Chính trường và tiền bạc
(Baonghean) - Kinh tế và chính trị là hai lĩnh vực có liên quan mật thiết, ảnh hưởng lẫn nhau. Đó là lý do trong mọi mối quan hệ - đồng minh hay đối địch - luôn có những bài toán lợi ích cả về kinh tế lẫn chính trị. Cũng tương tự, khi nói đến sự tăng trưởng, thăng hoa hay sự suy thoái của một quốc gia, ta ngầm hiểu rằng ảnh hưởng của sự thay đổi này có mặt ở cả chính trị và kinh tế.
Philippines bị tổ chức viện trợ Mỹ cắt tiền tài trợ
Mới đây, Millennium Challenge Corporation Mỹ - một tổ chức trực thuộc chính phủ và cũng là một quỹ hỗ trợ chuyên hoạt động ở nước ngoài - thông báo dừng chương trình trợ giúp cho Philippines vì lo ngại về vấn đề tôn trọng nhân quyền. Đây được cho là một hành động “trừng phạt” chiến dịch chống ma tuý của Tổng thống Rodrigo Duterte.
Chương trình trợ giúp trước đó của MCC dành cho Manilla đã kéo dài trong vòng 5 năm, trị giá gần 434 triệu USD và kết thúc hồi tháng 5 vừa qua. Các quốc gia sẽ được trợ giúp tới đây gồm Burkina Faso, Sri Lanka và Tunisia.
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte. Ảnh: Reuters |
Washington đã nhiều lần lên tiếng chỉ trích chiến dịch chống tội phạm đầy bạo lực của ông Duterte. Cảnh sát Philippines thông báo đã có 2086 người chết trong các chiến dịch được triển khai từ khi ông Duterte nhậm chức ngày 30 tháng 6 đến nay. Hơn 3000 người khác bị bắn hạ trong những tình huống không được giải trình, theo số liệu chính thức của cảnh sát.
Ông Duterte khẳng định cảnh sát chỉ tự vệ chính đáng và trên thực tế, nhiều cái chết đến từ những màn thanh toán lẫn nhau của các băng đảng tội phạm. Tuần vừa qua, ông Duterte tuyên bố đã đích thân bắn chết một số tội phạm để làm gương cho cảnh sát.
Trong khi Mỹ và phương Tây ra sức phản đối cách làm của ông Duterte thì những khảo sát lại cho thấy đông đảo người dân Philippines ủng hộ những chính sách của ông, cho rằng đây là biện pháp đúng đắn để Philippines không trở thành một hang ổ của tội phạm.
Một điều tra được công bố mới đây cho thấy 77% người Philippines hài lòng với những gì mà ông Duterte đã và đang thể hiện. Còn thái độ của Mỹ ra sao thì có vẻ ông Duterte không mấy bận tâm, bởi trước sự chỉ trích liên tục của đồng minh lâu năm, ông này thậm chí còn tỏ ra thản nhiên và phản ứng bằng cách thể hiện sự gần gũi với Trung Quốc - đối thủ của Mỹ trong khu vực.
Tất nhiên, có thể mọi chuyện sẽ khác đi khi Donald Trump chính thức trở thành chủ nhân của Nhà Trắng. Nếu như ông Duterte từng buông lời miệt thị ông Obama thì trái lại, ông này tỏ ra rất hứng thú với nhà tài phiệt và tương lai mối quan hệ hai nước trong một trang mới.
Venezuela lại chìm trong cơn khủng hoảng mới
Thứ Sáu ngày 16/12, Venezuela lại chìm ngập trong cảnh bạo lực, chen lấn hỗn loạn vì một cơn khủng hoảng mới liên quan đến tiền tệ. Chính phủ nước này quyết định bỏ đồng tiền đang có lượng lưu hành lớn nhất - đồng 100 bolivars và gây ra cơn phẫn nộ của người dân.
Trong đám đông la ó, người dân Venezuela cầm theo những xấp tiền toàn tờ 100 bolivars - từng có trị giá khoảng 1.250 đồng Việt Nam nhưng đã trở nên vô giá trị - đổ xô đi biểu tình gây ách tắc ở nhiều con đường và chửi bới Tổng thống Nicolas Maduro. Cảnh tượng này diễn ra ở hàng loạt thành phố trên toàn đất nước. Ngoài ra, nhiều cửa hàng cũng bị tấn công, cướp bóc.
Người Venezuela cầm tiền đi biểu tình hôm 16/12. Ảnh: AFP |
Trước đó, chính phủ đã ra kỳ hạn 3 ngày để người Venezuela giải quyết hết các tờ tiền 100 bolivars. Quyết định bỏ mệnh giá tiền này được Tổng thống Maduro biện minh là nhằm chống lại các thế lực mafia đang hoành hành ở biên giới giáp Colombia.
Tuy nhiên, việc đưa ra chính sách này trong bối cảnh nền kinh tế Venezuela suy kiệt, bất chấp những lời cảnh báo của các nhà kinh tế học và kết quả đã dẫn đến một cơn khủng hoảng mới như đã nói ở trên.
Đảng đối lập cho rằng chính sách này là bằng chứng cho ý định phá huỷ nền kinh tế quốc gia của Tổng thống đương nhiệm và rằng ông Maduro phải rời khỏi vị trí đứng đầu đất nước.
Lạm phát trầm trọng, đồng 100 bolivars đã mất giá trị và phải thay thế bằng đồng 500, 1.000, 2.000, 10.000 rồi thậm chí là 20.000 bolivars, nhưng vẫn không thể vực dậy nền kinh tế trong cơn khủng hoảng.
Những tờ tiền mới vẫn chưa kịp đến các ngân hàng trên cả đất nước Venezuela, những chiếc máy rút tiền tự động ở thủ đô Caracas thì trống rỗng, ngừng hoạt động hoặc bị đập phá cướp sạch tiền bên trong. Cơn ác mộng của nền kinh tế Venezuela không hề có dấu hiệu thuyên giảm trong một sớm một chiều.
Hải Triều
(Theo Le monde)
TIN LIÊN QUAN |
---|