Chuyển động tích cực từ thực hiện Nghị quyết 06-NQ/TU: Bài cuối: Cần chính sách hỗ trợ tạo đột phá

Từ thực hiện Nghị quyết 06-NQ/TU, Công nghiệp và TTCN – Làng nghề ở Nghệ An đã đạt được kết quả tích cực, góp phần quan trọng chuyển dịch cơ cấu kinh tế – xã hội. Tuy nhiên, với mục tiêu và kỳ vọng sớm đưa Nghệ An trở thành tỉnh công nghiệp, cần thực hiện tốt giải pháp về quy hoạch, quản lý quy hoạch, cải cách hành chính, thu hút đầu tư, ưu tiên phát triển công nghiệp có lợi thế, gắn với bảo vệ môi trường.

Nhằm tạo động lực thúc đẩy thu hút các dự án đầu tư, vấn đề đặt ra là phát triển nhanh và bền vững hạ tầng công nghiệp – TTCN, một trong những giải pháp được ưu tiên thực hiện đó là tập trung xây dựng và hoàn thiện Quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đảm bảo khoa học, chất lượng. Đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện Quy hoạch tỉnh Nghệ An giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó xây dựng định hướng phát triển công nghiệp khoa học và phù hợp để có cơ sở triển khai thực hiện.

Để hiện thực hóa mục tiêu trên, tỉnh phải tập trung vào các nhiệm vụ cụ thể như lựa chọn các lĩnh vực công nghiệp có tiềm năng và lợi thế cạnh tranh của tỉnh đóng vai trò dẫn dắt kinh tế với khả năng tham gia vào chuỗi giá trị khu vực, toàn cầu để ưu tiên phát triển trong Quy hoạch tỉnh, làm cơ sở khoa học để xây dựng kế hoạch thu hút đầu tư; rà soát quy hoạch các KCN, CCN để có phương án điều chỉnh, bổ sung phù hợp, khai thác có hiệu quả sử dụng đất gắn với điều kiện về kết cấu hạ tầng, tài nguyên và bảo vệ môi trường bền vững trong quá trình xây dựng Phương án phát triển KCN, CCN tích hợp vào Quy hoạch phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh.

Khu công nghiệp VSIP Nghệ An. Ảnh: Thành Cường
Khu công nghiệp VSIP Nghệ An. Ảnh: Thành Cường

Thực tế, thời gian qua, công tác quy hoạch và đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng công nghiệp ngày càng hoàn thiện, tạo mặt bằng thuận lợi thu hút các dự án đăng ký đầu tư. Trong thời gian thực hiện Nghị quyết 06, KKT Đông Nam đã được Thủ tướng Chính phủ cho phép điều chỉnh diện tích và đang rà soát điều chỉnh quy hoạch tổng thể chung đến năm 2040 đảm bảo phù hợp với yêu cầu mới và tạo điều kiện thuận lợi để phát triển công nghiệp.

Ông Lê Tiến Trị cho biết thêm: Tỉnh đang nghiên cứu đề xuất Thủ tướng Chính phủ cho phép mở rộng ranh giới KKT Đông Nam trong thời gian sớm nhất để ưu tiên phát triển mô hình khu công nghiệp – dịch vụ – đô thị, KCN sinh thái, KCN chuyên sâu, có đủ quỹ đất dành cho các dự án dịch vụ và hạ tầng phúc lợi xã hội, nhất là nhà ở chuyên gia, kỹ sư, công nhân lao động sống xa gia đình.

Ngoài ra, thu hút nguồn vốn để đẩy nhanh tiến độ xây dựng và hoàn thành hạ tầng các KCN trong KKT Đông Nam gồm: KCN VSIP, KCN WHA Industrial Zone 1, Nam Cấm, Hoàng Mai 1, Hoàng Mai 2, Đông Hồi; tạo điều kiện thuận lợi để nhà đầu tư triển khai xây dựng KCN VSIP Nghệ An 2, KCN WHA Industrial Zone 2; KCN Thọ Lộc, KCN Yên Quang. Tranh thủ nguồn vốn từ Trung ương và thu hút các doanh nghiệp kinh doanh hạ tầng sớm hoàn thiện hạ tầng các KCN đã quy hoạch gồm: Tri Lễ, Nghĩa Đàn, Phủ Quỳ, Sông Dinh; tăng cường hợp tác để hình thành và phát triển nhanh KCN công nghệ cao tại Hưng Hòa (thành phố Vinh);

Một dự án đầu tư lớn trị giá 70 triệu USD mới đầu tư vào KCN VSIP. Ảnh: Nguyễn Hải
Một dự án đầu tư lớn trị giá 70 triệu USD mới đầu tư vào KCN VSIP. Ảnh: Nguyễn Hải

Hiện nay, sau một thời gian thực hiện chính sách hỗ trợ đầu tư hạ tầng cụm CN đã bộc lộ một số hạn chế vì đầu tư quá dàn trải, hiệu quả kém. Vì vậy, một trong những ưu tiên của tỉnh là cùng với bổ sung, sửa đổi và ban hành chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư trên địa bàn tỉnh, tỉnh cần có chính sách mới hỗ trợ đầu tư xây dựng hạ tầng cụm CN, chính sách hỗ trợ khuyến công, chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ phù hợp với tình hình mới. Bên cạnh đó, cần nghiên cứu ban hành cơ chế, chính sách đặc thù khuyến khích phát triển một số ngành công nghiệp ưu tiên, công nghiệp có hàm lượng công nghệ và giá trị gia tăng cao (cơ khí chế tạo, điện, điện tử, công nghệ thông tin); chính sách đầu tư hạ tầng thương mại, dịch vụ logistics,…

Bên cạnh đó, theo ông Trần Đức Đạt – Trưởng phòng Kế hoạch, Chi cục Phát triển nông thôn: Hiện nay, Nghệ An mới chỉ có cơ chế hỗ trợ 80 triệu đồng/làng nghề khi được công nhận mà chưa có cơ chế hỗ trợ cho các làng nghề được công nhận hàng năm; cơ chế hỗ trợ đầu tư hạ tầng các làng nghề còn quá nhỏ giọt. Theo quy định, trong số 114 làng nghề được tỉnh công nhận đến thời điểm này, mỗi làng nghề được hỗ trợ khoảng 2 tỷ đồng để làm hạ tầng giao thông, nhưng 3 năm lại đây, do không có nguồn nên không triển khai được dự án nào.

Sản xuất sạch, bảo vệ môi trường, hướng tới phát triển bền vững là định hướng lớn được đặt ra trong thu hút đầu tư, sản xuất công nghiệp của tỉnh và không thu hút dự án đầu tư bằng mọi giá là chỉ đạo xuyên suốt của tỉnh. Công nghiệp Nghệ An phát triển theo hướng hiện đại, gắn với bảo vệ môi trường bền vững trên cơ sở ưu tiên lựa chọn những lĩnh vực có hàm lượng công nghệ kỹ thuật cao, công nghiệp sạch không gây ô nhiễm đến môi trường.

Ông Phạm Văn Hóa – Giám đốc Sở Công Thương cho biết, hiện nay ngành đang xây dựng phương án phát triển công nghiệp tỉnh Nghệ An giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 để tích hợp vào Quy hoạch tỉnh. Chúng tôi xác định lĩnh vực, sản phẩm công nghiệp chủ lực của tỉnh có vai trò quan trọng trong định hướng phát triển và đưa ra các giải pháp trọng tâm, trọng điểm để đầu tư có chiều sâu trên cơ sở lợi thế so sánh, không dàn trải, lãng phí nguồn lực.

Dây chuyền chế biến cá ngừ tại Nhà máy chế biến cá ngừ Fescol Tuna. Ảnh: Thu Huyền
Dây chuyền chế biến cá ngừ tại Nhà máy chế biến cá ngừ Fescol Tuna. Ảnh: Thu Huyền

“Ngành xác định mục tiêu đẩy mạnh tái cơ cấu ngành công nghiệp, đổi mô hình tăng trưởng từ chiều rộng sang phát triển hợp lý giữa chiều rộng và chiều sâu. Tập trung thu hút đầu tư, nhất là đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) để phát triển nhanh các ngành có lợi thế cạnh tranh, các lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao. Tập trung phát triển ngành công nghiệp điện tử và công nghệ thông tin trở thành ngành chủ lực với sự đầu quân của các công ty, các tập đoàn sản xuất đa quốc gia đầu tư vào lĩnh vực lắp ráp thiết bị điện tử, sản xuất linh kiện điện tử. Đầu tư, xây dựng Nghệ An trở thành trung tâm cơ khí lớn, công nghiệp phụ trợ của khu vực Bắc Trung Bộ, đảm bảo nhu cầu của địa phương và các tỉnh lân cận”- ông Phạm Văn Hóa cho hay.

Triển khai kế hoạch trên, cùng với tổng kết đánh giá kết quả 6 năm thực hiện Quyết định số 45/2015 về hỗ trợ đầu tư cụm CN của UBND tỉnh, tỉnh cũng đang tính toán xem xét, quy hoạch lại các cụm CN để hạn chế tình trạng đầu tư dàn trải dẫn đến quy hoạch treo; mở rộng quỹ đất dành cho sản xuất công nghiệp trong KCN và cụm CN để các dự án thu hút đầu tư sản xuất công nghiệp phải trong quy hoạch, không đầu tư dự án gần các khu dân cư riêng lẻ dẫn đến các hệ lụy về môi trường. Dự kiến, quy hoạch này sẽ được UBND tỉnh cho ý kiến trong thời gian tới để tỉnh mở hội nghị chuyên đề về xúc tiến, thu hút đầu tư vào hạ tầng cụm công nghiệp.

Sản xuất môi thìa xuất khẩu tại Công ty TNHH Sản Xuất thương Mại Hồng Sơn, CCN Đô Lăng, Nghi Lâm (Nghi Lộc). Ảnh: Thu Huyền
Sản xuất môi thìa xuất khẩu tại Công ty TNHH Sản Xuất thương Mại Hồng Sơn, CCN Đô Lăng, Nghi Lâm (Nghi Lộc). Ảnh: Thu Huyền

Về phát triển tiểu thủ công nghiệp, rà soát lại hiệu quả hoạt động của các làng nghề đã được công nhận để có các giải pháp về tổ chức quản lý, sản xuất và tìm kiếm thị trường tiêu thụ ổn định và phát triển bền vững, sản phẩm của các làng nghề đạt tiêu chí sản phẩm OCOP của tỉnh. Lựa chọn một số làng nghề có tiềm năng, lợi thế về sản phẩm, cảnh quan, môi trường, có khả năng kết nối và nghề tạo ra sản phẩm đặc trưng của Nghệ An đưa vào quy hoạch du lịch trải nghiệm tích hợp với quy hoạch chung của tỉnh để đầu tư phát triển hơn; đưa tổng số làng nghề trên địa bàn tỉnh hoạt động có hiệu quả đến năm 2025 đạt 200 làng…