Cuộc chiến Syria thổi bùng Chiến tranh lạnh phiên bản 2.0 giữa Nga và phương Tây?

Thanh Sơn 15/04/2018 20:51

(Baonghean.vn) - Cuộc không kích chớp nhoáng của liên quân Mỹ - Pháp - Anh nhằm vào Syria cuối tuần qua, về bản chất, thể hiện rõ sự leo thang mới trong thế đối đầu Nga - Mỹ.

Liệu có cần một cuộc không kích?

Việc Mỹ cùng Anh và Pháp tấn công Syria hôm 14/4 vì cái cớ trừng phạt việc sử dụng vũ khí hóa học là điều đã được dự báo từ rất sớm. Những tuyên bố của Tổng thống Mỹ Donald Trump và lãnh đạo nhiều nước phương Tây đã đẩy sự kiện tới mức bắt buộc nó phải diễn ra.

Mỹ, Anh, Pháp phóng hơn 100 quả tên lửa vào Syria.
Mỹ, Anh, Pháp phóng hơn 100 quả tên lửa vào Syria. Ảnh: abc7

Vấn đề đáng quan tâm chỉ là mức độ, quy mô của hành động quân sự này ra sao để vừa có tác dụng răn đe với chính quyền Syria và các đồng minh, vừa không để mọi thứ leo thang. Những gì vừa diễn ra đã làm rõ nhận định của các nhà phân tích rằng: chiến dịch quân sự của 3 nước phương Tây thực chất là “phải đánh vì đã nói”, nói cách khác, hành động tấn công sáng 14/4 nhằm vào Syria đã bị đặt vào thế không có đường lùi.

Đánh giá này xuất phát từ việc Mỹ đã thông báo chấm dứt tấn công sau hơn 1 giờ đồng hồ không kích trong cái mà Tổng thống Trump gọi là “một cuộc tấn công chính xác”.

Tuyên bố ngay sau đó của Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian về tái khởi động một tiến trình chính trị "ngay lập tức" nhằm chấm dứt cuộc xung đột hiện nay ở Syria càng củng cố lập luận này.

Rõ ràng, Mỹ và Anh cùng Pháp không muốn một hành động quân sự quá lớn có thể tạo ra một khúc rẽ nguy hiểm cho tình hình tại Syria, qua đó cũng là tạo thêm cớ để những “người chơi chính” vốn đã hiện diện tại đây là Nga và Iran nhập cuộc.

Lợi ích đan xen, thế giằng co tại khu vực địa chiến lược khiến tất cả các bên đều phải hết sức thận trọng trong mỗi hành động của mình để đảm bảo các lợi ích quốc gia và giữ cho mình trong ngưỡng an toàn phù hợp.

Vụ tấn công của Mỹ và Anh cùng Pháp nhằm vào Syria với lý do đáp trả cuộc tấn công mà phương Tây nghi là sử dụng vũ khí hóa học của chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad nhằm vào dân thường là hành động đi ngược lại với những quy tắc, chuẩn mực của cộng đồng quốc tế.

Cái cớ mà Mỹ bao biện cho hành động của mình chỉ là sự ngụy biện bởi cho tới nay, vụ tấn công nghi sử dụng vũ khí hóa học tại thị trấn Douma, vốn là thành trì của phe đối lập ở Đông Ghouta một tuần trước vẫn chưa được xác minh.

Các địa điểm của Syria bị Mỹ, Anh, Pháp tấn công bằng tên lửa. Ảnh: Vox
Các địa điểm của Syria bị Mỹ, Anh, Pháp tấn công bằng tên lửa. Ảnh: Vox

Thậm chí các chuyên gia Tổ chức Cấm vũ khí hóa học được cử tới làm rõ vụ việc còn chưa đặt chân tới Douma. Phía Nga cũng mới đưa ra các bằng chứng về khả năng đã có những thế lực “ngụy tạo” vụ tấn công này hòng đổ tội cho chính quyền Syria.

Khả năng này không phải là không có cơ sở, bởi vụ tấn công nghi sử dụng vũ khí hóa học này được các nhóm đối địch với chính quyền Damascus đưa ra trong bối cảnh quân đội Syria hầu như đã kiểm soát hoàn toàn khu vực Đông Ghouta và Douma, chỉ còn truy quét một nhóm nhỏ các tay súng đối lập cuối cùng cố thủ tại đây.

Lằn ranh mong manh

Rõ ràng, Mỹ và các đồng minh có nhiều động lực để tấn công Syria khi mà thế đối đầu với Nga đang được đẩy lên cao trào. Sự hiện diện của Nga tại Syria khiến cho mọi kế hoạch của Mỹ tại đây đều chưa thành tới thời điểm này.

Không quan Nga ở căn cứ Hmeymim, Syria. Ảnh: Reuters
Không quân Nga ở căn cứ Hmeymim, Syria. Ảnh: Reuters

Việc Moscow hỗ trợ chính quyền Damacus trong cuộc chiến chống Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng cũng như đẩy lùi các nhóm nổi dậy là điều không thể chấp nhận với phương Tây vào lúc này.

Viễn cảnh các nhóm nổi dậy đánh mất hầu hết các diện tích lãnh thổ, thậm chí bị cô lập là điều mà Mỹ và đồng minh không muốn thấy, bởi nó đánh dấu sự thất bại chính sách của phương Tây tại quốc gia Trung Đông này.

Chính sự hiện diện quân sự của Nga tại đây, cùng với các hoạt động hỗ trợ chính phủ Syria chiến đấu chống phe nổi dậy và khủng bố là vấn đề. Nó khiến Mỹ không thể mạnh tay ngay cả trong các hành động can thiệp quân sự. Điều này đã được kiểm chứng trong cuộc không kích vừa qua.

Trong một tuyên bố sau khi cuộc tấn công được khai hỏa, Tổng thư ký Liên hợp quốc António Guterres cho rằng không khí của Chiến tranh Lạnh đã trở lại với một màn báo thù.

Sự đối đầu giữa Nga và Mỹ khởi đầu từ năm 2014 và ngày càng trầm trọng hơn kể từ đó, lên đến cực điểm với cuộc tấn công do Mỹ dẫn đầu ngày 14/4 vừa qua. Chính quyền Donald Trump tiếp tục đổ lỗi cho chính phủ Syria và đồng minh Nga đã gây ra thảm họa và vì thế, Mỹ bảo lưu hành động can thiệp nếu cảm thấy cần thiết, bất chấp việc có thể đụng độ Nga ngay trên chiến trường Syria.

Còn Tổng thống Nga Vladimir Putin gọi đây là sự vi phạm tất cả các chuẩn mực quốc tế. Moscow coi mục đích cuộc tấn công Syria là nhằm hủy hoại những nỗ lực của Nga giúp đỡ quốc gia Trung Đông này, và qua đó bắt Nga phải "khuất phục".

Liệu Nga và phương Tây đang bước vào cuộc Chiến tranh lạnh phiên bản 2.0. Ảnh: Reuters
Liệu Nga và phương Tây đang bước vào cuộc Chiến tranh lạnh phiên bản 2.0. Ảnh: Reuters

Và cuộc đối đầu này lần đầu tiên chạm tới điểm nguy hiểm - khoảnh khắc "khủng hoảng tên lửa" cận kề. Và nếu chỉ một tính toán sai lầm hay trục trặc kỹ thuật, mọi sự có thể đẩy đi rất xa so với những gì diễn ra hôm thứ Bảy (14/4). Cách thức mà Mỹ chọn để xử lý vấn đề ở Syria rõ ràng tạo ra nguy cơ va chạm quân sự trực tiếp giữa lực lượng Nga - Mỹ ở mức rất cao. Điều này là đáng lo ngại với thế giới.

Khi mà Nga đang bị phương Tây, do Mỹ dẫn đầu siết chặt vòng vây cấm vận và cô lập. Điều này cho thấy một cuộc đối đầu toàn diện. Và còn dễ nhận ra phiên bản 2.0 của Chiến tranh Lạnh giữa Washington và Moscow khác xa với bản gốc ở chỗ, không còn sự đối xứng, cân bằng hay tôn trọng giữa các bên. Điều này tạo ra cảm giác rằng cả hai bên rất dễ để mọi việc vượt quá giới hạn, và không thể trở lại với trạng thái ban đầu.

Cuộc xung đột tại Syria, và cụ thể hơn là trận không kích do Mỹ dẫn đầu vừa qua chưa phải là phiên bản trực tiếp nhất của sự đối đầu Nga- Mỹ. Nhưng không ai dám chắc rằng, lằn ranh đó không sớm bị vượt qua khi hai bên đã cạn kiệt các lựa chọn nhằm chống lại nhau.


Mới nhất

x
Cuộc chiến Syria thổi bùng Chiến tranh lạnh phiên bản 2.0 giữa Nga và phương Tây?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO