Trung Quốc đóng biên, hải sản Nghệ An tìm hướng tiêu thụ nội địa

Xuân Hoàng - Quang An 23/12/2021 15:46

(Baonghean.vn) - Hàng hóa xuất khẩu sang Trung Quốc không được thông quan tại các cửa khẩu trong thời gian này khiến các cơ sở cấp đông, bảo quản hải sản của Nghệ An phải chuyển hướng tiêu thụ thị trường nội địa.

cấp đông
Nhiều kho cấp đông ở xã Quỳnh Lập (TX. Hoàng Mai) đang chất đầy hải sản. Ảnh: Xuân Hoàng

Xã Quỳnh Lập (TX. Hoàng Mai) là địa phương có sản lượng đánh bắt hải sản cao, cùng đó nghề hấp sấy, cấp đông hải sản ở đây phát triển mạnh, nhằm tiêu thụ hải sản cho bà con ngư dân.

Tuy nhiên, do phía Trung Quốc đóng biên các cửa khẩu trong những ngày qua khiến hải sản xuất khẩu không tiêu thụ được. Các kho cấp đông, kho bảo quản hải sản trên địa bàn xã Quỳnh Lập trở nên ứ đọng.

Tại kho bảo quản của ông Trần Ngọc Chủng ở khối Đoàn Kết, xã Quỳnh Lập cho thấy, hải sản đã đóng thùng chất đầy sát nóc từ nhiều ngày nay. Còn tại kho cấp đông, hàng loạt khay mực đã chuyển màu đen sẫm nhưng vẫn chưa tiêu thụ được. "Do khó tiêu thụ, nên mực cấp đông đã 4 tháng trong kho dẫn đến chuyển màu, giảm chất lượng", ông Chủng chia sẻ.

mưck cấp đông
Do nhiều tháng không tiêu thụ được, nên mực cấp đông chuyển màu, giảm chất lượng. Ảnh: Quang An

Theo ông Lê Minh Châu - Phó Giám đốc HTX Đoàn Kết, xã Quỳnh Lập cho biết: HTX có 30 kho cấp đông và 20 kho bảo quản hải sản, hiện tại đang tồn khoảng 300 tấn hải sản tại các kho. Trong khi cửa khẩu sang Trung Quốc đang đóng biên, từ nay đến tết Nguyên đán, các thành viên của HTX tìm cách tiêu thụ hải sản bằng mở rộng thị trường nội địa, nhất là các địa phương vùng miền núi phía Bắc và miền Trung, nhằm giải phóng kho và giải quyết nguồn vốn quay vòng sản xuất.

Hải sản cấp đông của huyện Quỳnh Lưu phần lớn xuất khẩu qua cửa khẩu Trung Quốc, vì vậy, thời điểm này các cơ sở cấp đông ở đây cũng gặp khó khăn.

Các kho bảo quản hải sản hấp sấy cũng ứ đọng, chất tận mái. Ảnh: Xuân Hoàng

Ông Lê Xuân Tư, chủ cơ sở cấp đông trên địa bàn xã Quỳnh Nghĩa cho hay, 3 kho cấp đông của ông có công suất 90 tấn. Hải sản cấp đông chủ yếu xuất bán sang Trung Quốc, nhưng khi phía Trung Quốc đóng biên, dẫn đến không xuất khẩu được, buộc cơ sở phải chuyển hướng tiêu thụ tại các tỉnh phía Nam. Tuy nhiên, thị trường tiêu thụ nội địa cũng gặp khó khăn, giá cả không ổn định.

Hiện nay HTX Đoàn Kết, xã Quỳnh Lập còn khoảng 300 tấn hải sản ứ đọng. Ảnh: Quang An

Bà Trần Thị Mỹ Hà - Trưởng phòng Quản lý thương mại (Sở Công Thương) cho rằng, sản phẩm hải sản xuất khẩu của Nghệ An chủ yếu xuất khẩu sang Trung Quốc. Trong khi phía Trung Quốc đóng cửa khẩu thì các cơ sở cấp đông chỉ còn cách khai thác thị trường tiêu thụ trong nước với nhiều phân khúc khác nhau, đó là siêu thị và các chợ. Tuy nhiên, khi hàng hóa không xuất khẩu được sẽ đẩy lượng hàng tăng lên "cung lớn hơn cầu", điều tất yếu là ảnh hưởng đến giá cả.

"Lâu nay Sở Công Thương đã triển khai chương trình hướng tiêu thụ hải sản mang tính lâu dài, ổn định hơn, đó là đưa hải sản vào hệ thống bán hàng tiêu chuẩn và hệ thống siêu thị trong cả nước nhưng các cơ sở chưa quan tâm nhiều", bà Trần Thị Mỹ Hà chia sẻ.

Mới nhất

x
Trung Quốc đóng biên, hải sản Nghệ An tìm hướng tiêu thụ nội địa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO