Cao trào Xô Viết Nghệ Tĩnh

Chiến sỹ cách mạng người Nghệ An từng làm Bí thư Tỉnh ủy 3 tỉnh

Thành Duy 27/03/2021 06:51

(Baonghean.vn) - Đứng vào hàng ngũ của Đảng khi tuổi đời còn rất trẻ, rồi bị địch bắt giam giữ chốn lao tù gần 15 năm nhưng người chiến sỹ cộng sản trẻ quê Thanh Chương (Nghệ An) không lung lay ý chí, mà tiếp tục bền bỉ đấu tranh. Rời nhà tù đế quốc, theo sự phân công của Đảng, đồng chí tiếp tục hoạt động, công tác, nắm giữ các chức vụ quan trọng trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt một điều hiếm thấy là từng giữ chức vụ Bí thư Tỉnh ủy của 3 tỉnh.

16 tuổi làm bí thư chi bộ

Người Bí thư Tỉnh ủy mà chúng tôi đang đề cập là đồng chí Võ Thúc Đồng - một chiến sỹ cách mạng tiền bối tiêu biểu quê ở xã Thanh Ngọc, huyện Thanh Chương. Gia đình thuộc diện khá giả và cũng là một cơ sở nuôi giấu nhiều người có tư tưởng cách mạng tiến bộ, nên Võ Thúc Đồng sớm tiếp thu những tư tưởng yêu nước, đặc biệt là khi chứng kiến phong trào đòi ân xá cụ Phan Bội Châu và phong trào đòi để tang, làm lễ truy điệu cụ Phan Châu Trinh khi vào học ở Huế. Trở về quê, ông theo học tại nhà cụ Giải nguyên Lê Thước là nhà giáo dục, nhà biên khảo đầu thế kỷ XX.

Đồng chí Võ Thúc Đồng - Nguyên Bí thư tỉnh ủy Nghệ An. Ảnh tư liệu

Tại đây, Võ Thúc Đồng thường được gặp cụ Giải nguyên Lê Văn Huân - người tham gia phong trào Đông Du của cụ Phan Bội Châu, bị Pháp đày ra Côn Đảo được thả về, là một trong những người thành lập Đảng Tân Việt tại Vinh. Môi trường đó đã có ảnh hưởng sâu sắc đến suy nghĩ, hướng đi của Võ Thúc Đồng, để rồi sớm đi theo tiếng gọi của Đảng. Đồng chí tham gia Sinh học hội Nghệ An (còn gọi là Hội Xích Sinh) - một tổ chức bán vũ trang của Tự vệ Đỏ (còn gọi là Xích vệ) được thành lập trong tầng lớp thanh niên học sinh yêu nước dưới sự lãnh đạo của Đảng; tham gia phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh.

Tháng 10/1930, đồng chí Võ Thúc Đồng được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương, lúc đó mới 16 tuổi và giữ chức Bí thư Chi bộ Kim Tinh, làng Yên Lạc; sau đó giữ chức Bí thư Tổng ủy Đại Đồng, 1 trong 5 tổng của huyện Thanh Chương thời bây giờ. Một thời gian sau, đồng chí tham gia Ban Thanh vận của huyện và là Thường vụ Thanh niên Cộng sản Đoàn.

“Kìa Bến Thủy đứng đầu dậy trước/Nọ Thanh Chương tiếp bước, bước lên…” - cao trào Xô Viết Nghệ Tĩnh ở Thanh Chương diễn ra sục sôi song bị thực dân, phong kiến đàn áp dã man. Võ Thúc Đồng cùng anh trai là Võ Thúc Đỉnh và chị gái là Võ Thị Tạ đều bị bắt do tham gia hoạt động cách mạng, riêng cậu em út Võ Thúc Đồng dù mới 16 tuổi nhưng vẫn bị kết án chung thân. Đồng chí bị giam ở Nhà lao Vinh một thời gian ngắn rồi bị chuyển vào nhà tù Lao Bảo (Quảng Trị), sau đó bị đày ra Nhà tù Côn Đảo nơi được mệnh danh là địa ngục trần gian. Ở Côn Đảo, đồng chí bị giam ở Lao I và chịu nhiều tra tấn của kẻ thù nhưng người cộng sản trẻ không khuất phục. Giữ chốn “địa ngục trần gian”, đồng chí còn cùng những người bạn tù sáng lập tờ báo của chi bộ nhà tù có tên “Ý kiến chung” để tuyên truyền.

Đồng chí Võ Thúc Đồng năm 1967. Ảnh tư liệu
Đồng chí Võ Thúc Đồng năm 1967. Ảnh tư liệu

Bí thư Tỉnh ủy 3 tỉnh

Sau gần 15 năm đi qua 3 nhà tù, đồng chí Võ Thúc Đồng nếm trải nhiều thử thách, lấy nhà tù làm trường học cách mạng, cùng nhiều cán bộ kiên trung khác của Đảng, ý chí của người cộng sản ngày càng được hun đúc, giữ vững khí tiết. Cách mạng Tháng Tám thành công, được giải phóng khỏi chốn lao tù, đồng chí Võ Thúc Đồng tiếp tục có những đóng góp xuất sắc cho Đảng, cho dân tộc. Trải qua 56 năm hoạt động cách mạng, đồng chí giữ nhiều cương vị công tác khác nhau, ở nhiều địa phương, lĩnh vực khắp trong Nam, miền Trung, Trung ương.

Từ năm 1971, đồng chí được giao nhiệm vụ Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam Dân chủ cộng hòa tại Liên Xô; từ năm 1974 làm quyền Chủ nhiệm, rồi Chủ nhiệm Ủy ban Nông nghiệp Trung ương, kiêm Bí thư Đảng đoàn; từ giữa năm 1976 làm Bộ trưởng, Bí thư Đảng đoàn Bộ Nông nghiệp. Đồng chí còn là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa III, khóa IV và đại biểu Quốc hội khóa III, khóa IV.

Khi tìm hiểu về cuộc đời, sự nghiệp của đồng chí Võ Thúc Đồng, chúng tôi được tiếp cận những tài liệu rất quý giá, cho thấy đồng chí ngoài làm Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An từ năm 1959 đến năm 1971, thì trước đó còn làm Bí thư Tỉnh ủy của hai tỉnh là Kon Tum (tháng 3/1946) và Quảng Bình. Đặc biệt với mảnh đất Quảng Bình, đồng chí có nhiều gắn bó, kỷ niệm cả ở trên cương vị người đứng đầu Tỉnh ủy và cá nhân. Lật giở lại Lịch sử Đảng bộ Quảng Bình có ghi: Bước sang năm 1949, ở Quảng Bình, sau khi chiếm đồng bằng ven biển, địch đã đẩy toàn bộ cán bộ, bộ đội ta lên miền núi trung du phía Tây. Quảng Bình nói riêng, Bình Trị Thiên nói chung trở thành chiến trường giằng co quyết liệt, phức tạp. Địch tiến hành đánh phá một cách toàn diện trên tất cả các mặt quân sự, chính trị, kinh tế.

Gia đình đồng chí Võ Thúc Đồng năm 1971. Ảnh tư liệu
Gia đình đồng chí Võ Thúc Đồng năm 1971. Ảnh tư liệu

Trong bối cảnh đó, ngày 14/5/1949, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Bình lần thứ 2 được triệu tập tại Kim Bảng (Tuyên Hóa), nay thuộc huyện Minh Hóa. 90 đại biểu thay mặt cho hơn 4.698 đảng viên về dự. Đồng chí Võ Thúc Đồng được bầu làm Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình. Thực hiện Nghị quyết chủ trương Đại hội, đồng chí Võ Thúc Đồng cùng cấp ủy đã lãnh đạo cao trào kháng chiến mang tên: “Quảng Bình quật khởi” giành được nhiều thắng lợi quan trọng, đưa phong trào kháng chiến ở Quảng Bình phát triển lên tầm cao mới cả chiều rộng và chiều sâu, tạo tiền đề cho Đảng bộ Quảng Bình tiếp tục lãnh đạo cuộc kháng chiến đến thắng lợi cuối cùng.

Đồng chí Võ Thúc Đồng còn giữ chức vụ Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An từ giai đoạn đầu kiến thiết tỉnh nhà sau kháng chiến chống pháp; cũng như thời kỳ khốc liệt nhất của cuộc kháng chiến chống Mỹ. Đồng chí cùng với Tỉnh ủy và Ủy ban hành chính tỉnh khắc phục hậu quả chiến tranh, phát triển kinh tế, cải tạo xã hội chủ nghĩa. Tháng 7/1960, đồng chí đã cùng Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh phát động chiến dịch: “Tiếng trống Xô Viết”, qua đó khai hoang, phục hóa, ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật, giải quyết vấn đề lương thực; rồi phát động các chiến dịch “An - Ngãi quật khởi”, “Lam - Trà nổi sóng” để vừa phát triển phong trào toàn diện của Nghệ An, vừa thể hiện tinh thần đoàn kết, thủy chung với tỉnh kết nghĩa Quảng Ngãi.

Nông dân Nghệ An trong chiến dịch 'Lam - Trà nổi sóng'. Ảnh tư liệu

Trong thời kỳ giặc Mỹ đánh phá miền Bắc, Bí thư Tỉnh ủy Võ Thúc Đồng có mặt ở hầu hết các tuyến trọng điểm bảo đảm giao thông dọc các tuyến đường quốc lộ, dọc tuyến biển từ Lạch Cờn đến cảng Bến Thủy. Bên cạnh lãnh đạo chống chiến tranh phá hoại của Mỹ, sản xuất nông nghiệp, Bí thư Tỉnh ủy Võ Thúc Đồng còn quan tâm lãnh đạo toàn diện các mặt, nhất là học tập, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe, xây dựng phong trào văn hóa, văn nghệ của nhân dân;…

Từ miền quê nghèo Thanh Chương, đi theo tiếng gọi của Đảng, đồng chí Võ Thúc Đồng đã khẳng định phẩm chất của một chiến sỹ cộng sản và tài năng trên nhiều lĩnh vực, dù khi ở trong quân đội, lãnh đạo Tỉnh ủy 3 tỉnh, hay đảm nhận nhiệm vụ quan trọng trên lĩnh vực ngoại giao, nông nghiệp. “Cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí Võ Thúc Đồng đã thể hiện phẩm chất cao đẹp của người đảng viên cộng sản, không quản ngại gian khổ, hy sinh, luôn tận tụy, phấn đấu, gương mẫu trong công tác cũng như trong sinh hoạt, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó”, đây là những dòng đúc kết về đồng chí Võ Thúc Đồng tại sách: “Nghệ An - Những người con tiêu biểu” do Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tổ chức sưu tầm tư liệu, biên soạn và phát hành, cũng là lời kết khép lại bài viết về một người con ưu tú của quê hương Nghệ An.

Chiến sỹ cách mạng người Nghệ An từng làm Bí thư Tỉnh ủy 3 tỉnh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cao Trào Xô Viết Nghệ - Tĩnh