Chấn chỉnh tình trạng lạm thu, bạo hành trong trường học

Mỹ Hà 27/08/2018 11:21

(Baonghean.vn) - Đó là chỉ đạo của lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo tại Hội nghị tổng kết giáo dục mầm non năm học 2017 - 2018 và triển khai nhiệm vụ năm học 2018 - 2019, diễn ra sáng 27/8.

Đến thời điểm này, toàn tỉnh có 540 trường mầm non, trong đó có 40 trường ngoài công lập với 7.005 lớp. Qua đó, đã huy động được 20,3% trẻ ở độ tuổi nhà trẻ, 90,1% trẻ mẫu giáo và 99,9% trẻ mẫu giáo 5 tuổi đến trường.

Hội nghị tổng kết lần đầu tiên được tổ chức theo hình thức trực tuyến. Ảnh: Mỹ Hà
Hội nghị tổng kết lần đầu tiên được tổ chức theo hình thức trực tuyến. Ảnh: Mỹ Hà

Trong năm học 2017 - 2018, với nhiều đổi mới trong chỉ đạo và hoạt động, ngành giáo dục mầm non đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Trong đó, nổi bật đã tham mưu được nhiều văn bản có ý nghĩa như: Tăng cường dạy tiếng Việt cho bậc mầm non, đổi mới công tác tuyển sinh ở trường công lập, đổi mới tổ chức giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh, kế hoạch phát triển giáo dục mầm non ngoài công lập...

Bên cạnh đó, ngành cũng đã xây dựng được nhiều chuyên đề có chất lượng như “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm”, góp phần quan trọng làm thay đổi các nhà trường theo hướng xanh - sạch - đẹp - thân thiện và an toàn cho trẻ.

Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Thái Huy Vinh - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo đánh giá cao sự nỗ lực của toàn bậc học mầm non trong những năm qua. Tuy nhiên, bên cạnh đó, đồng chí cũng chỉ ra những tồn tại, hạn chế. Đó là hiện tỷ lệ huy động trẻ đến trường ở bậc mầm non của tỉnh còn thấp hơn mặt bằng chung cả nước và theo lộ trình phát triển còn nhiều bất cập.

Giờ học của học sinh trường Mầm non Hưng Hòa, thành phố Vinh. Ảnh: Mỹ Hà

Cùng với đó, định biên giáo viên cho bậc học mầm non đang thiếu, việc sắp xếp đội ngũ giáo viên còn nhiều hạn chế như luân chuyển giáo viên các bậc học xuống dạy mầm non, việc hợp đồng giáo viên trái quy định. Bên cạnh đó, tình trạng quá tải vẫn diễn ra phổ biến dẫn đến việc chăm sóc cho trẻ nhiều khó khăn, đặc biệt là khâu an toàn.

Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo thẳng thắn nói rằng vẫn còn có những đơn vị vi phạm xã hội hóa giáo dục, vi phạm về bạo lực học đường. Ở một số địa phương, bậc học mầm non chưa nhận được sự quan tâm của chính quyền, các cấp ủy, việc huy động xã hội hóa còn nhiều khó khăn. Ở nhiều trường, vẫn có những hiệu trưởng chưa gương mẫu, lạm thu, lạm chi, trong chỉ đạo vẫn còn hiện tượng “khát vọng nhưng liều lĩnh, tâm huyết nhưng vi phạm, quyết liệt nhưng gia trưởng”.

Trong năm học 2018 - 2019, lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo yêu cầu toàn bậc học cần quan tâm đến công tác quản lý, xây dựng hạ tầng, bồi dưỡng về công nghệ thông tin cho các cơ sở giáo dục và giáo viên.

Hoạt động ngoại khóa của học sinh trường mầm non ngoài công lập trên địa bàn thành phố Vinh. Ảnh: Mỹ Hà

Đặc biệt, cần chú ý công tác an ninh trường học, chấm dứt lạm thu, lạm chi, chấm dứt bạo hành ở các trường học; phải đảm bảo các cơ sở giáo dục đều xanh - sạch - đẹp, an toàn vệ sinh thực phẩm.

Ngoài ra, cần tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục nhằm đẩy nhanh tốc độ trường chuẩn quốc gia, đi kèm với kiểm định chất lượng, đặc biệt quan tâm đến công trình vệ sinh cho các trường học.

Đồng thời, tích cực đổi mới phương pháp quản lý, đổi mới công tác bồi dưỡng giáo viên, thực hiện nâng cao chất lượng giáo dục, tăng cường học sinh học bán trú và phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi một cách bền vững.

Hội nghị được diễn ra dưới hình thức trực tuyến ở 21 điểm cầu tại 21 huyện, thành, thị với sự tham gia của lãnh đạo phòng và hơn 500 hiệu trưởng của các nhà trường.

Tại hội nghị, với tinh thần thẳng thắn, nhiều ý kiến cũng đã đề cập đến các vấn đề như khó khăn trong việc quản lý các trường mầm non ngoài công lập (đặc biệt là trong quản lý thu chi và đội ngũ giáo viên thiếu ổn định).

Bên cạnh đó, nhiều địa phương cũng đề nghị tỉnh sớm có cơ chế tuyển dụng giáo viên hợp đồng để giải quyết bài toán thiếu giáo viên trầm trọng ở bậc mầm non hiện nay.

Mới nhất

x
Chấn chỉnh tình trạng lạm thu, bạo hành trong trường học
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO