Chuyên gia gợi ý cách tiêm giảm tác dụng phụ của vắc xin Covid-19
Một số nhà khoa học Hong Kong cho rằng, những người chủng ngừa bằng vắc xin BioNTech nên tiêm vào đùi chứ không phải bắp tay để giảm nguy cơ viêm cơ tim.
Các cố vấn cho chiến lược chống đại dịch của Hong Kong nhận định, thay đổi vị trí tiêm sẽ giúp cho vắc-xin BioNTech an toàn hơn cho tất cả các nhóm tuổi, bao gồm thanh thiếu niên.
Lời kêu gọi được đưa ra sau khi ngành y tế Hong Kong thông tin một phụ nữ 66 tuổi tử vong 16 ngày sau khi tiêm vắc xin BioNTech. Khám nghiệm tử thi cho thấy, bà bị viêm cơ tim.
Dù vậy, cơ quan y tế cho biết: “Không thể xác định có mối liên hệ của trường hợp đó với việc chủng ngừa”.
Ủy ban chuyên gia đánh giá các sự kiện lâm sàng sau khi tiêm vắc xin Covid-19 đã xem xét 49 trường hợp tử vong trong vòng 14 ngày sau khi tiêm. Không ca tử vong nào được xác định có liên quan đến việc chủng ngừa.
Giáo sư Ivan Hung Fan-ngai nói, Ủy ban không thể loại trừ khả năng người phụ nữ 66 tuổi bị viêm cơ tim liên quan đến vắc xin. Ông cho biết thêm, tình trạng của bệnh nhân cũng có thể liên quan đến một bệnh nhiễm virus khác tên là Parvo dẫn đến các vấn đề về tim.
Ảnh minh họa: UL |
Giáo sư Hung cho rằng để phòng ngừa viêm cơ tim do chủng ngừa, nên tiêm vào đùi thay vì cánh tay cho mọi người.
“Vị trí tiêm xa tim hơn, hàm lượng vắc xin phải đi qua hệ bạch huyết ở bẹn. Rất ít kháng nguyên vắc xin có thể đến được tim”, vị giáo sư nói.
Giáo sư Yuen Kwok-yung cũng đồng ý tiêm bắp đùi là lựa chọn an toàn nhất cho mọi lứa tuổi sử dụng vắc xin BioNTech, đặc biệt quan trọng đối với thanh thiếu niên.
Giáo sư Yuen cho biết: “Việc tiêm ở bắp đùi cho trẻ vị thành niên nên trở thành quy định”. Ông đồng thời cảnh báo đó là nhóm tuổi có nguy cơ bị viêm cơ tim cao nhất sau khi tiêm vắc xin.
Vị chuyên gia này gợi ý các nhóm tuổi khác có thể lựa chọn tiêm ở tay hoặc bắp đùi.
Giáo sư Yuen lần đầu tiên đề xuất thay đổi phương pháp tiêm cách đây vài tháng. Trước đó, ông chỉ ra rằng mặc dù tiêm vào đùi có thể giảm thiểu một số rủi ro nhưng gây bất tiện vì mọi người sẽ phải mặc quần đùi, váy hoặc quần rộng.
Vào tháng 9, Ủy ban khoa học thuộc Trung tâm Bảo vệ Sức khỏe đã khuyến nghị lựa chọn tiêm bắp đùi.
Cơ quan này trích dẫn các nghiên cứu nói rằng việc tiêm như vậy có thể “giảm thiểu các tác dụng phụ tiềm ẩn của vắc xin”, khuyến cáo tập trung vào trẻ em và thanh thiếu niên.
Tiêm vắc xin phòng Covid - 19 cho học sinh THPT. Ảnh tư liệu Đức Anh |
Những người trẻ hơn cũng được khuyên chỉ nên tiêm một liều vắc xin Covid-19 thay vì hai mũi tiêu chuẩn.
Bác sĩ gia đình Edmund Lam Wing-wo cho biết, các trung tâm tiêm chủng cộng đồng sẽ mất nhiều thời gian để thích nghi với việc tiêm ở đùi so với tiêm ở cánh tay.
Tiến sĩ Marco Ho Hok-kung, Phó giám đốc điều hành y tế tại Virtus Medical, cho biết việc tiêm phòng ở đùi không gây quá nhiều khó khăn.
“Nếu ai đó yêu cầu tiêm vắc xin vào đùi, một cuộc đánh giá thể chất sẽ được thực hiện để xem người đó có thừa cân hay béo phì hay không”, Tiến sĩ Ho nói. Ông lưu ý những người thuộc nhóm đó sẽ cần có kim tiêm dài hơn.