Câu chuyện tìm hài cốt cha liệt sỹ của người con chưa từng được một lần gặp mặt
(Baonghean.vn) - “Khi mẹ tôi mang thai tôi được 6 tháng thì bố đã hy sinh rồi. Hồi nhỏ thấy các bạn có bố, tôi hỏi mẹ bố con đâu thì mẹ cứ bảo là "bố đang đi công tác". Lớn lên biết bố đã mất nên tôi rất là buồn”, chị Nguyễn Thị Kim Nhung (50 tuổi), con gái duy nhất của liệt sỹ Quảng kể.
“Anh trai tôi đây rồi”, ông Nguyễn Đình Doanh khóc rống lên như một đứa trẻ trước sự ngỡ ngàng của các cán bộ, chiến sỹ Đội quy tập hài cốt liệt sỹ (Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Nghệ An). “Tôi dám chắc đây là anh tôi. Không ai khác được”, người đàn ông ngoài 60 tuổi khẳng định chắc nịch, chạy tới ôm cô cháu gái khóc nức nở trong gian phòng đang thờ tự hơn 80 bộ hài cốt liệt sỹ ở Lào. Đây là những bộ hài cốt liệt sỹ chưa xác định được danh tính vừa mới cất bốc xong trong mùa khô 2017 - 2018, chuẩn bị đưa về nước để an táng.
Người anh trai mà ông Doanh nhắc tới là liệt sỹ Nguyễn Đình Quảng - trường hợp duy nhất xác định được danh tính trong hàng trăm bộ hài cốt liệt sỹ mà Đội tìm kiếm quy tập hài cốt liệt sỹ Nghệ An tìm thấy tại Lào trong 3 năm qua.
Chị Nhung (giữa) trong lần đưa hài cốt liệt sỹ Quảng về nước. Ảnh: Tiến Hùng |
Năm 1970, chàng trai trẻ 23 tuổi ở tỉnh Ninh Bình đi theo tiếng gọi của đất nước, lên đường nhập ngũ. Lúc đó, vợ Quảng đang mang bầu cô con gái đầu lòng được 3 tháng. Không lâu sau, cả gia đình chết lặng khi nhận được thông tin anh đã hy sinh.
“Khi mẹ tôi mang thai tôi được 6 tháng thì bố đã hy sinh rồi. Hồi nhỏ thấy các bạn có bố, tôi hỏi mẹ bố con đâu thì mẹ cứ bảo là "bố đang đi công tác". Lớn lên biết bố đã mất nên tôi rất là buồn”, chị Nguyễn Thị Kim Nhung (50 tuổi), con gái duy nhất của liệt sỹ Quảng kể với phóng viên Báo Nghệ An.
Chị Nhung nói rằng, kể từ khi biết bố đã hy sinh, chị và gia đình đã quyết tâm phải tìm bằng được hài cốt của ông đang nằm ở đâu, để đưa về với đất mẹ. Nhưng trong giấy báo tử, chỉ ghi ngắn gọn “liệt sỹ Quảng hy sinh ở mặt trận phía Nam”. Trong khi, gia đình cũng rất mơ hồ về đơn vị vì anh Quảng vừa nhập ngũ, chiến đấu được vài tháng thì đã anh dũng hy sinh.
Gần 40 năm, Đội quy tập đã đưa được hơn 12.200 hài cốt liệt sỹ hy sinh ở Lào về nước. Ảnh: Tiến Hùng |
Sau nhiều năm miệt mài tìm kiếm thông tin, đến năm 2015, gia đình mới biết được chính xác đơn vị của liệt sỹ Quảng trước lúc hy sinh. Nhưng cũng phải mất một thời gian dài nữa, họ mới tìm thấy sơ đồ mộ chí, cũng như phần ghi chú trong hồ sơ vẫn còn lưu lại. Lúc này, gia đình mới biết phần mộ liệt sỹ Quảng đang nằm đâu đó ở Mường Pẹt, Xiêng Khoảng, Lào. “Ngoài sơ đồ mộ chí, trong phần ghi chú, các đồng đội của anh tôi đã cẩn thận viết lại là trong mộ có để viên gạch khắc chữ Quảng”, ông Nguyễn Đình Doanh kể.
Tháng 3/2018, ông Doanh, chị Nhung quyết định sang Lào. “Mặc dù đã có sơ đồ mộ chí trong tay rồi, nhưng trải qua gần nửa thế kỷ, địa hình, địa thế thay đổi nhiều. Dọc đường đi, tôi cũng xác định công việc này là rất gian nan, không dễ mà tìm được. Nhưng không ngờ...”, chị Nhung kể.
Việc tìm kiếm hài cốt liệt sỹ được xem như công việc "mò kim đáy bể". Ảnh: Tiến Hùng |
Qua đến đất Lào, chú cháu ông Doanh liền tìm đến bản doanh của Đội tìm kiếm quy tập hài cốt liệt sỹ Nghệ An ở tỉnh Xiêng Khoảng với mong muốn được hỗ trợ. Đây cũng là nơi tạm thờ tự những bộ hài cốt liệt sỹ vừa cất bốc xong, để chờ đến cuối mùa khô chuyển về Việt Nam tổ chức mai táng. Lúc đó, trong phòng đã có hơn 80 bộ hài cốt liệt sỹ được tìm thấy, tất cả đều chưa xác định được danh tính. Một số ít có tên, tuổi nhưng lại không biết địa chỉ, đơn vị.
“Khi đang cầm bó hương để thắp lên bàn thờ, bỗng ông Doanh hét toáng lên “anh tôi đây rồi”. Rồi 2 chú cháu ôm nhau khóc nức nở sau khi nhìn thấy viên gạch có khắc chữ Quảng, đặt cạnh một bộ hài cốt”, Thượng tá Nguyễn Văn Nam - Đội trưởng Đội tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ kể. Sau giây phút xúc động ấy, chú cháu ông Doanh đưa ra sơ đồ mộ chí để đối chiếu với sơ đồ vị trí, nơi mà các chiến sỹ vừa cất bốc hài cốt này về. Tất cả những người có mặt trong căn phòng lúc đó mừng rơi nước mắt khi vị trí trong 2 tấm sơ đồ này hoàn toàn trùng khớp với nhau.
Trải qua hàng chục năm dưới lòng đất, nhiều kỷ vật để xác định danh tính các liệt sỹ đã bị phân hủy. Ảnh: Tiến Hùng |
Nói về hành trình tìm thấy phần mộ liệt sỹ Nguyễn Đình Quảng, Thượng tá Nam cho hay, cũng như nhiều phần mộ khác, khi cất bốc lên, cán bộ, chiến sỹ trong đội cũng không kỳ vọng sẽ xác định được danh tính. Mặc dù dưới mộ tìm thấy một viên gạch có khắc tên Quảng. “Nhiều phần mộ chúng tôi đào lên còn tìm thấy tên tuổi đầy đủ nhưng cũng đành chịu, huống gì chỉ với một cái tên. Câu chuyện của liệt sỹ Quảng thật sự có nhiều chi tiết rất tâm linh”, Đội trưởng đội quy tập nói.
Hài cốt của liệt sỹ Quảng vốn được chôn cất trong một nghĩa trang nhỏ, gồm 8 liệt sỹ ở Mường Pẹt, Xiêng Khoảng. Năm 1979, 7 hài cốt liệt sỹ tại đây đã được bộ đội Việt Nam cất bốc, đưa về mai táng ở Nghĩa trang liệt sỹ Quốc tế Việt - Lào sau khi đã đào xới hết nghĩa trang nhưng vẫn không tìm được phần mộ thứ 8. Những năm sau đó, người dân sống trong một ngôi làng cạnh nghĩa trang thường xuyên báo tin, cho rằng vẫn còn hài cốt bộ đội Việt Nam đang ở đây. “Chúng tôi gặp người dân ở đó, nhiều người trong làng đều kể chung một câu chuyện. Đó là khi ngủ thường nằm mơ thấy một chiến sỹ bộ đội Việt Nam vào làng xin gạo, xin muối. Vì vậy, mà người dân tin rằng, vẫn còn hài cốt liệt sỹ trong nghĩa trang”, Thượng tá Nam kể.
Đưa anh về với đất Mẹ. Ảnh: Tiến Hùng |
Từ những thông tin này, nhiều cán bộ, chiến sỹ của đội lập tức được điều đến nghĩa trang, để một lần nữa tìm kiếm ở đây. Sau nhiều ngày đào xới, cuối cùng họ cũng tìm thấy phần mộ nằm lọt thỏm dưới gốc cây bạch đàn lớn tuổi. “Có thể ngày xưa liệt sỹ này hy sinh do bị bom, nên hài cốt được đồng đội gói tròn lại để chôn cất. Chúng tôi vẫn hay gọi những ngôi mộ này là mộ đùm, rất khó được tìm thấy”, Thượng tá Nam kể thêm. Trong phần mộ này, ngoài những vật dụng chứng minh chủ nhân là bộ đội Việt Nam, chỉ có một vật duy nhất để xác định danh tính là viên gạch có khắc tên Quảng.
“Chúng tôi thật sự may mắn. Sau gần nửa thế kỷ, cuối cùng cũng đưa được bố về quê”, chị Nhung kể với phóng viên Báo Nghệ An khi đang trên đường ra Nghĩa trang liệt sỹ ở TP Ninh Bình để dâng hương nhân dịp ngày Thương binh Liệt sỹ.
Băng rừng lội suối tìm mộ đồng đội. Ảnh: Tiến Hùng |
Trong các cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và thực hiện nghĩa vụ quốc tế tại Lào và Campuchia, nhiều người lính - chuyên gia - quân tình nguyện Việt Nam đã anh dũng hy sinh hoặc để lại một phần xương máu của mình để 3 nước chúng ta có được tự do - độc lập như hôm nay. Sau chiến tranh, vấn đề quy tập hài cốt liệt sỹ quân tình nguyện - chuyên gia Việt Nam hy sinh tại nước bạn về đất Mẹ đặt ra hết sức bức thiết. Đó vừa là tình cảm, trách nhiệm, là truyền thống tốt đẹp “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc ta.
Thành lập từ năm 1984, Đội tìm kiếm và quy tập hài cốt liệt sỹ (Bộ Chỉ huy Quân sự Nghệ An) được giao nhiệm vụ tìm kiếm hài cốt các chuyên gia, quân tình nguyện Việt Nam hy sinh ở 3 tỉnh Xiangkhouang, Vientiane và Xaysomboun. Đây là những tỉnh có địa hình phức tạp, phần lớn các khu vực chôn cất liệt sỹ đều nằm trong rừng sâu, để tìm kiếm và quy tập hài cốt, những chiến sỹ làm nhiệm vụ này thường phải băng rừng, lội suối trong nhiều ngày liền.
Kể từ năm 1984 đến nay, Đội Quy tập đã đưa được hơn 12.200 hài cốt liệt sỹ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hy sinh trên đất nước bạn Lào, trong đó có hơn 1.600 hài cốt liệt sỹ xác định được họ tên, quê quán và đã bàn giao 925 hài cốt liệt sỹ về 37 tỉnh, thành phố trong cả nước. Tuy nhiên, những năm gần đây, việc xác định được danh tính đang ngày càng khó khăn. Khi mà phần lớn các phần mộ là liệt sỹ đã nằm dưới lòng đất hơn nửa thế kỷ, những kỷ vật giúp xác định được danh tính vì thế cũng ít dần do hư hại theo ngày tháng.
Đây dường như là một công việc “mò kim đáy bể”. Đặc biệt khi mà phần lớn các liệt sỹ đã hy sinh từ cách đây gần nửa thế kỷ. Để xác định chính xác được vị trí chôn cất, không phải là một điều dễ dàng. Khi mà trước đây địa hình nước bạn Lào phần lớn là đồi núi trọc, bây giờ cây cối mọc um tùm. Đường sá, địa danh cũng khác xưa. Kể cả các cựu chiến binh trực tiếp chôn cất giờ đích thân quay trở lại tìm cũng rất khó.
Việc tìm kiếm hài cốt càng trở nên khó khăn, nguy hiểm hơn khi có những lực lượng chống phá trên đất bạn. Thậm chí, chúng còn treo thưởng hàng chục nghìn USD cho việc bắt được cán bộ, chiến sỹ của đội quy tập. Quá trình thực hiện nhiệm vụ quy tập từ năm 1984 đến nay, cán bộ, chiến sỹ Đội Quy tập Bộ CHQS tỉnh Nghệ An đã có 9 đồng chí hy sinh, 14 đồng chí bị thương. Trong đó, chỉ riêng năm 2004, đã có 4 chiến sỹ hy sinh, 13 chiến sỹ bị thương.