Chuyển động trong sáp nhập xóm, xã
(Baonghean) - Hiện tại, các địa phương trong tỉnh đang tập trung triển khai các bước sắp xếp, sáp nhập xóm, xã theo Nghị quyết Trung ương 6 (khóa XII). Bên cạnh sự đồng thuận ủng hộ của nhân dân thì vẫn còn một số vấn đề cần được quan tâm.
Đề cao sự đồng thuận
Xã Tăng Thành (Yên Thành) có trên 8.000 nhân khẩu với gần 2.000 hộ; phân bố ở 9 xóm, trong đó xóm nhiều nhất có hơn 300 hộ và xóm ít nhất là 89 hộ. Để tiến hành sáp nhập các xóm chưa đủ tiêu chuẩn theo quy định, Đảng ủy xã đã chỉ đạo UBND xã tiến hành các bước thận trọng, trong đó chú trọng công tác tuyên truyền, tư tưởng cho cán bộ, đảng viên và nhân dân, làm rõ việc sáp nhập xóm cũng là giải pháp giải bài toán khó trong việc tìm người đảm nhận công việc ở xóm và cải thiện mức phụ cấp cho đội ngũ - chính điều này sẽ tạo động lực thu hút người có năng lực, trách nhiệm, khuyến khích sự cống hiến, nỗ lực của đội ngũ không chuyên trách ở xóm.
Cán bộ, công chức xã Tăng Thành (Yên Thành) tổng hợp việc lấy ý kiến nhân dân về việc sáp nhập xóm. Ảnh: Mai Hoa |
Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Tăng Thành - đồng chí Nguyễn Viết Tuệ cho rằng, đề án sáp nhập xóm khi đưa ra lấy ý kiến nhân dân và đại biểu HĐND xã đều có sự đồng thuận cao. Theo đó, với 9 xóm hiện tại, xã Tăng Thành sẽ giảm 2 xóm, còn lại 7 xóm trên cơ sở tiến hành sáp nhập xóm 3a và 3b thành xóm 3, đồng thời chia số hộ tại xóm 8 về 2 xóm 4, xóm 5. Và sau sáp nhập, xóm có số hộ nhiều nhất là 343 hộ và xóm ít nhất là 250 hộ.
Theo Bí thư Huyện ủy Yên Thành - đồng chí Nguyễn Văn Đệ, hiện các địa phương trên địa bàn đang tập trung hoàn thiện các bước để tiến hành sáp nhập các khối, xóm chưa đảm bảo quy mô số hộ gia đình theo quy định. Trong đó có 18/39 xã, thị trấn đã thông qua HĐND ban hành nghị quyết và dự kiến sẽ hoàn thành trước 30/4/2019 trong toàn huyện để trình Sở Nội vụ, UBND, HĐND tỉnh thông qua.
"Trên cơ sở Thông tư số 14/2018/TT-BNV ngày 03/12/2018 của Bộ Nội vụ với quy định quy mô xóm, khối là 250 hộ, thì toàn huyện dự kiến giảm từ 100 - 150 xóm, khối so với 496 khối, xóm hiện tại".
Làm đường giao thông nông thôn mới ở xóm Minh Sơn, xã Kỳ Sơn, huyện Tân Kỳ. Ảnh tư liệu |
Tại huyện Tân Kỳ, khi triển khai chủ trương sắp xếp, sáp nhập khối, xóm, hàng loạt vấn đề băn khoăn, lo lắng liên quan đến quyền lợi sát sườn của người dân được đặt ra. Chẳng hạn như xóm thuộc Chương trình 135 sáp nhập xóm không có Chương trình 135; xóm được công nhận làng văn hóa sáp nhập với xóm chưa được công nhận; xóm đạt chuẩn nông thôn mới sáp nhập với xóm chưa đạt; việc giao dịch các loại giấy tờ của người dân khi thành lập xóm mới làm như thế nào, kể cả các vấn đề liên quan đến thói quen, sinh hoạt của người dân khi thay đổi…
Theo Bí thư Huyện ủy Tân Kỳ Bùi Thanh Bảo, với quan điểm chỉ đạo quyết tâm, quyết liệt thực hiện một cách chặt chẽ, hiệu quả, không có tư tưởng chờ đợi, đến thời điểm này, đã có 18/22 xã, thị trấn của huyện Tân Kỳ tiến hành lấy ý kiến nhân dân và đại biểu HĐND xã nhiệm kỳ 2016-2021. Kết quả tại 18 đơn vị được nhân dân đồng tình ủng hộ. Cụ thể tại 188/189 xóm thuộc diện sáp nhập khi lấy ý kiến nhân dân thì có 95% nhân dân đồng tình; chỉ có 1 xóm đạt tỷ lệ đồng tình thấp nhưng cũng lên tới 61%. UBND huyện cũng đã trình Sở Nội vụ thẩm định đề án sáp nhập và đổi tên các xóm chưa đủ tiêu chí để sáp nhập 189 xóm, khối thành 90 xóm, khối tại 18 xã; nghĩa là sau khi thực hiện đề án tại 18 xã sẽ giảm được 99 xóm.
"Nếu đề án sắp xếp, sáp nhập khối, xóm ở 18 đơn vị được HĐND tỉnh thông qua, trước mắt Tân Kỳ sẽ giảm được 1.089 người hoạt động không chuyên trách ở 99 khối, xóm; đồng nghĩa giảm kinh phí chi trả cho đội ngũ được giảm gần 9,5 tỷ đồng/năm".
Lãnh đạo huyện và thị trấn Thanh Chương thăm dò ý kiến của người dân liên quan đến việc sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã và khối, xóm. Ảnh: Mai Hoa |
Hiện nay, các địa phương khác trong tỉnh cũng đang tiếp tục rà soát lại quy mô số hộ ở các xóm sau khi Thông tư số 14/2018/TT-BNV của Bộ Nội vụ ban hành để xây dựng phương án sắp xếp, sáp nhập khối, xóm, thôn, bản. Ghi nhận chung tại các địa phương, việc triển khai sáp nhập khối, xóm cơ bản thuận lợi, được cán bộ, đảng viên và người dân đồng thuận cao; bởi thực tiễn hiện nay có nhiều khối, xóm, bản có quy mô quá nhỏ, chỉ có trên dưới 100 hộ dân, thậm chí dưới 50 hộ dân; trong khi đó vẫn hình thành bộ khung những người hoạt động không chuyên trách với 9 - 11 chức danh, tạo gánh nặng ngân sách trong việc chi trả phụ cấp; chi hoạt động cho bộ máy và kể cả chi đầu tư xây dựng các thiết chế sinh hoạt cộng đồng nhỏ lẻ.
Đơn cử tại huyện Diễn Châu với tổng số 449 khối, xóm toàn huyện thì chỉ có 3 xóm đạt tiêu chuẩn theo quy định, trong số còn lại có 241 xóm có quy mô 100 - 200 hộ; cá biệt có 74 xóm có quy mô dân số dưới 100 hộ. Tương tự ở thành phố Vinh, chiếu theo quy định thì chỉ có 4/371 khối, xóm đạt tiêu chí. Hay ở huyện Nghĩa Đàn, trong tổng số 311 xóm toàn huyện có tới 294 khối, xóm chưa đạt 50% tiêu chuẩn phải sáp nhập và kế hoạch của huyện sẽ sáp nhập để giảm 147 xóm, từ 311 xuống còn 164 xóm sau sáp nhập.
Người dân xóm 2, xã Diễn Liên (Diễn Châu) trao đổi về việc sáp nhập xóm, xã. Ảnh: Minh Chi |
Còn nhiều băn khoăn
Hiện vấn đề được nhiều cơ sở băn khoăn nhất, đó là lựa chọn con người đảm nhận nhiệm vụ ở xóm. Trưởng phòng Nội vụ huyện Tân Kỳ - đồng chí Đoàn Cử Nghĩa cho rằng, có nơi, tìm người làm việc ở cấp xóm khi quy mô nhỏ đã khó, nay sáp nhập quy mô lớn hơn lại càng khó khăn.
"Khi sáp nhập, những người tổ chức muốn “nhắm” để gánh vác việc xóm thì muốn từ chối, người tổ chức không “nhắm” thì muốn làm".
Một băn khoăn, lo lắng nữa ở cơ sở hiện nay, đó là sau khi đề án sáp nhập khối, xóm được thông qua HĐND xã quyết định thì tâm lý, tư tưởng của những người hoạt động ở khối, xóm đã chững lại; nếu cấp huyện, đặc biệt là tỉnh không xúc tiến nhanh các bước quy trình để đảm bảo đề án sớm hiện thực hóa trong thực tiễn thì sẽ tạo rất nhiều khó khăn cho cơ sở, nhất là trong việc giải quyết các vấn đề phức tạp, vấn đề “nóng” đang đặt ra.
Băn khoăn nhất ở cơ sở hiện nay là chưa có chính sách giải quyết đội ngũ dôi dư sau sáp nhập xã, thị trấn. Ảnh: Mai Hoa |
Liên quan đến sáp nhập xã, phường, theo chỉ đạo của Bộ Chính trị, lộ trình thực hiện việc sáp nhập đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã từ nay đến năm 2021 cơ bản sắp xếp các đơn vị hành chính chưa đạt 50% cả 2 tiêu chuẩn theo quy định về diện tích và quy mô dân số, thì toàn tỉnh có 22 xã thuộc 10 huyện, thị xã của Nghệ An phải tiến hành sáp nhập.
Tuy nhiên, theo đồng chí Nguyễn Thăng Long - Trưởng phòng Xây dựng chính quyền và Công tác thanh niên, Sở Nội vụ, cho đến nay, Chính phủ chưa có phương án và chính sách giải quyết số cán bộ, công chức dôi dư sau sáp nhập. Điều này đang chi phối đến tinh thần làm việc của đội ngũ cán bộ, công chức ở cơ sở; đồng thời có tâm lý chờ đợi, nghe ngóng, chưa thật sự chủ động và tích cực xúc tiến triển khai quy trình các bước để sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã ở các địa phương. Đây là những vấn đề cần quan tâm giải quyết để việc sắp xếp, thu gọn các đơn vị hành chính cấp xã đạt 50% tiêu chuẩn về quy mô dân số, diện tích tự nhiên trên địa bàn tỉnh được thực hiện một cách thuận lợi.