Phà Chiếng là bản biên giới thuộc xã Mỹ Lý, huyện Kỳ Sơn. Chỉ nằm cách trung tâm xã khoảng 15 km, tuy nhiên do đường đi dốc đứng, hiểm trở, nên để đến được bản Phà Chiếng phải đi mất gần 2 giờ đồng hồ. Đây là nơi sinh sống của 53 hộ dân đồng bào Mông. Hàng chục năm qua ngôi làng này vẫn chưa có điện lưới quốc gia.
Điều kiện sống của bà con nơi đây vô cùng vất vả. Tất cả những sinh hoạt vào ban đêm phụ thuộc hoàn toàn vào đèn dầu hoặc đèn pin treo trên đầu. Trong số 53 hộ dân chỉ có 3 hộ có điều kiện mua được đèn sử dụng năng lượng mặt trời.
Thế nhưng với địa hình của bản "cao ngang mây", quanh năm sương mù bao phủ, số ngày nắng ít ỏi, thì việc tích điện của loại đèn này cũng hạn chế. Do đó, đèn năng lượng mặt trời chỉ phát sáng được vài tiếng đồng hồ, bà con phải tranh thủ làm mọi việc trong đêm trước khi đèn tắt.
Nếu như xã Mỹ Lý cách xa thị trấn Mường Xén trên 50km thì ngay tại xã Tà Cạ, nằm ở trung tâm huyện Kỳ Sơn hiện vẫn còn 3 bản chưa có điện lưới quốc gia bao gồm: Sa Vang, Na Nhu, Nhãn Lỳ. Do đó, hơn 200 hộ dân nơi đây phải chật vật tìm kiếm nguồn điện thay thế. Hầu hết bà con đều là hộ nghèo, hộ cận nghèo, kinh tế bấp bênh. Một trong những nguyên nhân cũng do chưa có nguồn điện lưới.
Bà Lư Mẹt Phuôn, bản Na Nhu, xã Tà Cạ cho biết: "Ta năm nay đã hơn 60 tuổi rồi nhưng chưa bao giờ được sử dụng điện lưới. Con cháu trong nhà phải lắp tuabin tận dụng nước ở khe suối để lấy điện thắp sáng. Điện ni yếu lắm, thắp được vài bóng đèn với sạc cái điện thoại được thôi...".
Một trong những băn khoăn lớn nhất của bà con Khơ Mú nơi đây là trên địa bàn có 3 nhà thuỷ điện hoạt động tuy nhiên đến nay bà con sống cạnh nhà máy điện lại chưa có điện để sử dụng.
Theo thống kê của Điện lực Kỳ Sơn, đến nay, toàn huyện đã cấp điện được 124/193 bản, còn 69 bản chưa có điện lưới. Đây chủ yếu là các bản vùng biên, nằm ở vị trí xa, đường đi hiểm trở.
Ông Nguyễn Minh Hồng - Giám đốc Điện lực Kỳ Sơn cho biết: Việc phủ kín lưới điện luôn là quyết tâm hàng đầu của đơn vị, mặc dù vậy thực tế hiện nay, việc đưa điện về các bản làng gặp rất nhiều khó khăn. Kỳ Sơn có địa hình dốc đứng, hiểm trở, đường giao thông mới chỉ đến trung tâm xã, đi các bản vẫn còn gian truân, chưa kể thời tiết mưa lũ thường xuyên xảy ra. Đặc biệt, khó khăn thường gặp nhất hiện nay là có những bản làng đường điện buộc phải đi qua những khu rừng phòng hộ, nhưng không thể giải toả, đốn cây để có thể dựng cột điện hay kéo đường dây trên những cánh rừng này. Điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ đưa điện lưới về các bản làng. Mặc dù vậy, đơn vị cũng sẽ nỗ lực để phủ kín điện lưới tại 69 bản này theo đúng lộ trình giai đoạn 2020 - 2025.