Chế biến gỗ và mối lo nguồn nguyên liệu

14/03/2016 10:24

(Baonghean) - Dự án chế biến gỗ MDF được đánh giá có quy mô lớn nhất Đông Nam Á hiện nay, đòi hỏi quy hoạch vùng nguyên liệu lớn.

Tổng nhu cầu nguyên liệu khi cả 2 dây chuyền đi vào hoạt động theo dự tính là 800.000 tấn/năm. Hiện nay, cùng với khẩn trương lắp đặt thiết bị sớm hoàn thành đưa Nhà máy chế biến gỗ MDF và ván ghép thanh vào hoạt động, Công ty Lâm nghiệp Tháng Năm đang lo nguyên liệu đầu vào.

Theo báo cáo, đến tháng 3/2015, diện tích lâm nghiệp vùng quy hoạch của Nhà máy chế biến gỗ và ván sợi công nghệ MDF do công ty CP Lâm nghiệp Tháng Năm làm chủ là 531.255,3 ha, trong đó, diện tích rừng trồng của nhà máy 136,738 ha. Diện tích, trữ lượng vùng 5 tuổi trở lên trong vùng quy hoạch 12 huyện, tổng diện tích 3.230,85 ha, trữ lượng 210.005,25 m3. Vùng rừng nguyên liệu phục vụ cho chế biến nằm trên địa bàn 9 huyện như: Nghĩa Đàn, Quỳ Hợp, Yên Thành, Thanh Chương... Cơ cấu cây trồng chủ yếu là keo và bạch đàn, trong đó keo chiếm 85%.

Tổng nhu cầu nguyên liệu theo dự tính là 800..000 tấn/năm. Các dây chuyền gỗ ván thanh, ván ép đi vào hoạt động giúp nông dân Nghệ An phát triển trồng rừng nguyên liệu.
Tổng nhu cầu nguyên liệu theo dự tính là 800..000 tấn/năm. Các dây chuyền gỗ ván thanh, ván ép đi vào hoạt động giúp nông dân Nghệ An phát triển trồng rừng nguyên liệu.

Để chuẩn bị cho sản xuất, Công ty CP Lâm nghiệp tháng Năm đã có kế hoạch thu mua nguyên liệu và khối lượng thu mua thực tế được xây dựng chi tiết, gửi đến chính quyền địa phương và các chủ rừng lớn. Hàng quý sẽ có trao đổi để giải quyết các vấn đề, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người dân. Đối với các nhà cung cấp trung thành cho dự án sẽ có các chính sách ưu tiên hơn.

Hiện đã có các công ty liên kết: Công ty Đông Bắc và Phủ Quỳ cung cấp nguyên liệu cho nhà máy; phát triển vườn ươm cây giống công nghệ cao, hỗ trợ người trồng rừng. Ngoài ra, hợp tác với Công ty chế biến phân vi sinh thuộc Tập đoàn TH để cung cấp phân bón và chính sách ưu đãi. Người trồng rừng cho dự án cũng sẽ được phối hợp với Ngân hàng Bắc Á để xây dựng và cung cấp nguồn vốn ưu đãi. Đi đôi với thực hiện tốt chính sách thu mua, công ty đặc biệt quan tâm đến công tác trồng rừng.

Ông Lê Hồng Sơn – Chủ tịch UBND huyện Nghĩa Đàn chia sẻ: Trước yêu cầu lớn về nguyên liệu phục vụ dự án này, đối với huyện Nghĩa Đàn vì diện tích rừng không lớn nên chúng tôi sẽ tập trung chỉ đạo các xã đầu tư để tăng năng suất rừng trồng. Ngay từ trước huyện đã chủ động rà soát diện tích rừng vùng nguyên liệu, đánh giá trữ lượng, sản lượng rừng trồng cho Dự án chế biến gỗ MDF do Công ty Lâm nghiệp Tháng Năm làm chủ đầu tư. Cùng với đó là chú trọng công tác quy hoạch, biện pháp kỹ thuật thâm canh rừng, giống cây, tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc tốt hơn.

Dây chuyền sản phẩm gỗ ván thanh trong quá trình chạy thử
Dây chuyền sản phẩm gỗ ván thanh trong quá trình chạy thử

Tuy nhiên, vấn đề đặt ra hiện nay là đảm bảo nguyên liệu để nhà máy hoạt động. Hiện nay đã có hiện tượng tư thương thu mua nguyên liệu trong vùng quy hoạch của nhà máy. Vào vùng rừng bạch đàn của anh Nguyễn Văn Thành ở xóm Đông Hội 1 (Nghĩa Hội, Nghĩa Đàn), chúng tôi chứng kiến cảnh người dân chặt gỗ chất lên xe tải để vận chuyển ra Quảng Ninh làm cột chống hầm lò khai thác than.

Xác định nguyên liệu là khâu then chốt cho nhà máy hoạt động bền vững nên ông Nguyễn Công Vĩnh – Tổng Giám đốc Công ty CP Lâm nghiệp Tháng Năm hết sức lo lắng cho vấn đề này. Ông Vĩnh cho biết: Đã có hiện tượng các cơ sở chế biến dăm gỗ hoạt động không phép trên địa bàn tỉnh khiến các doanh nghiệp đầu tư các dự án chế biến gỗ trong quy hoạch rơi vào cảnh khó khăn vì thiếu nguyên liệu sản xuất. Hiện nay nhà máy chưa đi vào hoạt động chính thức nên nhu cầu nguyên liệu chưa căng, nhưng về lâu dài nếu như các địa phương không quyết liệt chấn chỉnh công tác quản lý trên lĩnh vực này thì rất dễ dẫn đến phá vỡ quy hoạch vùng và kinh tế - xã hội. Vừa qua, để chủ động nguyên liệu, chúng tôi đã liên hệ làm việc với các địa phương có diện tích rừng nhiều như Tương Dương, Con Cuông để mở rộng diện tích rừng nguyên liệu.

Tuy nhiên, vì các cơ sở chế biến tư nhân nhỏ lẻ không xây dựng vùng nguyên liệu sản xuất, mà chủ yếu dựa trên nguồn nguyên liệu sẵn có ở các địa phương nên ảnh hưởng các nhà đầu tư có nhà máy chế biến đang hoạt động trên địa bàn; và việc khai thác bừa bãi không theo quy trình sẽ khiến không ít người dân chặt cả rừng non chưa đến độ khai thác để bán. Khi đó, không chỉ có doanh nghiệp thiệt hại mà còn ảnh hưởng tới cả người trồng rừng cũng như môi trường đầu tư của tỉnh.

Dự án chế biến gỗ và ván sợi công nghệ MDF đi vào khai thác sẽ mang lại những hiệu quả và phát triển về kinh tế không chỉ cho chủ đầu tư mà cho cả nhân dân. Do đó, chính quyền các cấp, các nhà quản lý và các chủ rừng cần quản lý tốt quy hoạch đã đề ra đảm bảo cung cấp đủ nguyên liệu cho dự án.

Theo tổng hợp của Sở NN&PTNT, với gần 200.000 ha rừng trồng hiện nay, mỗi năm có khoảng 15.000 ha cho thu hoạch, sản lượng đạt trên 500.000 m3, sẽ đảm bảo cho các nhà máy được cấp phép hoạt động.

Thu Huyền

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất

x
Chế biến gỗ và mối lo nguồn nguyên liệu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO