tâm, không vì cơ cấu mà hạ thấp tiêu chuẩn".

Quan điểm chỉ đạo của Đảng ta với cuộc bầu cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 như vậy là rất rõ ràng. Cử tri luôn sáng suốt trong lựa chọn người đại điện cho mình trong cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất là Quốc hội và HĐND các cấp. Với sự chọn lựa chuẩn bị nhân sự kỹ càng, tổ chức bầu cử chặt chẽ, chúng ta tin rằng trong cuộc bầu cử lần này sẽ thành công tốt đẹp, tỷ lệ đảng viên trúng cử ĐBQH và đại biểu HĐND các cấp sẽ rất cao. Vai trò, vị trí của các đảng viên là ĐBQH và đại biểu HĐND các cấp sẽ tiếp tục được khẳng định./.

Cảnh giác với chiêu trò kích động, ‘vơ đũa cả nắm’
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO