Chủ tịch nước: 'Giảng viên phải là gương sáng cho sinh noi theo'

03/10/2016 16:01

Chủ tịch nước: Giảng viên phải là tấm gương sáng cho sinh viên noi theo; xác định đúng vị trí, trách nhiệm đối với việc dạy “chữ”, dạy “người”...

Sáng nay (3/10), tại TPHCM, Chủ tịch nước Trần Đại Quang có buổi nói chuyện với sinh viên Trường Đại học Quốc gia TPHCM với chủ đề “Cách mạng công nghiệp lần thứ 4: Thời cơ phát triển và các thách thức phi truyền thống” nhân lễ khai khóa Đại học Quốc gia TP HCM 2016.

Với Chủ đề “Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư - Thời cơ phát triển và các thách thức an ninh phi truyền thống” Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã phân tích bối cảnh ra đời, đặc trưng của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và những và những tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đối với các quốc gia trong đó có Việt Nam.

Chủ tịch nước Trần Đại Quang nói chuyện với sinh viên ĐHQG TPHCM.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang nói chuyện với sinh viên ĐHQG TPHCM.


Chủ tịch nước cho biết, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư có những tác động to lớn về kinh tế, xã hội và môi trường ở tất cả các cấp độ: Toàn cầu, khu vực và trong từng quốc gia. Các tác động này mang tính tích cực trong dài hạn song cũng tạo ra nhiều thách thức trong ngắn hạn và trung hạn. Đặc biệt, về mặt kinh tế, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư sẽ tác động mạnh mẽ đến sản xuất, thúc đẩy nền kinh tế thế giới chuyển sang kinh tế tri thức - “thông minh”.

Tuy nhiên, Việt Nam cũng phải đối mặt với những thách thức to lớn. Đặc biệt, trong trung hạn và dài hạn, số lao động phổ thông ở nước ta sẽ chịu tác động mạnh mẽ của quá trình tự động hóa đang tăng tốc ở các nước phát triển.

Nêu dẫn chứng trong báo cáo của Tổ chức Lao động quốc tế công bố tháng 7/2016, Chủ tịch nước cho biết, Việt Nam có đến 86% lao động trong các ngành dệt may và giày dép có nguy cơ cao mất việc dưới tác động của những đột phá về công nghệ do cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đem lại. Tỷ lệ rất lớn này sẽ chuyển thành con số thiệt hại tuyệt đối rất lớn vì dệt may và giày dép lại là các ngành đang tạo việc làm cho khoảng gần 2,3 triệu người, trong đó khoảng 78% là lao động nữ làm việc trong ngành dệt may.

Chủ tịch nước cho rằng, bên cạnh những lợi ích và cơ hội to lớn, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư cũng đang đặt ra những thách thức gay gắt, đặc biệt là thách thức an ninh phi truyền thống. Theo Chủ tịch nước, nếu an ninh truyền thống coi an ninh quốc gia là bảo vệ đất nước trước các mối đe dọa hoặc tấn công quân sự cả từ bên ngoài và bên trong, thì an ninh phi truyền thống - ngoài việc bảo vệ chủ quyền quốc gia - còn bao gồm cả việc bảo vệ con người (cá nhân) và cộng đồng trước những mối đe dọa và nhân tố mang tính xuyên quốc gia, phi chính trị, phi quân sự.

Chủ tịch nước nhấn mạnh, hiện nay, bên cạnh những thách thức an ninh truyền thống, đất nước ta đang phải đối mặt với những nguy cơ an ninh phi truyền thống, nhất là an ninh thông tin, an ninh mạng, an ninh kinh tế, an ninh nguồn nước, năng lượng, lương thực, ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh, tội phạm xuyên quốc gia, tội phạm sử dụng công nghệ cao.

Chủ tịch nước khẳng định, Đảng, Nhà nước ta luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và kịp thời đưa ra nhiều chủ trương, chính sách, biện pháp ứng phó có hiệu quả với các nguy cơ an ninh phi truyền thống. Trong đó, Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng đã khẳng định sự cần thiết của việc “sẵn sàng ứng phó với các mối đe dọa an ninh truyền thống và phi truyền thống; bảo đảm an ninh, an toàn thông tin, an ninh mạng”.

Chủ tích nước nói chuyện với giảng viên, SV
Chủ tích nước nói chuyện với giảng viên, SV

Chủ tịch nước nêu rõ, Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ phát triển internet nhanh nhất thế giới, tốc độ ứng dụng và phát triển Internet ngày càng tăng nhưng cũng đặt ra những nguy cơ, thách thức, tiềm ẩn những yếu tố đe doạ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội. Các thế lực thù địch, phản động triệt để sử dụng mạng viễn thông, internet để tuyên truyền, phá hoại tư tưởng, phá hoại nội bộ, kích động biểu tình, gây rối, bạo loạn nhằm lật đổ chính quyền, thay đổi thể chế chính trị ở nước ta. Hoạt động tình báo mạng, tội phạm mạng ngày càng tinh vi, xảo quyệt, gây hậu quả ngày càng nghiêm trọng.

Chủ tịch nước nhấn mạnh: “Trước tình hình đó, chúng ta cần thấu suốt một luận điểm cực kỳ quan trọng: Công tác bảo đảm an ninh, an toàn mạng thông tin quốc gia, phòng, chống vi phạm và tội phạm mạng là cuộc đấu tranh của toàn dân dưới sự lãnh đạo của Đảng, là một bộ phận trọng yếu của cuộc đấu tranh bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội; là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và toàn dân, của các cấp, các ngành. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý thống nhất của Nhà nước, chúng ta phải huy động được sức mạnh của cả hệ thống chính trị trong công tác bảo đảm an ninh, an toàn mạng thông tin quốc gia. Đây là quan điểm, tư tưởng cơ bản, xuyên suốt, là vấn đề có tính nguyên tắc, là nhân tố quyết định thắng lợi của cuộc đấu tranh bảo vệ an ninh quốc gia nói chung, bảo đảm an ninh, an toàn mạng thông tin quốc gia nói riêng”.

Theo Chủ tịch nước, để xây dựng và phát huy nguồn lực trí tuệ Việt Nam trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, có nhiều giải pháp và công việc cần làm, trong đó giải pháp quan trọng là nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo. Chủ tịch nước nhấn mạnh, Đại học Quốc gia TP HCM là một tổ hợp giáo dục - đào tạo, nghiên cứu khoa học, một hệ thống các trường đại học thành viên, các viện nghiên cứu và đơn vị chuyển giao công nghệ đa ngành, đa lĩnh vực.

Để nâng cao chất lượng công tác giáo dục - đào tạo, giữ vững vai trò là một trong những trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ hàng đầu của cả nước, Chủ tịch nước đề nghị Đại học Quốc gia TPHCM cần quán triệt sâu sắc và vận dụng sáng tạo trong giảng dạy, học tập và nghiên cứu khoa học các quan điểm, chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về giáo dục - đào tạo; phải là nơi thu hút nhân tài, hội tụ của trí tuệ xuất sắc trong giới khoa học, nghiên cứu và giảng dạy.

Chủ tịch nước nhấn mạnh, chất lượng công tác giáo dục - đào tạo có mối quan hệ mật thiết với chất lượng nghiên cứu khoa học và sự kết nối với các doanh nghiệp. Vì vậy, Chủ tịch nước mong muốn Đại học Quốc gia TP HCM cần tạo điều kiện để giảng viên, các nhà khoa học và sinh viên tích cực tham gia nghiên cứu khoa học, phát triển và ứng dụng công nghệ gắn kết chặt chẽ với quá trình sản xuất, kinh doanh ở các doanh nghiệp; chia sẻ thông tin, trao đổi kinh nghiệm với các trường đại học danh tiếng ở các nước trong khu vực và trên thế giới.

Giảng viên phải là tấm gương sáng cho sinh viên noi theo; xác định đúng vị trí, vai trò, trách nhiệm đối với việc dạy “chữ”, dạy “người”, truyền cho sinh viên niềm say mê học tập, nghiên cứu khoa học, sáng tạo, chủ động trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Sinh viên phải luôn tích cực học tập, rèn luyện, phấn đấu để phục vụ đất nước và vì tương lai của chính mình.

Với truyền thống “Dạy tốt - Học tốt”, lá cờ đầu của hệ thống giáo dục đại học Việt Nam, Chủ tịch nước tin tưởng và mong muốn các thầy giáo, cô giáo, các nhà khoa học và các em sinh viên Đại học Quốc gia TPHCM tiếp tục nỗ lực phấn đấu, phát huy hết tài năng và trí tuệ, niềm đam mê khoa học, khát khao khám phá để làm tốt vai trò đầu tàu đại học chất lượng cao, đón bắt tinh hoa tri thức của nhân loại thời đại cách mạng công nghệ mới. Qua đó góp phần nâng tầm tri thức và giá trị Việt Nam sánh vai với các nước phát triển trong khu vực và trên thế giới.”/.

Theo VOV

TIN LIÊN QUAN

Chủ tịch nước: 'Giảng viên phải là gương sáng cho sinh noi theo'
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO