Công nghiệp Nghệ An tăng trưởng mạnh nhờ thu hút đầu tư

26/06/2017 08:21

(Baonghean) - Lô hàng 12.000 tấn tôn thành phẩm của Tập đoàn Hoa Sen sản xuất tại Nhà máy Tôn Hoa Sen trong Khu công nghiệp Đông Hồi, thị xã Hoàng Mai xuất bến từ cảng PTSC Thanh Hóa vào ngày 30/5/2017 để cập bến tại 3 nước: Pháp, Bỉ, Tây Ban Nha, thể hiện bước đột phá trong hoạt động xuất khẩu của Tập đoàn nói riêng và cả ngành tôn, thép Việt Nam nói chung.

Đây không phải là nguồn hàng xuất khẩu đầu tiên của Tập đoàn Hoa Sen là lô hàng đầu tiên xuất từ Nghệ An vào thị trường khó tính như châu Âu.

Đánh giá về sự kiện này, ông Lê Ngọc Hoa - Phó Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định: Nhà máy Tôn Hoa Sen ở Khu công nghiệp Đông Hồi mới đi vào sản xuất từ tháng 6/2016 và sau 1 năm cho sản phẩm xuất khẩu. Đây là một kết quả điển hình về công tác thu hút đầu tư của tỉnh Nghệ An trong nhiều năm qua. Dự án này cũng thể hiện tâm huyết của nhà đầu tư trong thực hiện nhanh về thủ tục hành chính, tiến độ giải phóng mặt bằng và đầu tư xây dựng, tất cả hoàn thành trong 1 năm. Quá trình đó, lãnh đạo tỉnh, các sở, ngành, địa phương ở Nghệ An đã tích cực đồng hành cùng doanh nghiệp để sớm vận hành nhà máy, giải quyết việc làm, tạo ra những sản phẩm giá trị cao.

Nhìn nhận ở góc độ liên kết vùng, theo ông Lê Anh Tuấn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, thì việc Tập đoàn Hoa Sen sản xuất ở phía Bắc tỉnh Nghệ An và xuất khẩu tại cảng Thanh Hóa đánh dấu sự hiện thực chủ trương liên kết trong phát triển kinh tế vùng Nam Thanh - Bắc Nghệ.

Xuất khẩu 12.000 tấn tôn sản xuất tại Nghệ An đi các nước châu Âu. Ảnh: Nguyên Sơn
Xuất khẩu 12.000 tấn tôn sản xuất tại Nghệ An đi các nước châu Âu. Ảnh: Nguyên Sơn

Lô hàng của Tập đoàn Hoa Sen cùng với nhiều nhà máy lớn trên địa bàn Nghệ An đi vào hoạt động như: Nhà máy Xi măng Sông Lam xuất bán xi măng rời và đóng bao tại Trạm nghiền xi măng Nghi Thiết, Nhà máy may Vinatex Hoàng Mai, Nhà máy chế biến gỗ MDF (Nghĩa Đàn)… đã đưa chỉ số sản xuất công nghiệp trên địa bàn tăng 8,37% so với cùng kỳ, trong đó: công nghiệp khai khoáng tăng 10,19%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 7,77%; công nghiệp sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí tăng 18,25%; cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 14,03% so với cùng kỳ năm ngoái...

Đó là tín hiệu đáng mừng từ nhiều nỗ lực thu hút đầu tư, đốc thúc các dự án đẩy nhanh thi công, sớm đi vào hoạt động.

Cùng với những dự án đã chấp thuận đầu tư, sau Hội nghị gặp mặt các nhà đầu tư vào đầu năm, lãnh đạo tỉnh và các ngành tích cực làm việc với nhiều đối tác, nhà đầu tư tiềm năng như: Tập đoàn Vingroup; Tập đoàn Hemaraj, Tập đoàn FLC…

Cùng đó, công tác hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp được đẩy mạnh trên cơ sở tăng cường cải cách hành chính, nâng cao chất lượng dịch vụ công, hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. UBND tỉnh ban hành chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-CP của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp, Nghị quyết số 19-2017/NQ-CP của Chính phủ về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Hàng tháng, duy trì triển khai giao ban thường xuyên với đại diện các hội doanh nghiệp, doanh nhân để lắng nghe, giải quyết các khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện để các doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả.

Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả kế hoạch xúc tiến đầu tư năm 2017, theo ông Nguyễn Văn Nam - Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư Nghệ An, tỉnh chủ trương đẩy mạnh công tác đối ngoại; tiếp tục củng cố, tăng cường hợp tác với các đối tác truyền thống; xúc tiến thiết lập quan hệ hợp tác với các đối tác mới. Tập trung vào các dự án, đối tác trọng điểm như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Thái Lan...

Tiếp tục các giải pháp vận động tài trợ vốn ODA, thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn ODA gắn với đảm bảo vốn đối ứng cho các dự án ODA. Đẩy mạnh thu hút và nâng cao chất lượng các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Mục tiêu hướng tới đa dạng hóa các hình thức huy động vốn, hình thức đầu tư; đẩy mạnh hợp tác theo hình thức công tư (PPP) và các hình thức đầu tư không sử dụng vốn nhà nước để huy động tối đa nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế - xã hội. Quá trình đó, Trung tâm Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư Nghệ An phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành, thủ trưởng các đơn vị chủ động xâu nối và phục vụ lãnh đạo UBND tỉnh làm việc với các đối tác, các nhà đầu tư đến khảo sát, tìm hiểu về môi trường đầu tư tại Nghệ An.

Công ty CP Xi măng Sông Lam xuất xi măng bao tại Trạm nghiền xi măng Nghi Thiết trong tháng 6/2017. Ảnh: Nguyên Sơn
Công ty CP Xi măng Sông Lam xuất xi măng bao tại Trạm nghiền xi măng Nghi Thiết trong tháng 6/2017. Ảnh: Nguyên Sơn

Trong số 81 dự án cấp mới đầu tư tại Nghệ An, phân loại theo địa bàn: Đầu tư ngoài KKT và các KCN: 70 dự án/5.713,47 tỷ đồng; Đầu tư trong KKT và các KCN: 11 dự án/4.474,43 tỷ đồng; Phân loại theo hình thức đầu tư: Đầu tư trong nước: Cấp mới cho 77 dự án/7.009,58 tỷ đồng; Đầu tư FDI: Cấp mới cho 4 dự án/3.178,32 tỷ đồng.

Tỉnh cũng tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc các dự án. Tổng hợp đến thời điểm này, tổng số dự án thu hồi, chấm dứt hoạt động là 116 dự án, chiếm 31,8% tổng số dự án được kiểm tra từ năm 2012 đến nay.

Nguyên Sơn

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất
x
Công nghiệp Nghệ An tăng trưởng mạnh nhờ thu hút đầu tư
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO