Chế biến tinh nghệ - nghề "tay trái hái ra tiền"

02/04/2016 13:52

(Baonghean) - Vừa là một công chức nhà nước mẫn cán, vừa năng động trong tư duy làm ăn, ông Nguyễn Văn Long đã chọn nghề chế biến tinh bột nghệ để tạo thêm thu nhập cho gia đình, nuôi con cái ăn học đến nơi đến chốn. Tuy là nghề tay trái nhưng như ông Long nói thì lại “hái ra tiền” so với đồng lương hàng tháng bác được nhận.

Vừa bước vào đầu ngõ nhà ông Nguyễn Văn Long (Tổ dân cư 16, Hưng Lộc, TP.Vinh), cũng là “công xưởng” chế biến tinh bột nghệ, đã cảm nhận đậm đặc trong không khí mùi thơm lừng của nghệ tươi. Ngôi nhà hai tầng kiên cố góc nào cũng chất đầy nghệ. Tầng 1 chủ yếu để nguyên liệu tươi ban đầu, tầng trên dùng để phơi, hong tinh bột nghệ đã qua lắng lọc.

Nghệ được rửa sạch trước khi đưa vào xay.
Nghệ được rửa sạch trước khi đưa vào xay.

Từ một cựu chiến binh chuyển sang làm công tác ở Hội Người mù tỉnh, ông Long bàn với vợ phải tìm việc làm thêm để cải thiện kinh tế gia đình. Do điều kiện cả hai cùng làm ở cơ quan nhà nước nên không có thời gian nên phải tư duy chọn “nghề tay trái” nào đó có thể làm vào ban đêm, vào ngày nghỉ để khỏi ảnh hưởng đến công tác. Nhận thấy các lợi thế phù hợp có thể sản xuất tinh bột nghệ, lại là công việc khá phù hợp với yêu cầu về thời gian của hai vợ chồng, năm 2010 bác Long quyết định chọn chế biến tinh bột nghệ vừa túc tắc làm nghề, vừa tạo việc làm cho một số lao động, lại có thêm đồng ra đồng vào.

Bà Nguyễn Thị Vỹ, vợ ông Nguyễn Văn Long
Bà Nguyễn Thị Vỹ, vợ ông Nguyễn Văn Long đang lắng lọc tinh bột nghệ.

Thời gian đầu mới “vào” nghề, tranh thủ ngày nghỉ hai vợ chồng ông thay nhau đi tìm đầu mối nguyên liệu, ngoài quê nhà Thanh Chương còn phải lên tận các vùng miền núi như Tương Dương, Kỳ Sơn,… Và hầu như ngày nào hai vợ chồng ông cũng cặm cụi đến nửa đêm để vừa làm vừa tìm ra phương pháp tối ưu nhất nhằm cho ra sản phẩm đạt yêu cầu. Sau một thời gian đi vào sản xuất ổn định bác không còn phải đi thu mua nguyên liệu mà các đầu mối quen đưa hàng đến nhập tận nhà. Ông chỉ việc kiểm tra chất lượng hàng.

Tinh bột nghệ cần được phơi nơi im mát, tránh tia cực tím làm giảm chất lượng.
Tinh bột nghệ cần được phơi nơi im mát, tránh tia cực tím làm giảm chất lượng.

Ông Long cho biết, bác chủ yếu sản xuất hai loại tinh bột là nghệ vàng và nghệ đen. Các công đoạn sản xuất tinh bột nghệ tuy không phức tạp nhưng lại đòi hỏi sự kiên trì, chịu khó. Nghệ sau khi được thu mua về được rửa thật sạch qua nhiều lần nước rồi cho vào máy xay nhỏ cùng với nước. Hỗn hợp sau khi xay xong được ép lấy nước, bỏ bã. Nghệ là loại củ có nhiều tinh dầu, nên muốn thu được tinh bột của loại củ này cần phải loại bỏ hết tinh dầu ra khỏi hỗn hợp. Đây mới là công đoạn đòi hỏi nhiều thời gian và sự kiên trì của người sản xuất.

Để lắng lọc tinh chất nghệ cần rất nhiều chậu đựng nước, bởi thế trong khoảng sân vài chục mét vuông là những hàng chậu thau sắp đều tăm tắp và theo thứ tự nhất định. Hỗn hợp nước nghệ xay sau khi bỏ bã được chia đều vào các chậu và để lắng từ 3 đến 4 tiếng đồng hồ. Mỗi mẻ xay được chia đều vào 5 đến 7 chậu chờ lắng. Khi đủ thời gian, tinh bột đã lắng chặt xuống đáy chậu thì phần nước nổi ở trên được đổ đi. Sau đó lại cho nước vào, quấy đều và lại để lắng. Cứ quy trình như vậy chừng 10 lần thay nước, cho đến khi bột lắng xuống, phần nước ở trên trong vắt không còn dù chỉ một chút màu vàng của nghệ mới đạt yêu cầu.

Tinh bột nghệ đã được phơi khô 80%.
Tinh bột nghệ đã được phơi khô 80%.

Để lắng xong một mẻ bột cần 3 đến 4 ngày. Lần lắng cuối cùng, sau khi gạn hết nước, phần tinh bột được lấy ra đem phơi trong bóng râm, hoặc dùng quạt điện quạt liên tục nếu hong trong nhà cho đến khi khô hẳn. Quá trình này mất cả chục ngày. Điều đặc biệt cần lưu ý là tinh nghệ không được phơi trực tiếp dưới ánh nắng mặt trời, bởi làm như vậy sẽ làm giảm các vi chất của bột vì tác động của tia cực tím.

Hiện nay, nhu cầu thị trường về tinh bột nghệ ngày càng tăng bởi nhiều tác dụng tích cực của tinh nghệ đối với sức. Bởi vậy, ông Nguyễn văn Long cho biết, dù giá của 1kg tinh bột nghệ không hề rẻ nhưng lượng tiêu thụ luôn được duy trì ổn định, đem đến cho gia đình ông khoản thu nhập khá mỗi năm. Ngoài ra, cơ sở sản xuất của ông còn tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương và một số lao động thời vụ là sinh viên các trường đại học, cao đẳng muốn làm thêm. Và để duy trì việc sản xuất kinh doanh được lâu dài, ông Nguyễn Văn Long cũng đã tiến hành đăng ký kinh doanh, từng bước xây dựng thương hiệu cho sản phẩm mình làm ra.

Hoài Thu

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất
x
Chế biến tinh nghệ - nghề "tay trái hái ra tiền"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO