Cuộc chiến 'toàn lực' giữa Nga - phương Tây

Đinh Nam 11/09/2022 08:06

Mỹ đang cổ vũ Ukraine phản công; NATO kêu gọi “bơm” vũ khí nhiều hơn nữa cho chính quyền Kiev; EU tìm cách gia tăng trừng phạt lên Nga trên nhiều lĩnh vực. Tuy nhiên, một cuộc tấn công toàn diện của phương Tây chắc chắn sẽ gặp phải sự đáp trả mạnh mẽ từ Nga.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin hôm qua (9/9) lên tiếng cổ vũ những thắng lợi trên chiến trường sau khi Ukraine tuyên bố đã đạt được tiến bộ trong các cuộc phản công ở phía Nam và phía Đông, giành lại quyền kiểm soát nhiều khu vực.

Một cuộc tấn công toàn diện của phương Tây chắc chắn sẽ gặp phải sự đáp trả mạnh mẽ từ Nga. Ảnh: Reuters

“Hệ thống tên lửa HIMARS mà Mỹ cung cấp đã cho phép Ukraine thực hiện các cuộc phản công bên trong đất nước. Các loại vũ khí đang thay đổi tình hình. Chúng ta đã thấy một số tiến bộ tại Kherson và Kharkov. Đó là điều rất đáng khích lệ”.

Phía Nga xác nhận, giao tranh ác liệt đã xảy ra khi Ukraine mở các cuộc tấn công nhằm vào lực lượng Nga; song tuyên bố phía Ukraine đã chịu tổn thất lớn. Cuộc phản công của Ukraine tại Kherson đã không thành công.

Trước diễn biến chiến trường Ukraine, Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết, Ukraine đang chuẩn bị bước vào một mùa Đông khó khăn và các nước phương Tây cần tiếp tục duy trì sự hỗ trợ quân sự cho nước này, từ quân phục mùa Đông, lều trại, máy phát điện… cho tới vũ khí, đạn dược. NATO thúc giục Ukraine tiếp tục chiến đấu chống lại Nga, bất chấp việc Nga liên tục cảnh báo người Ukraine rằng phương Tây đang sử dụng họ như một tiền đồn trong trận chiến chống lại Moscow. Xung đột Nga - Ukraine đang tăng nhiệt, phương Tây liên tục tìm cách mở rộng trừng phạt hơn nữa lên Nga.

Hôm qua, Hội đồng Liên minh châu Âu đã thông qua quyết định đình chỉ thỏa thuận thị thực ký với Nga năm 2007 từ ngày 12/9 tới. Thỏa thuận này vốn cung cấp đặc quyền cho công dân của các nước đối tác đáng tin cậy của EU đến châu Âu một cách dễ dàng. Với quyết định này, việc di chuyển đến châu Âu của công dân Nga trở nên khó khăn và tốn kém hơn. Cùng ngày, trong cuộc họp khẩn, Bộ trưởng Năng lượng các nước Liên minh châu Âu (EU) tiến hành xem xét đề xuất áp giá trần khí đốt của Nga. Tuy nhiên, EU đã có sự chia rẽ sâu sắc khi có khoảng 10 nước thành viên công khai phản đối đề xuất này.

Đức cho rằng việc áp trần giá khí đốt Nga có thể sẽ kích hoạt sự trả đũa của Nga dưới hình thức cắt hoàn toàn khí đốt đối với EU. Đây là kịch bản mà Đức lo ngại sẽ đặc biệt ảnh hưởng đến các nước Trung Âu như Cộng hoà Séc, Slovakia và Romania. Áo và Hungary cũng cho rằng việc áp giá trần đối với khí đốt Nga sẽ đi ngược lại với lợi ích của 2 nước.

Bộ trưởng năng lượng Áo Leonore Gewessler nói: “Tôi biết đề xuất về giá trần khí đốt, nhưng tôi không rõ khi triển khai có đảm bảo an ninh về nguồn cung khí đốt cho chúng tôi hay không. Có một thực tế là chúng tôi đã cố gắng giảm sự phụ thuộc khí đốt vào Nga từ 80% xuống còn 50% nhưng chúng tôi vẫn bị phụ thuộc. Chính vì thế, đây không phải là đề xuất mà chúng tôi có thể hỗ trợ vào lúc này”.

Đáp lại những tính toán của EU, Nga tuyên bố sẽ trả đũa trong vấn đề thị thực, đồng thời cảnh báo về hậu quả nghiêm trọng nếu EU quyết định áp giá trần với các sản phẩm năng lượng của Nga. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga, Maria Zakharova cho rằng, phương Tây không hiểu rõ nước cờ của họ sẽ ảnh hưởng thế nào đến chính quốc gia của họ trong tương lai.

“Phương Tây sẽ bị trượt chân ngay tại chỗ đứng của mình” - Tổng thống Nga Vladimir Putin trước đó cũng cảnh báo Nga sẽ ngừng cung cấp tất cả các sản phẩm năng lượng cho châu Âu nếu EU và các đồng minh phương Tây áp đặt giá trần đối với dầu mỏ và khí đốt tự nhiên của Nga./.

Nga cáo buộc phương Tây đe dọa toàn thế giới

07/09/2022

Theo Vov.vn
Copy Link

Mới nhất

x
Cuộc chiến 'toàn lực' giữa Nga - phương Tây
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO