Chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Mỹ: Cơ hội lớn để hai nước thúc đẩy quan hệ tiến xa hơn, thực chất hơn
Đại sứ Hà Huy Thông nhận định, chuyến thăm Việt Nam lần này của Tổng thống Joe Biden là cơ hội lớn để hai nước thúc đẩy quan hệ tiến xa hơn, thực chất hơn, đáp ứng lợi ích và nguyện vọng của nhân dân hai nước.
Đại sứ Hà Huy Thông (nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội) từng tham gia cuộc đàm phán Việt - Mỹ chính thức đầu tiên về bình thường hóa quan hệ ở New York (năm 1991), làm Trưởng đoàn tiền trạm (năm 1994) đi mở Cơ quan liên lạc (sau lên Đại sứ quán) tại Mỹ, tham gia đón Tổng thống Mỹ Bill Clinton lần đầu tiên thăm Việt Nam (năm 2000) và tham gia đoàn Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thăm Mỹ, thiết lập quan hệ Đối tác Toàn diện 10 năm trước (ngày 25/7/2013).
VƯỢT CHẶNG ĐƯỜNG DÀI
Cảm nghĩ đầu tiên của ông khi nhận được thông tin Tổng thống Mỹ Joe Biden sắp thăm Việt Nam?
Tôi rất vui mừng, trước hết vì Tổng thống Mỹ Joe Biden đã nhận lời mời thăm Việt Nam. Đây là lần đầu tiên một tổng thống Mỹ nhận lời mời của người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam - Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Chuyến thăm diễn ra sau 8 năm Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có chuyến thăm lịch sử lần đầu tiên của một Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam sang Mỹ nhân dịp hai nước kỷ niệm 20 năm thiết lập quan hệ ngoại giao.
Và chính ông Joe Biden khi đó là Phó Tổng thống Mỹ đã chủ trì tiệc chiêu đãi cấp Nhà nước chào đón Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Nhìn lại lịch sử, Việt Nam và Mỹ đã tiến được con đường rất xa. Từ năm 1787 khi Công sứ Mỹ (khi Mỹ chưa lập chức danh Đại sứ) tại Pháp (1785-1789) thì ngài Thomas Jefferson đã gặp Hoàng tử Nguyễn Phúc Cảnh khi đó mới 7 tuổi từ xứ An Nam sang Pháp, vì nghe ở “Đàng trong” của Việt Nam có 6 loại gạo, trong đó có 3 loại thơm ngon có thể trồng trên cao nguyên, không cần nhiều nước như ở quê ông bang Virginia.
Ông Thomas Jefferson được coi là một trong những người sáng lập ra nước Mỹ ngày 4/7/1776 và tham gia chấp bút soạn thảo bản Hiến pháp Mỹ (năm 1787). Năm 1789, Mỹ thành lập hai Bộ đầu tiên là Bộ Ngoại giao và Bộ Tài chính, thì Thomas Jefferson từ Pháp về nước và trở thành Ngoại trưởng đầu tiên, rồi Phó Tổng thống và Tổng thống thứ ba của Mỹ (1801-1809).
Sau khi được tiếp cận với các tài liệu tin cậy về quan hệ Mỹ với Việt Nam, Đại sứ Robert Hopkins Miller, cố vấn cao cấp tại Phái đoàn Mỹ tại Hội nghị Paris về Việt Nam (1968-1971) năm 1990 đã viết lại trong cuốn “Mỹ và Việt Nam 1787-1941”, (NXB Báo chí Đại học Quốc phòng Mỹ) nhận định rằng, cuộc gặp giữa ông Thomas Jefferson và Hoàng tử Cảnh có thể là lần đầu tiên Mỹ chính thức nhận thức và quan tâm tới Việt Nam tuy ở xa nước Mỹ.
Năm 1802, con tàu mang tên “Fame” (Danh tiếng) của thuyền trưởng Jeremiah Briggs rời bang Massachusetts sang Việt Nam để thử tìm nguồn cà phê và đường. Tàu Fame thả neo ở Turon (nay là Đà Nẵng), rồi cố đô Huế và đi tiếp đến Sài Gòn.
Theo các hồ sơ Mỹ còn lưu trữ đến nay, “Fame” được coi là tàu Mỹ đầu tiên cập bờ biển Việt Nam tròn 220 năm trước.
Quan hệ hai nước đã trải qua nhiều thăng trầm, trong đó có cả “chương buồn hay bất hạnh”.
Từ năm 1991 khi tiến hành vòng đàm phán đầu tiên về bình thường hóa quan hệ, thì hai nước đã có nhiều bước tiến quan trọng, theo hướng ngày càng đi lên.
Chuyến thăm của Tổng thống Biden sắp tới là minh chứng rõ cho mối quan hệ Đối tác toàn diện Việt - Mỹ, cam kết tôn trọng thể chế chính trị của nhau, mở ra một thập kỷ quan hệ rất toàn diện về chính trị, ngoại giao, quốc phòng, an ninh, kinh tế thương mại, y tế, giáo dục, văn hóa, xã hội, thể thao…
Năm 2013, không ai nói 10 năm sau, thương mại song phương Việt - Mỹ tăng từ 40 tỷ USD lên 140 tỷ USD… và Mỹ trở thành thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam.
Càng không ai có thể dự đoán được sau 10 năm, vào ngày 22/7/2023 - chỉ 3 ngày trước khi tròn 10 năm (25/7/2013-2023) quan hệ Đối tác toàn diện, Đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam không chỉ lần đầu tiên tham gia đấu trường World Cup đỉnh cao thế giới, sánh vai với các “cường quốc bóng đá” mà còn là lần đầu tiên đá với chính đội Mỹ đương kim vô địch.
Kết quả có thể dự đoán, nhưng việc hai đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam và Mỹ gặp nhau 3 ngày trước khi tròn 10 năm quan hệ Đối tác toàn diện giữa hai nước mang ý nghĩa vượt ra xa ngoài sân bóng đá và sẽ là dấu ấn “son” trong lịch sử bóng đá Việt Nam và quan hệ Việt - Mỹ.
"VĨ NHÂN TƯ DUY GIỐNG NHAU" VÀ ĐÚC KẾT VĂN MINH NHÂN LOẠI
Thông tin Tổng thống Mỹ Biden thăm Việt Nam đến đúng lúc cả nước ta đang kỷ niệm 78 năm Ngày Quốc khánh (2/9/1945-2/9/2023) có gợi nhớ cho ông điều gì không?
Tôi nhớ tới cách đây hơn 40 năm, từ 1-9/9/1982 tôi được giao tháp tùng ông Archimedes Patti, nguyên Thiếu tá thuộc Cơ quan mật vụ OSS (Office of Secret Services - tiền thân của CIA) Mỹ phụ trách Đông Dương, trở lại Hà Nội sau 37 năm. Ông kể đã gặp Bác Hồ nhiều lần và được đến Hà Nội dự nghe Tuyên ngôn Độc lập tại Quảng trường Ba Đình ngày 2/9/1945.
Năm 1980, ông viết cuốn “Tại sao Việt Nam?”, trong đó có kỷ niệm gặp Bác Hồ và nhiều lãnh đạo cấp cao của Việt Nam ngày đầu lập quốc.
Ông Patti đề nghị thu xếp trở lại thăm những nơi đã đến cuối tháng 8 đầu tháng 9/1945, thăm nhiều di tích lịch sử, vào lăng và thăm Nhà sàn Bác Hồ mà ông nói coi là “Người Bạn lớn”.
Chúng tôi tháp tùng ông được nghe nhiều kỷ niệm đáng nhớ về cuộc gặp của ông với Bác Hồ ở ngôi nhà tầng 2 số 48 Hàng Ngang khi Người chuẩn bị bản Tuyên ngôn Độc lập 2/9/1945. Sau này ông cũng kể câu chuyện này trên truyền hình Mỹ.
Khi nhìn thấy dòng chữ “Không có gì quý hơn Độc lập và Tự do” trước lăng của Người, ông nói với mấy anh em chúng tôi rằng: Câu chân lý này không thể của một người Châu Á bình thường, mà là kết tinh văn minh Đông - Tây, giống nhiều chính khách trên thế giới nêu hàng trăm năm qua, nhưng có lẽ câu này ngắn gọn súc tích nhất. Nó minh chứng câu phương ngôn tiếng Anh: “Great men think alike” nghĩa là: “Vĩ nhân tư duy giống nhau”.
Patti tin Chủ tịch Hồ Chí Minh là người theo chủ nghĩa dân tộc, mong muốn có quan hệ tốt với Mỹ và các nước, nhưng đồng thời rất độc lập. Tuy đi nhiều nước trên thế giới, nhưng mang tên “Nguyễn Ái Quốc - Yêu nước”, dù ở đâu Nguyễn Ái Quốc cũng nghĩ đến Tổ quốc và nhân dân mình, vì lợi ích dân tộc mình…
Nhưng điều lớn hơn Chủ tịch Hồ Chí Minh mong ước nhất về đất nước được đúc kết trong tên nước: “Việt Nam Dân chủ Cộng hòa: Độc lập - Tự do - Hạnh phúc” ngay từ ngày lập quốc 2/9/1945.
TRIỂN KHAI CÁC THỎA THUẬN ĐẦU TIÊN
Là người đã tham gia cuộc đàm phán đầu tiên giữa Mỹ và Việt Nam năm 1991 về bình thường hóa quan hệ, sau hơn 30 năm, ông có thể chia sẻ gì về cuộc gặp này?
Đó là cuộc gặp ngày 21/11/1991 ở New York giữa Thứ trưởng Ngoại giao Lê Mai và Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Richard Solomon. Cuộc gặp diễn ra theo thỏa thuận giữa Bộ Ngoại giao hai nước và theo thư của phía Mỹ mời Việt Nam đàm phán vòng đầu tiên về bình thường hóa quan hệ. Cuộc gặp này diễn ra tiếp sau cuộc gặp giữa hai bên ở Bangkok (Thái Lan) ngày 30/7/1991.
Khi đó, hai nước chưa có cơ quan đại diện ngoại giao của nhau, nên thường gặp ở Bangkok hay New York - nơi mà hai nước cùng có trụ sở Đại sứ quán, thậm chí rất gần nhau.
Cuộc đàm phán đầu tiên đã bàn rộng rãi quan hệ hai nước, từ giải quyết hậu quả chiến tranh, vấn đề nhân đạo, vấn đề quốc tế và khu vực khi mà năm 1991 đang có nhiều biến động mang tính bước ngoặt.
Sự kiện này diễn ra sau Đại hội Đảng lần thứ VII (24-27/6/1991) với chủ trương đối ngoại mới sau chiến tranh lạnh là: “Độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa, làm bạn với tất cả các nước vì hòa bình, hợp tác và phát triển”.
Sau cuộc đàm phán, hai bên triển khai các thỏa thuận đạt được, đó là thúc đẩy giải quyết các vấn đề nhân đạo của nhau. Ngay trong tháng 12/1991, Mỹ bỏ hạn chế đi lại trên đất Mỹ với cán bộ tại Phái đoàn Việt Nam ở LHQ (New York) và gia đình. Tiếp đó là ADB viện trợ cho Việt Nam từ 1992, lần đầu tiên đoàn Phòng Thương mại Mỹ ở Hongkong vào Việt Nam, Mỹ bắt đầu bàn cấp học bổng Fulbright cho sinh viên Việt Nam sang Mỹ học từ 1992, cho phép chuyển kiều hối (3/1992), thỏa thuận thiết lập dịch vụ viễn thông giữa hai nước (4/1992), tăng viện trợ nhân đạo cho Việt Nam, thúc đẩy trao đổi đoàn giữa hai nước…
Ngày 1/7/1993, Mỹ không ngăn cản Việt Nam giải quyết nợ cũ của chính quyền Miền Nam Việt Nam, mở đường cho ta tiếp cận tín dụng vay của Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) góp phần xóa đói, giảm nghèo, giáo dục, y tế đến năng lượng, xây dựng kết cấu hạ tầng…
Tới ngày 3/2/1994, Tổng thống Clinton tuyên bố bỏ cấm vận và lập quan hệ với Việt Nam ở cấp Cơ quan liên lạc.
Khi ông làm Trưởng đoàn tiền trạm đi mở Cơ quan liên lạc (CQLL) ở Mỹ, đoàn tiền trạm gặp những khó khăn gì?
Ngay sau khi Tổng thống Clinton tuyên bố lập CQLL ở Thủ đô hai nước và được Thủ tướng Võ Văn Kiệt hoan nghênh, hai bên đã lập các nhóm công tác về chính trị, ngoại giao, tài sản ngoại giao, nhân quyền, các vấn đề nhân đạo của hai bên…. Phía Mỹ cũng cử nhiều đoàn vào tiền trạm để mở CQLL của Mỹ ở Hà Nội.
Khó khăn thì rất nhiều. Ví dụ, trước hết để mở CQLL, hai bên phải đạt thỏa thuận về hàng chục tài sản ngoại giao thì mới có trụ sở cho CQLL. Đây là vấn đề rất phức tạp về lịch sử, chính trị, ngoại giao, pháp lý, tài chính, tài sản công, tư, hồ sơ lưu trữ… Nhiều vấn đề liên quan tình cảm của nhiều người dân, dễ gây xúc động, bức xúc…
Đến ngày 10/12/1994, hai bên mới đạt được thỏa thuận về tài sản ngoại giao theo phương án tổng thể, lúc này đoàn tiền trạm mới rời Hà Nội. Đoàn đi theo phương châm “gọn nhẹ, khẩn trương, linh hoạt”, nên đợt đầu chỉ gồm 4 anh em là Trần Quang Tuyến (phụ trách chính trị), Trương Xuân Thanh (phụ trách lãnh sự), Trần Văn Làn (phụ trách thông tin), Mai Xuân Đoàn (lái xe) và tôi (cùng vợ và hai cháu còn nhỏ).
Khi sang đến Thủ đô Washington, có thêm anh Vũ Khắc Nhụ (từ Phái đoàn ta ở New York xuống trước 2-3 hôm, rồi sau làm Chánh Văn phòng CQLL).
Đoàn phải rời Hà Nội ngày 12/12/1994 để sang làm việc với các cơ quan Mỹ liên quan trước dịp nghỉ Noel sắp đến, nên ai tham gia đàm phán về tài sản ngoại giao, trên thực tế chỉ có một ngày cùng gia đình chuẩn bị.
Thách thức lớn nhất đối với đoàn là với số cán bộ và thời gian hạn chế mà phải triển khai gấp thỏa thuận của cấp cao và chỉ đạo, trong đó có việc mở CQLL vào ngày 1/2/1995. Trước khi đoàn đi đã được lãnh đạo nói ngắn gọn rằng “thu xếp sao để hai bên cắm cờ ở Thủ đô của nhau vào ngày đầu tháng 2/1995”, nghĩa là tròn 1 năm sau tuyên bố của Tổng thống Clinton và Thủ tướng Võ Văn Kiệt.
Phải đến khi Đại sứ Lê Bàng từ Phái đoàn ta tại New York đến làm Trưởng CQLL, khi Quốc huy và Quốc kỳ treo lên ở trụ sở CQLL ngày 1/2/1995, thì anh em đoàn tiền trạm mới thở phào nhẹ nhõm vì hoàn thành nhiệm vụ.
Kỷ niệm nào đáng nhớ nhất khi ông làm Phó Trưởng CQLL, rồi Tham tán Công sứ - Phó trưởng cơ quan Đại sứ quán tại Mỹ?
Có lẽ đó là ngày 17/1/1997, khi anh Lê Bàng về nước đầu tháng 1/1997 để chuẩn bị sang làm Đại sứ đầu tiên của ta ở Mỹ, thì cử tôi làm Đại biện lâm thời.
Khi đó Tổng thống Clinton mới tái cử (11/1996) tổ chức nhiều hoạt động. Trong đó có cuộc gặp ngày 17/1/1997, Tổng thống và phu nhân, Phó Tổng thống Al Gore và phu nhân tiếp Trưởng các cơ quan ngoại giao tại Washington đến chúc mừng.
Theo yêu cầu và lễ tân ngoại giao, vợ chồng tôi đến chuyển lời của lãnh đạo Đảng và Nhà nước ta chúc mừng Tổng thống Clinton và Phó Tổng thống Al Gore cùng phu nhân, đồng thời nhận thông điệp của Tổng thống và Phó Tổng thống Mỹ chuyển tới lãnh đạo cấp cao của Việt Nam.
Đại sứ kỳ vọng gì từ chuyến thăm này của Tổng thống Biden tới Việt Nam?
Quan hệ hai nước đã trải qua hàng trăm năm với nhiều thăng trầm, trong đó có cả “chương buồn bất hạnh”. Nhưng kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao thì mối quan hệ này từng bước phát triển, rồi trở thành Đối tác toàn diện,
10 năm qua quan hệ này đã chứng kiến nhiều bước tiến quan trọng nhất từ trước đến nay.
Chuyến thăm lần này của Tổng thống Joe Biden là cơ hội lớn để hai nước thúc đẩy quan hệ tiến xa hơn, thực chất hơn, đáp ứng lợi ích và nguyện vọng của nhân dân hai nước, đồng thời đóng góp vào hòa bình, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới.
Xin cảm ơn Đại sứ!