Chủ tịch Hạ viện Nga: “Ở đâu có Putin, ở đó có nước Nga”

Thành Đạt 20/04/2019 11:16

Tổng thống Vladimir Putin luôn nhận được tỷ lệ ủng hộ cao và sự yêu mến của người dân trong suốt nhiều năm nắm quyền, thậm chí ông còn được coi là “hiện thân của nước Nga”.

Tổng thống Putin trong lễ nhậm chức tại Điện Kremlin năm 2018. Ảnh: Reuters

“Putin có nghĩa là nước Nga”

“Khi ở đó có Putin, ở đó có nước Nga. Khi ở đó không còn Putin, ở đó không còn nước Nga”.

Câu nói trên nhanh chóng nhận được sự đồng tình từ những người ủng hộ Tổng thống Putin. Chủ nhân của câu nói này là Vyacheslav Volodin - Chủ tịch Hạ viện Nga.

Tuy nhiên, việc coi Tổng thống Putin như “hiện thân sống động của nước Nga” không chỉ là suy nghĩ phổ biến trong giới chính trị Nga - những người vốn ủng hộ ông chủ Điện Kremlin. Dựa trên các kết quả khảo sát, nhiều người dân Nga cũng đồng tình với quan điểm này.

Đối với những người dân bình thường, Tổng thống Putin được xem như “người bảo hộ” cho sự ổn định của nước Nga và là người kéo nước Nga xích lại gần nhau sau sự sụp đổ đau thương của Liên bang Xô viết.

“Cần đánh giá cao rằng những gì ông Putin đã làm có thể so sánh với thời kỳ của (tổng thống Nga) Boris Yeltsin. Không thể ngay lập tức nhảy vọt từ hố sâu của thời kỳ hậu cải tổ. Thời gian chưa có nhiều. Tuy nhiên, tủ lạnh của tôi và của các bạn tôi luôn đầy ắp đồ ăn, chúng tôi cũng dành những kỳ nghỉ tại các khu nghỉ dưỡng, nhiều người đã chuyển tới các căn hộ mới, mọi người đều có xe ô tô. Đó là những điều mà mọi người thậm chí không dám mơ tới trước kỷ nguyên của Putin”, Yury Bakhaev, một hướng dẫn viên du lịch, bình luận trên mạng.

“Chúng ta nên bắt đầu tính đến chuyện tích trữ vì ông Putin sẽ không cầm quyền mãi mãi. Vị tổng thống tiếp theo nhiều khả năng nằm trong số những người thuộc nhóm đối lập tự do và chúng ta có thể quay trở lại “thập niên 90” hoặc tệ hơn thế”, Alexander Rybakov, 57 tuổi, cho biết.

“Mọi người hãy nhớ về thời điểm trước đây khi họ không thể tự nuôi sống chính bản thân họ và gia đình. Chuyện này bây giờ không còn xảy ra nữa và điều đó nên được xem như một thành công vĩ đại, chứ không phải chuyện nghiễm nhiên xảy ra”, Gleb Pavlovsky, chuyên gia về công nghệ chính trị, nói.

Phẩm chất tuyệt vời

Bức họa vẽ Tổng thống Putin mặc võ phục tại Crimea. Ảnh: AFP

Theo Pavlovsky, có những thời điểm uy tín của Tổng thống Putin tăng cao xuất phát từ những ký ức đau buồn của người dân Nga về thập niên 1990, thời điểm mà họ không được trả lương hay trợ cấp hàng tháng.

Tại Nga, từ “muzhik” được sử dụng để chỉ một người cứng rắn với ý chí mạnh mẽ. Miêu tả ai đó là “muzhik” đồng nghĩa với việc dành lời khen cao nhất cho người đó. Nhiều người Nga đã dùng từ này để nói về Tổng thống Putin.

Khi được hỏi những đặc tính nào thể hiện con người của Tổng thống Putin, nhiều người dân Nga đã nói: “can đảm”, “quyết đoán”, “sức mạnh”, “tự tin”, “dũng cảm”.

Việc Nga sáp nhập bán đảo Crimea vào năm 2014 là sự kiện lớn tại Nga. Sau sự kiện này, tỷ lệ ủng hộ dành cho Tổng thống Putin vẫn ở mức 80% và tăng lên trong suốt thời gian dài. Tỷ lệ này tăng lên mức lịch sử là 90% vào năm 2015 khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự tại Syria.

Cả hai sự kiện trên đã biến Tổng thống Putin thành người “muzhik” thực sự trong mắt người dân Nga.

“Với việc lấy lại Crimea, chúng ta đã phản kháng cộng đồng quốc tế và hành xử ngược lại với quan điểm của phương Tây. Người dân Nga có cảm giác rằng đất nước của họ đối đầu với cả thế giới. Trong mắt phần lớn người Nga, điều đó khiến Nga trở thành một cường quốc và ông Putin trở thành một nhà lãnh đạo mạnh mẽ, người không bao giờ bỏ cuộc”, Alexey Levinson, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu văn hóa - xã hội tại Trung tâm Levada, cho biết.

Không mắc sai lầm

Ông Putin phát biểu trước những người ủng hộ tại Moscow năm 2018. Ảnh: Reuters

Liệu một người nào đó như Tổng thống Putin có thể mắc sai lầm trong mắt công chúng không? Khả năng cao là có. Tuy nhiên, nhiều người Nga dường như không nghĩ như vậy.

Gần 20 năm nắm quyền, tỷ lệ ủng hộ dành cho Tổng thống Putin hiếm khi bị sụt giảm bởi các cuộc khủng hoảng chính trị trong nước. Thay vào đó, người dân thường quy trách nhiệm cho nội các gồm các bộ trưởng của ông vì “không thực hiện” theo chỉ đạo của tổng thống.

Theo kết quả một số cuộc khảo sát, khuyết điểm lớn nhất của Tổng thống Putin trong mắt công chúng là ông “không biết người dân bình thường sống như thế nào”. Tổng thống Putin không dùng internet, mạng xã hội, thậm chí không có điện thoại di động cá nhân. Ông tiếp nhận các thông tin trong tập tài liệu được các trợ lý chuẩn bị. Do vậy, nhiều người cho rằng nếu Tổng thống Putin không biết chuyện gì, thì đó là do các trợ lý không nói với ông ấy.

Tỷ lệ ủng hộ Tổng thống Putin chỉ bị sụt giảm 5 lần trong những năm qua. Tuy nhiên, 4 lần sụt giảm đầu tiên không mạnh như lần sụt giảm gần đây nhất.

Hầu hết các chuyên gia cho rằng bởi vì Tổng thống Putin ủng hộ kế hoạch cải cách tiền lương gây tranh cãi trong khi đây lại là vấn đề cực nhạy cảm đối với người dân Nga. Do vậy, tỷ lệ ủng hộ dành cho ông mới bị giảm.

Tuy vậy, sự sụt giảm gần đây được cho là chỉ mang tính tạm thời. “Đã từng có nhiều câu chuyện tương tự xảy ra, nhưng ông ấy vẫn bình an vô sự”, nhà phân tích chính trị Mikhail Vinogradov nói.

Theo dantri.com.vn
Copy Link
Mới nhất
x
Chủ tịch Hạ viện Nga: “Ở đâu có Putin, ở đó có nước Nga”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO