Chuyện người đàn bà Thổ hóa hổ giúp dân
(Baonghean.vn) - Vùng đất người Thổ ở Giai Xuân (Tân Kỳ) có thể nói là vùng đất linh thiêng và đầy thơ mộng. Nơi đây còn lưu giữ được một cây sanh ngàn tuổi độc nhất vô nhị ở Việt Nam bên ngôi miếu thiêng. Ấy là miếu thờ Dạ Đáu (bà Đáu) - người đàn bà hóa hổ giúp dân.
Chỉ nằm cách trung tâm xã Giai Xuân chừng 12 km nhưng phải hơn 30', chúng tôi mới đặt chân tới được địa phận bản Kẻ Mui (trước đây tên là Kẻ Thai). Con đường vào Kẻ Mui tuy đã được rải đá nhưng cũng khó khăn vô cùng. Vùng đất này được người Thổ gọi chung là vùng đất Đáu.
Ngọn núi tương truyền là nơi Dạ Đáu sinh sống và hóa hổ giúp đỡ nhân dân. |
Bên cạnh cây sanh ngàn tuổi độc nhất vô nhị nằm trên đá hoa cương với thế “mâm xôi con gà”, tọa lạc 1 ngôi miếu thờ ngày đêm nghi ngút khói. Ấy là miếu thờ Dạ Đáu (bà Đáu) - người đàn bà hóa hổ trong truyền thuyết của người Thổ. Miếu thờ mới được người dân và các nhà hảo tâm xây dựng lại từ khi phát hiện ra cây sanh. Đây là nơi được bà con dùng để thờ tự người đã có công mở mang, khai phá và bảo vệ vùng đất này.
Ông Trương Công Tuân (bản Kẻ Mui) kể lại giai thoại được lưu truyền từ thế hệ này, sang thế hệ khác ở bản: Ngày xưa, có gia đình nhà họ Đinh nọ sinh được 3 người con, 2 gái 1 trai. Chị cả là nàng Đáu, em gái là ả nàng Hồng và người con trai út (không nhớ tên). Người con trai út lấy vợ và sinh con, đến đời ông Đinh Xuân Tu (làng Trám) là đời thứ 3 thì bị tuyệt tự. Hai người con gái họ Đinh, cô nào cũng xinh đẹp tuyệt trần, được xem như những nàng tiên trên trời xuống ngao du hạ giới.
Miếu Dạ Đáu nằm sau cây sanh ngàn tuổi. |
Đến tuổi cập kê, nàng Đáu được gả cho con trai Thần Nhân (hiện còn có đền thờ ở xã Tân Hợp), còn ả nàng Hồng thì nhất quyết ở vậy không chịu lấy chồng. Người cha giao cho 2 nàng 2 vùng đất để cai quản. Nàng Đáu cai quản vùng đất Giai Xuân, nàng Hồng cai quản vùng đất Tân Hợp.
Tuy nhiên, cuộc sống vợ chồng nàng Đáu lại không được như ý muốn. Sau 1 thời gian chung sống, con trai Thần Nhân phát hiện ra rằng vợ mình có đuôi hổ. Ban ngày nàng Đáu ở với chồng vẫn là một cô gái xinh đẹp tuyệt trần nhưng cứ đến ban đêm thì chạy ra rừng và hóa thành một con hổ.
Không chịu được cảnh ấy, chàng bỏ về nhà Thần Nhân. Về phần nàng Đáu, từ khi chồng bỏ về nàng cũng bỏ hẳn vào rừng để ở và hóa thành hổ để bảo vệ cho cuộc sống của dân làng nơi mình cai quản. Vùng núi nàng vào hóa thành hổ ấy gọi là núi Nàng, nơi có cây sanh ngàn tuổi và phía dưới là mó nước Nhà Dạ.
Những người ở vùng đất Đáu có một niềm tin rằng, vùng đất ấy là vùng đất linh thiêng của người Thổ. Ông Trương Công Tuân bảo rằng, ngày trước nơi đây còn hoang vu lắm, những người đi rừng, đi rẫy về ngang đây đều phải một lòng thành kính, không ai dám nói một lời nào xúc phạm đến thần linh, núi rừng. Chỉ cần phát ra một lời nói tục tĩu thì ngay lập tức hiện ra cả đàn hổ vây lượn xung quanh.
Cây sanh độc nhất vô nhị với thế "mâm xôi con gà" nằm bên miếu thờ. |
Ông cũng kể lại câu chuyện, khi thành lập Hợp tác xã Xuân Tiến (1964), có rất nhiều người tập trung về đây canh tác, khai khẩn đất hoang. Tuy nhiên, khi bắt tay vào làm thì liên tiếp xẩy ra tình trạng ban đêm hổ kéo về bắt hết trâu bò, gia súc. Mọi người nghĩ ngay đến việc nàng Đáu trách móc vì chưa được sự cho phép của nàng đã khai hoang. Thế là Hợp tác xã Xuân Tiến bày biện lễ lạt xin phép Dạ Đáu. Từ đó, công việc trở lại ổn định, bà con yên tâm sản xuất, mùa màng càng ngày càng bội thu, gia súc phát triển nhanh như thổi.
Câu chuyện ông Trương Công Tuân kể cho chúng tôi nghe tuy có phần hơi thần bí nhưng chúng tôi tin rằng, trong tâm thức của những người Thổ như ông, niềm kính trọng các bậc khai sinh ra vùng đất này là có thật.
Đào Thọ
TIN LIÊN QUAN |
---|