NHỮNG CÔNG TRÌNH CỦA LÒNG DÂN
Vượt quãng đường hơn 800 km, chúng tôi - những người con quê Bác có mặt tại tỉnh Gia Lai trong những ngày cuối tháng 3 đượm nắng. Đi qua trung tâm thành phố Pleiku, nơi có Quảng trường Đại đoàn kết với nét đặc trưng nổi bật hiếm có khi đã được Tổ chức Guinness Việt Nam công nhận là quảng trường có “Tượng Bác Hồ bằng đồng lớn nhất”, xúc cảm của những người con Nghệ An như vỡ òa.
Sau hơn 10 năm hoàn thành và đưa vào sử dụng, Quảng trường Đại đoàn kết cùng tượng đài “Bác Hồ với các dân tộc Tây Nguyên” đã trở thành địa điểm không thể bỏ qua với bất kỳ ai khi đặt chân đến với mảnh đất Pleiku đầy nắng gió.
Vượt lên ý nghĩa về mặt kiến trúc, đây đã trở thành “địa chỉ đỏ” chứng kiến nhiều sự kiện mang tầm vóc văn hóa, lịch sử của mảnh đất Tây Nguyên; cũng là công trình thể hiện lòng kính trọng, biết ơn của đồng bào nơi đây đối với Bác Hồ kính yêu.
Phải chăng vì tình cảm đặc biệt ấy mà công trình Quảng trường Đại đoàn kết cũng sở hữu nhiều kỷ lục hết sức đặc biệt? Sau khi hoàn thành và đưa vào sử dụng, tổ chức Guinness Việt Nam công nhận đây là quảng trường có “Tượng Bác Hồ bằng đồng lớn nhất” theo công nghệ gò ép hiện đại (cao 10,8m); “Bộ cồng chiêng lớn nhất”; “Bức phù điêu bằng đá lớn nhất” (diện tích 600m2). Bộ Xây dựng công nhận công trình đạt Huy chương Vàng về chất lượng; Ban Tuyên giáo Trung ương công nhận Quảng trường đạt giải A về công trình “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”…
Thấu hiểu những giá trị đó, ngày 17/3/2023, UBND tỉnh Gia Lai đã công bố Quyết định và trao Bằng xếp hạng Di tích cấp tỉnh danh lam, thắng cảnh cho Quảng trường Đại đoàn kết (thành phố Pleiku). Đây là dấu mốc quan trọng để thêm phần khẳng định vai trò, ý nghĩa của công trình đặc biệt này.
Một nét đặc biệt khác giữ chân biết bao du khách khi về đây chính là bức thư “Bác Hồ gửi Đại hội các dân tộc thiểu số miền Nam” năm 1946, được tạc trên tảng đá nặng hơn 100 tấn. Lời thư khắc vào đá ngắn gọn nhưng đong đầy tình cảm yêu thương, sự quan tâm sâu sắc của Người đối với đồng bào các dân tộc thiểu số miền Nam và Tây Nguyên.
Tư tưởng bao trùm nội dung thư mà Bác gửi gắm chính là tinh thần đoàn kết các dân tộc trong cả nước: “Đồng bào Kinh hay Thổ, Mường hay Mán, Gia Rai hay Ê Đê, Xê Đăng hay Ba Na và các dân tộc thiểu số khác, đều là con cháu Việt Nam, đều là anh em ruột thịt. Chúng ta sống chết có nhau, sướng khổ cùng nhau, no đói giúp nhau”. Từng đoạn, từng câu chữ của Bác luôn đề cập đến vấn đề đoàn kết các dân tộc để chống âm mưu chia rẽ của kẻ thù. Những từ “ta”, “chúng ta” được Bác lặp đi, lặp lại nhiều lần như để khẳng định và nhấn mạnh một cái “chung”, một chân lý đoàn kết làm nên sức mạnh.
Khắc ghi lời dạy của Bác, người dân Tây Nguyên luôn đoàn kết một lòng, lấy Bác làm điểm tựa tinh thần để cùng nhau vượt qua mọi khó khăn, gian khổ. Tinh thần đoàn kết ấy đã góp phần quan trọng để từng bước xây dựng mảnh đất Tây Nguyên ngày càng giàu mạnh.
Ngoài các công trình ý nghĩa trên, tỉnh Gia Lai còn là nơi duy nhất ở Tây Nguyên lưu giữ những giá trị tư tưởng của Người thông qua những hình ảnh, tài liệu, hiện vật, được người dân phố núi gọi với một cái tên thân mật, trìu mến, gắn bó với tuổi thơ, ký ức của bao thế hệ: “Nhà lưu niệm Bác” - nay có tên gọi là Bảo tàng Hồ Chí Minh, nằm trong Bảo tàng tỉnh Gia Lai, được đưa vào sử dụng từ năm 1984.
Nhìn từ xa, Bảo tàng mang dáng dấp của ngôi nhà rông. Đây là kiến trúc đặc trưng của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên. Nội dung trưng bày của bảo tàng theo 8 chủ đề, giới thiệu về quê hương, gia đình, sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tình cảm của Chủ tịch Hồ Chí Minh với đồng bào các dân tộc Tây Nguyên một cách chỉnh thể, toàn vẹn.
Bảo tàng còn trưng bày một số hình ảnh, hiện vật độc đáo khắc họa sâu sắc tình cảm của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên nói chung, tỉnh Gia Lai nói riêng với Bác Hồ. Đó là niềm mong nhớ, kính trọng và biết ơn về người lãnh tụ đã hết lòng vì nước, vì dân. Sự kết hợp độc đáo này giúp Bảo tàng Hồ Chí Minh trên đất Tây Nguyên vừa mang những nét chung của hệ thống bảo tàng về Bác Hồ trên toàn quốc, lại vừa có những nét đặc sắc của riêng mình.
THẮP SÁNG TÌNH YÊU VỚI BÁC TRONG NHỊP SỐNG ĐỜI THƯỜNG
Vào mỗi sớm mai lộng gió tại phố núi Pleiku, du khách thường tản bộ đến Quảng trường Đại đoàn kết và quần thể các công trình nơi đây để cảm nhận khung cảnh bình yên, dung dị mà tràn đầy nhựa sống.
Giữa khung cảnh thanh bình ấy, những công nhân lao động nơi đây ngày ngày lặng lẽ tỉa từng cành cây, chăm sóc từng gốc hoa, luống cỏ. Đó quả thực là một công việc chẳng hề đơn giản khi quần thể các công trình có tổng diện tích rộng trên 12 ha, có trên 2.000 cây xanh và hơn 23.000m2 gồm 205 ô cỏ. Đội ngũ công nhân lao động hơn 30 người không chỉ vệ sinh, chăm sóc cây xanh mà còn phải thực hiện trang trí các bồn, chậu phù hợp với cảnh quan khu vực, đặc biệt, vào các dịp lễ, tết; cắt tỉa, chống gãy đổ cây khi mưa bão về.
" Đã gần 7 năm, kể từ khi gắn bó với công việc này, bản thân tôi đã chứng kiến sự cẩn thận, chỉn chu của đội ngũ công nhân lao động nơi đây. Dù trời mưa hay nắng, họ vẫn luôn đảm bảo tiến độ công việc một cách trách nhiệm nhất.
Vượt lên ý nghĩa mưu sinh, việc được góp một chút nhỏ sức mình để làm đẹp và đảm bảo sự yên bình cho công trình ý nghĩa này quả thực vinh dự và tự hào đối với bản thân mỗi người".
Suốt mấy chục năm qua, quần thể công trình Quảng trường Đại đoàn kết - Bảo tàng Hồ Chí Minh đã đón hàng triệu lượt khách và đồng bào các dân tộc Tây Nguyên đến viếng và tham quan, tìm hiểu về cuộc đời hoạt động cách mạng của Người. Đây cũng là “địa chỉ đỏ” để giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ; nơi các cơ quan, đơn vị Quân đội, Công an, các đoàn thể hàng năm đến viếng và báo công với Bác trong các ngày lễ lớn; nơi Đoàn Thanh niên, các cháu thiếu niên, nhi đồng, học sinh trên địa bàn đến làm lễ kết nạp Đoàn, Đội…
Với khuôn viên vô cùng lớn, ngập tràn cây xanh, nơi đây đã trở thành điểm đến yêu thích của người dân. Ngồi nghỉ chân dưới tán cây mát rượi, ông Đặng Văn Minh (SN 1953) kết thúc 40 phút chạy bộ của mình tại Quảng trường. Khi thấy những vị khách phương xa đến từ quê Bác, không giấu được niềm vui, ông chia sẻ, hằng ngày, ông cùng các thành viên trong gia đình vẫn thường tới đây dạo chơi, hóng mát và tập thể dục. Mỗi khi nhìn thấy tượng Bác, các cháu nội - ngoại lại mang nhiều câu hỏi về Người. Sau mỗi câu hỏi đó, ông lại kể lại cho con, cháu nghe những câu chuyện xúc động về Bác. Từ đó, thắp lên tình yêu nước trong lòng các cháu ngay từ chập chững những bước đi đầu tiên.
Giữa buổi chiều lộng gió, bài hát “Bác Hồ sống mãi với Tây Nguyên” vang vọng, thiết tha: “Lớp lớp điệp trùng bước theo Người/ Ánh mặt trời vinh quang muôn năm ngời sáng/ Trên đường thắng lợi đời đời có Bác Hồ/ Người sống mãi cùng ta đi/ Người sống mãi cùng Tây Nguyên”…