'Chính phủ kiến tạo phải tìm ra rào cản để phá bỏ'
Chính phủ không thể thụ động, chờ có luật để quản lý, điều hành mà cần đề xuất xây dựng pháp luật với tinh thần thực sự phục vụ người dân, doanh nghiệp.
Chính phủ không thể thụ động, chờ có luật để quản lý, điều hành mà cần đề xuất xây dựng pháp luật với tinh thần thực sự phục vụ người dân, doanh nghiệp.
Thông điệp “Chính phủ kiến tạo, liêm chính vì dân phục vụ” luôn được nhấn mạnh trong các chỉ đạo, điều hành của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc từ khi nhậm chức đến nay đã thu hút sự quan tâm của dư luận.
Theo đại biểu Quốc hội Trần Thị Quốc Khánh, Ủy viên thường trực Ủy ban KHCN và Môi trường của Quốc hội, có những phát ngôn của Thủ tướng cho thấy nếu không thực sự nghĩ cho lợi ích của đất nước, của nhân dân thì khó có thể nói ra được.
Đại biểu Quốc hội Trần Thị Quốc Khánh |
PV: Bà kỳ vọng Chính phủ kiến tạo mà Thủ tướng và tập thể Chính phủ đang hướng tới là một Chính phủ như thế nào?
ĐBQH Trần Thị Quốc Khánh: Trong xã hội hiện đại, hầu hết các nước thay nền hành chính vẫn mang tính áp đặt, mệnh lệnh từ trước đến nay bằng việc chuyển sang kiểu quản trị mới, tạo điều kiện để các thành phần trong xã hội được thực hiện những việc pháp luật không cấm. Chính phủ có trách nhiệm tạo ra cơ chế, thể chế để hoàn thiện nền hành chính mới này.
Trước đây, nói đến Chính phủ là nói tới cơ quan chấp hành của cơ quan quyền lực Nhà nước (Quốc hội), thường mang tính bị động. Ngày nay, hướng đến xu thế dân chủ, có nghĩa là mọi tổ chức, thành phần, người dân phải được hưởng tất cả các quyền và lợi ích hợp pháp theo quy định của pháp luật, khi đó Chính phủ phải hướng đến phục vụ người dân, các tổ chức, doanh nghiệp để họ có điều kiện thực hiện các quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
Khi đó Chính phủ không thể thụ động, chờ có luật để quản lý, điều hành mà khi cần thiết, Chính phủ cần phải chủ động đề xuất xây dựng pháp luật với tinh thần thực sự phục vụ người dân, doanh nghiệp.
Chính phủ cần phá bỏ những cơ chế lâu nay luôn bị phàn nàn là cứng nhắc, phát hiện những vấn đề bị coi là rào cản đối với sự phát triển của các tổ chức, cá nhân để phá bỏ nó, hay kiến nghị để hoàn thiện pháp luật nhằm thúc đẩy phát triển, đảm bảo cho người dân, các cơ quan tổ chức, doanh nghiệp thực hiện quyền của mình.
PV: Sự trì trệ trong bộ máy hành chính hiện nay là vấn đề cần được quan tâm hàng đầu, thưa bà?
ĐBQH Trần Thị Quốc Khánh: Khi Thủ tướng chưa nhắc đến cụm từ Chính phủ kiến tạo, người ta vẫn nói đến như một thói quen, theo phương pháp cũ đó là Chính phủ thừa hành mệnh lệnh và quản lý Nhà nước bằng pháp luật, nghĩa là quản lý dựa vào luật một cách cứng nhắc, do vậy rất khó khi một quy định nào đó đã lỗi thời cần phải thay đổi.
Ở nhiều nước, khi nền hành chính đã được hiện đại hóa, người ta có quyền thực hiện các giao dịch trên nền chính phủ điện tử, nhưng ở Việt Nam chưa có, vẫn phải làm theo lối thủ công. Trong khi một nền hành chính hiện đại mà Chính phủ hướng đến là phải mang lại sự nhanh chóng, thuận tiện cho người dân. Đáng mừng là hiện nay ở cấp Trung ương đã có rất nhiều đổi mới thể hiện qua việc chủ động xây dựng cơ chế, chính sách pháp luật, tạo sự thông thoáng.
Tuy nhiên, các cơ quan công quyền, cơ quan quản lý Nhà nước ở các sở, ngành và ở cấp huyện, xã, sức ỳ còn khá lớn. Ở những nơi đó, người ta vẫn giữ thói quen làm việc theo kiểu cầu cạnh, xin - cho… Muốn phá bỏ sự trì trệ trong bộ máy hành chính, các cơ quan Nhà nước cần phải tăng cường công tác kiểm tra và thanh tra, xử lý vi phạm, tìm ra điểm ách tắc trong quy trình xử lý.
PV: Từ thông điệp và hành động của người đứng đầu Chính phủ, chúng ta có thể tin tưởng sẽ tác động tích cực tới bộ máy hành chính?
ĐBQH Trần Thị Quốc Khánh: Tôi rất mừng thấy rằng từ khi được Quốc hội bầu và phê chuẩn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có những phát ngôn cho thấy rất rõ tâm huyết của Thủ tướng thay đổi nền hành chính. Người đứng đầu Chính phủ thừa nhận muốn hoàn thiện cơ chế phải dẹp bỏ lợi ích nhóm. Chỉ ra những vướng mắc, rào cản đó chỉ có người trong cuộc mới hiểu được, người nghĩ cho lợi ích của nhân dân, cho sự phát triển của đất nước mới nói ra được.
Bản thân tôi thấy rất tin tưởng vào Thủ tướng. Hình ảnh Thủ tướng đi thị sát ở chợ, xuống đồng ruộng gặp gỡ bà con tiểu thương, nông dân không chỉ cho thấy ông là người gần gũi với nhân dân, mà còn là người nói đi đôi với làm. Có thể nói chúng ta đang chứng kiến những tín hiệu tốt từ người đứng đầu Chính phủ. Hy vọng, lãnh đạo ở các cấp hành chính cũng phải làm như thế.
Đặc biệt, tôi mong muốn, thời gian tới, khi cần thiết, Chính phủ cũng phải xử lý kỷ luật, nêu rõ tên đơn vị, cá nhân, địa phương, bộ ngành nào không chấp hành chỉ đạo, điều hành của người đứng đầu Chính phủ.
PV: Xin cảm ơn bà./.
Theo VOV
TIN LIÊN QUAN |
---|