Cổ đông Eximbank truy vụ mất tiền tại Nghệ An
Đề nghị giải trình vụ mất tiền của bà Chu Thị Bình và 6 khách hàng ở Nghệ An, đồng thời đặt câu hỏi từ chức với Tổng giám đốc, là vấn đề nóng tại đại hội Eximbank sáng nay.
Tại đại hội cổ đông thường niên 2018 của Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam - Eximbank sáng 27/4, một số cổ đông đã yêu cầu Hội đồng quản trị ngân hàng giải trình liên quan hai vụ mất hàng trăm tỷ đồng trong sổ tiết kiệm của khách hàng gần đây.
Theo đó, một cổ đông cho biết thất vọng về cách điều hành của ban quản trị và ban lãnh đạo ngân hàng vì qua hai vụ mất tiền của khách hàng đã khiến cho uy tín của nhà băng giảm mạnh. Thiệt hại có thể nhìn thấy là giá cổ phiếu giảm mạnh. Vậy Tổng giám đốc có từ chức sau sự cố này không?
Cổ đông Eximbank chất vấn tại đại hội sáng nay. Ảnh: Lệ Chi. |
Một cổ đông 84 tuổi khác cho biết, bà là cổ đông sáng lập của ngân hàng, đã gắn bó với Eximbank hàng chục năm qua nhưng giờ cảm thấy buồn với bộ máy lãnh đạo của ngân hàng. “Tại sao làm tốt mà lại để xảy ra nội bộ ăn cắp tiền của khách? Tôi đề nghị ban lãnh đạo phải quản lý tốt hơn. Chính người của mình phá mình, chứ không phải người ngoài. Do đó, lãnh đạo ngân hàng phải xem lại, phải giải thích rõ về việc này", bà nói.
Trước những chất vấn, ông Lê Văn Quyết, Tổng giám đốc Eximbank, cho biết vụ việc 50 tỷ đồng bốc hơi tại Eximbank Đô Lương xảy ra từ năm 2013 và kéo dài đến năm 2016, còn vụ việc mất 245 tỷ đồng của bà Chu Thị Bình xảy ra tại Eximbank chi nhánh TP HCM cũng từ năm 2010 chứ không phải bây giờ.
Ông cho rằng đây là vụ việc phức tạp, xảy ra nhiều năm trước đây nhưng được phát giác trong giai đoạn hiện nay, nên ông thừa nhận trách nhiệm là của ban điều hành hiện tại và phải có trách nhiệm giải quyết nhằm bảo đảm quyền lợi của khách hàng và bảo vệ hình ảnh của ngân hàng.
Liên quan đến câu hỏi "có từ chức hay không", ông Quyết cho biết ông về Eximbank theo hợp đồng hai năm và có cam kết trong thời gian đó sẽ giải quyết cơ bản các vấn đề tồn đọng, đưa Eximbank trở lại vạch xuất phát và cho đến nay thì nhiệm vụ ấy đã hoàn thành.
"Mới đây tôi đã chính thức bày tỏ nguyện vọng với Hội đồng quản trị nên tìm kiếm nhân sự mới phù hợp hơn với mục tiêu và chiến lược của ngân hàng trong giai đoạn mới", ông Quyết trả lời câu hỏi của cổ đông.
Liên quan vụ việc này, đại diện Ban kiểm soát là ông Trần Lê Quyết cũng xin nhận trách nhiệm và cho biết không thể phát hiện ra sự việc vì có một số chữ ký của khách hàng là chữ ký thật. Sự việc đã xảy ra từ giai đoạn 2010 - 2016. Qua đây, BKS cũng đã kiến nghị với Ban điều hành sửa đổi các quy định giao dịch chặt chẽ hơn như là dùng vân tay khi giao dịch... Ông Quyết nói cam kết với cổ đông sẽ không để xảy ra trường hợp tương tự. Và về vụ việc của khách hàng Bình và các khách hàng Đô Lương thì ban lãnh đạo cũng thống nhất trên tinh thần là nếu không do lỗi của khách thì ngân hàng sẽ cam kết giải quyết trả ngay.
Trong phần chia sẻ trước đó tại đại hội, lãnh đạo Eximbank cho biết, từ cuối tháng 2/2017 đã phát hiện số dư tiền gửi của bà Chu Thị Bình trên hệ thống ngân hàng có sự chênh lệch với số dư thể hiện trên các sổ tiết kiệm mà bà Bình đang giữ.
Ngân hàng này cho biết ngay khi phát hiện sự việc, Eximbank đã có đơn gửi cơ quan cảnh sát điều tra (C44) để yêu cầu xác minh làm rõ.
Đến ngày 12/6/2017, C44 đã có thông báo cho Eximbank là chữ ký của bà Chu Thị Bình trên các chứng từ có liên quan đến việc rút tiền là thật. Sau đó tháng 12/2017, C44 đã ra quyết định khởi tố vụ án, đồng thời có quyết định truy nã với ông Hưng.
"Xét thấy các chứng từ rút tiền có chữ ký thật của bà Bình, trong khi vụ án chưa có kết luận của cơ quan điều tra nên Eximbank chưa có đủ cơ sở pháp lý để chi trả tiền cho bà Bình nên hai bên chưa tìm được tiếng nói chung", lãnh đạo Eximbank khẳng định.
Ngân hàng này cũng cho biết trong khi chờ phán quyết của tòa án, ngân hàng vẫn thiện chí để cùng bà Bình đi đến một thỏa thuận thấu tình đạt lý, đúng quy định, đồng thời đã rà soát lại công tác huy động vốn toàn hệ thống. Kết quả không có dấu hiệu bất thường ngoài vụ bà Chu Thị Bình và vụ 50 tỷ đồng bốc hơi tại Eximbank Nghệ An.
Ngoài ra, vấn đề cổ tức và lợi nhuận cũng được cổ đông quan tâm sáng nay. Theo Tổng giám đốc Lê Văn Quyết, khi bắt đầu điều hành với khoản lỗ lũy kế hàng nghìn tỷ đồng thì ban lãnh đạo phải bắt tay vào xử lý những tồn đọng. Do đó, trước mắt ban lãnh đạo khó làm hài lòng cổ đông trong việc chia cổ tức.
Bên cạnh đó, năm 2017 đến nay, mặt bằng lãi suất đang trên đà đi xuống. Về nợ xấu của ngân hàng trước giờ đang cần phải thu hồi chiếm đến 2%. Với nợ xấu tồn đọng vậy thì khả năng sinh lời cực thấp. Ngân hàng cũng cơ cấu lại tài sản để đáp ứng yêu cầu của Ngân hàng nhà nước về tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn về 50%. Thời gian qua ngân hàng phải thu hồi 7.000 tỷ đồng bắt buộc thì khi cho vay lại từ khoản này chắc chắn là NIM sẽ rất thấp. Đây là cái giá phải trả để nhà băng hoạt động bền vững và lâu dài nên trước mắt phải chấp nhận NIM thấp.
Hiện tại HĐQT Eximbank chưa bàn bạc về vấn đề cổ tức, nhưng nếu năm 2018 hoàn thành tốt thì ngân hàng có thể nghĩ đến điều này và xin ý kiến Ngân hàng Nhà nước để chia cổ tức cho cổ đông.