Cuộc chiến khí đốt: Mỹ dồn sức, Nga xoay chuyển

Lâm Vy 20/02/2020 06:41

(Baonghean) - Chính quyền Mỹ được cho là đang áp dụng các chiến thuật ngày càng quyết liệt hơn nhằm cô lập Nga, đặc biệt trong lĩnh vực dầu khí. Trừng phạt “gã khổng lồ” dầu mỏ Rosneft, gây sức ép để trì hoãn dự án “Dòng chảy phương Bắc 2” của Nga... chỉ là hai trong số những biện pháp Washington đang triển khai nhằm “bóp nghẹt” ngành dầu khí của Nga.

Sức ép tối đa!

Ngày 18/2, Mỹ thông báo trừng phạt một công ty con của tập đoàn dầu khí Nga Rosneft với lý do công ty này đang trợ giúp chính quyền của Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro. Công ty thương mại Rosneft SA là đối tượng vừa bị chính quyền Mỹ áp đặt lệnh trừng phạt. Mỹ sẽ phong tỏa tất cả tài sản phía Mỹ nắm giữ của Rosneft SA và của chủ tịch công ty này. Lệnh trừng phạt là bước đi mới nhất trong chuỗi các hành động của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump nhằm ép Tổng thống đương nhiệm của Venezuela là ông Maduro phải rời khỏi nhiệm sở.

Mỹ dồn sức nhằm “bóp nghẹt” ngành khí đốt Nga. Ảnh: Dreamstime
Mỹ dồn sức nhằm “bóp nghẹt” ngành khí đốt Nga. Ảnh: Dreamstime

Việc Mỹ trừng phạt các thực thể của Nga liên quan đến Venezuela không phải chuyện mới. Trước đó nhiều ngân hàng và các cá nhân Nga cũng bị Washington áp đặt trừng phạt vì cáo buộc hỗ trợ chính quyền Maduro. Tuy nhiên, việc nhắm vào tập đoàn dầu khí khổng lồ của Nga lần này được cho là “mũi tên bắn 2 đích” của Washington. Ngoài việc gây sức ép với chính quyền Venezuela, đòn trừng phạt nhắm vào công ty năng lượng Nga rõ ràng nằm trong tổng thể kế hoạch siết chặt “vòng kim cô” nhằm kìm hãm sự phát triển của một ngành được coi như xương sống của Moskva. Nói cách khác, miễn là “có cớ”, Washington sẵn sàng tung đòn trừng phạt vào ngành năng lượng Nga bất cứ khi nào.

Cần phải nhắc lại rằng, dự án “Dòng chảy phương Bắc 2” kết nối năng lượng Nga và các nước châu Âu cũng đang là “cái gai” trong mắt người Mỹ. Đây là một dự án khổng lồ nối từ Nga đến Đức, qua đáy biển Baltic và qua các lãnh thổ của một số quốc gia khác. Dự án đầy tham vọng này hiện cũng đang bị tạm hoãn do các lệnh trừng phạt của Mỹ hồi tháng 12/2019 với lý do “để chống lại ảnh hưởng của Nga và bảo vệ sự toàn vẹn của ngành năng lượng châu Âu”. Dự kiến nếu được hoàn thành dự án này sẽ cung cấp tới 55 tỷ mét khối khí tự nhiên mỗi năm cho các nước châu Âu. Đương nhiên điều này cũng dẫn đến việc các nước mua dầu từ Nga như: Đức, Pháp, Bỉ… sẽ ngày càng gần gũi hơn với Mockva. Ngược lại, kế hoạch bán khí hóa lỏng của Mỹ cho các đồng minh ở bên kia Đại Tây Dương cũng xem như xóa sổ. Vì thế Mỹ đang tìm mọi cách để “Dòng chảy phương Bắc 2” không bao giờ được khơi thông. Ngoài trừng phạt các công ty tham gia dự án, mới đây các quan chức Mỹ đã đề xuất cung cấp tới 1 tỷ USD cho các quốc gia ở Trung và Đông Âu để giúp họ giảm sự phụ thuộc vào dầu khí của Nga.

Dự án “Dòng chảy phương Bắc 2” nối từ Nga đến Đức. Ảnh: Gazprom
Dự án “Dòng chảy phương Bắc 2” nối từ Nga đến Đức. Ảnh: Gazprom

Nhiều khả năng Mỹ sẽ không dừng các biện pháp nhằm “bóp nghẹt” lĩnh vực dầu khí Nga sau khi đã áp dụng hàng loạt hành động liên tiếp. Tháng 12 năm ngoái, Thượng viện Mỹ đã xem xét dự luật mang tên “Đạo luật bảo vệ an ninh Mỹ khỏi sự gây hấn Kremlin” (DASKA). Trong đó đạo luật này sẽ cho phép áp đặt một số biện pháp cứng rắn hơn nữa với ngành dầu khí Nga, trừng phạt những người cung cấp hàng hóa, dịch vụ hoặc tài chính để ủng hộ cho sự phát triển dầu thô tại nước này.

Mỹ đã áp nhiều lệnh trừng phạt kinh tế nhắm vào Nga sau khi nước này sáp nhập bán đảo Crimea và xung đột ở miền đông Ukraine bùng phát năm 2014. Các biện pháp đó đã được luật hóa và mở rộng khi Tổng thống Trump ký Đạo luật chống các đối thủ của Mỹ thông qua trừng phạt (CAATSA) vào năm 2017. Các biện pháp trừng phạt của Mỹ được nhận định không đạt được mục như họ đề ra. Tuy nhiên, các điều khoản trong đạo luật mới DASKA sẽ áp đặt các lệnh trừng phạt lên một mức độ mới. Ví dụ, DASKA yêu cầu các công ty Mỹ rút khỏi bất kỳ dự án năng lượng nào nếu một thực thể Nga nắm giữ chỉ 1 cổ phần. Có gần 150 dự án năng lượng ước tính tại hơn 50 quốc gia sẽ bị ảnh hưởng nếu đạo luật được áp dụng.

Có thể hiểu, mục tiêu của Washington sẽ là gây sức ép tối đa, buộc ngành dầu mỏ vốn chiếm 40% doanh thu của chính quyền Nga phải suy sụp.

Tổng thống Mỹ Donald Trump ký đạo luật Ủy quyền quốc phòng NDAA. Ảnh: Reuters
Tổng thống Mỹ Donald Trump ký đạo luật Ủy quyền quốc phòng NDAA. Ảnh: Reuters

Nga chống đỡ ra sao?

Người Nga có lẽ đã chuẩn bị đối phó với chiến thuật gây sức ép bằng trừng phạt lên ngành dầu mỏ mà Mỹ đã giăng ra kể từ năm 2014 sau sự việc liên quan đến Crimea. Trong lịch sử, Nga đã cố gắng hết sức để che giấu hoặc ngụy trang các ý định chiến lược của mình nhưng ở một mặt trận, Mockva tỏ ra tự tin có đủ sức mạnh để cạnh tranh với Mỹ: đó là Trung Đông. Từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump vạch ra chính sách đối ngoại mới là không tham gia vào các cuộc xung đột ở nước ngoài trừ khi ảnh hưởng trực tiếp với lợi ích của Mỹ và sau đó rút khỏi Syria, Nga đã tăng tốc nhằm gia tăng sự hiện diện về chính trị và kinh tế ở Trung Đông.

Sự hợp tác giữa Nga với các quốc gia Vùng vịnh ngày càng chặt chẽ. Bằng chứng là Công ty Dầu Quốc gia Abu Dhabi (ADNOC) của Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất năm ngoái đã nhất trí bán cổ phần cho dự án khí đốt Lukoil của Nga. Đây là lần đầu tiên 1 công ty Nga được ADNOC nhượng quyền và đây cũng là dự án đầu tiên của Lukoil ở UAE. Ngoài ra, ADNOC cũng cho biết công ty này đã ký kết một thỏa thuận khung chiến lược với Gazprom Neft trong việc hợp tác ngược dòng, xuôi dòng và trong lĩnh vực công nghệ. Giới quan sát cho rằng, những thỏa thuận này, dù lớn đến đâu thì cũng chỉ là một phần nhỏ trong chiến lược của Nga tại khu vực.

Tổng thống Nga Vladiamir Putin thăm Các tiểu Vương quốc Arab thống nhất tháng 10/2019. Ảnh: Khaleej Times

Cách đây một vài năm, Nga đã hoàn tất các kế hoạch phát triển nhằm tăng cường hợp tác với một số nước thành viên trong Diễn đàn Các quốc gia xuất khẩu dầu gồm: Algeria, Ai Cập, Guinea Xích đạo, Iran, Libya, Nigeria, Qatar, Nga, Trinidad & Tobago, UAE và Venezuela. Đặc biệt Mockva tin rằng 3 nước Nga, Iran và Qatar sẽ có thể hình thành một “cartel khí đốt” có khả năng chi phối về giá, kiểm soát đầy đủ nguồn cung và nguồn cầu ở một mức độ nhất định nhằm chi phối đến thị trường dầu khí toàn cầu.

Chưa hết, mới đây, giới chức Nga thông báo trong thời gian tới, các công ty dầu khí của Nga có thể gia tăng gấp ba vốn đầu tư vào các dự án dầu mỏ ở Iraq, lên đạt 20 tỷ USD. Quy mô dự án ở Iraq dĩ nhiên là rất lớn bởi theo đánh giá Iraq có khoảng 149 tỷ thùng dầu dự trữ (chiếm 18% tổng số Trung Đông và 9% tổng số toàn cầu) và hiện là nhà cung cấp dầu lớn thứ hai tại OPEC, sau Arabia Saudi. Từ khi các hành động quân sự của Mỹ ở Iraq làm nhiều người thiệt mạng, nhất là sau vụ tấn công tiêu diệt tướng Soleimani của Iran, ngày càng nhiều chính khách và người Iraq phản đối Mỹ. Đó cũng là một phần lý do khiến Bagdad “chìa tay” với “gấu Nga”.

Ước tính Iraq có khoảng 149 tỷ thùng dầu dự trữ. Ảnh: Arab News

Một nhà bình luận viết trên trang Oil Price rằng: “Nga đang đánh bại Mỹ trong cuộc chơi dầu mỏ ở Trung Đông”. Chưa rõ nhận định này sẽ đúng bao nhiêu nhưng rõ ràng, chiến thuật gây sức ép của Mỹ khó lòng đạt được mục tiêu như kỳ vọng khi Nga cũng nắm trong tay đủ biện pháp để đối phó với các “đòn” từ Washington.

Mới nhất

x
Cuộc chiến khí đốt: Mỹ dồn sức, Nga xoay chuyển
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO