Đại biểu Quốc hội: Tòa tuyên thu hồi 600 tỉ, phát hiện chỉ còn 5 tỉ

09/11/2017 19:38

(Baonghean.vn)- Tham gia thảo luận về Dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi), đại biểu Hoàng Thị Thu Trang cho rằng thu hồi tài sản tham nhũng gặp khó, nhiều vụ thực sự bế tắc.

Ngày 9/11, trong phiên thảo luận tại tổ 18 (gồm đoàn đại biểu các tỉnh: Nghệ An, Bắc Ninh, Trà Vinh), dưới sự chủ trì của đại biểu Nguyễn Đắc Vinh - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An, các đại biểu đã thảo luận Dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi). Đa số các đại biểu tập trung thảo luận về đối tượng và nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập; Bên cạnh đó, các đại biểu cũng băn khoăn việc thu biên tài sản tham nhũng chỉ là một con số rất khiêm tốn so với số tài sản tham nhũng.

Đại biểu Trần Văn Mão - Phó trưởng đoàn ĐBQH Nghệ An cho rằng: Về đối tượng kê khai tài sản, thu nhập (Điều 41), việc kê khai tài sản, thu nhập thời gian qua còn hình thức, hiệu quả thấp, chưa kiểm soát được tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn. Nguyên nhân chính của tình trạng này là do số người có nghĩa vụ kê khai tài sản, thu nhập quá lớn, vượt quá khả năng của các cơ quan có trách nhiệm kiểm soát việc kê khai tài sản, thu nhập. Do vậy, việc mở rộng đối tượng kê khai cũng phải cân nhắc để đảm bảo tính khả thi, đặc biệt là đối với những đối tượng được bổ nhiệm vào ngạch công chức.

Do đó, đề nghị trước mắt nên giữ nguyên đối tượng kê khai tài sản, thu nhập hoặc thu hẹp ở mức độ hợp lý, tập trung vào các đối tượng giữ vị trí quan trọng ở trung ương, địa phương, những khu vực nguy cơ tham nhũng cao.

Đại biểu Hoàng Thị Thu Trang tham gia ý kiến tại phiên thảo luận tại hội trường ngày 12/6/2017. Ảnh: Huyền Thương
Đại biểu Hoàng Thị Thu Trang trong một lần tham gia thảo luận tại hội trường. Ảnh tư liệu

Đại biểu Hoàng Thị Thu Trang - Cục trưởng Cục Thi hành án Nghệ An cho rằng trong Dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) có hai quy định tính khả thi không cao, cần xem xét lại tránh hình thức. Tại Khoản 1 Điều 36 người có chức vụ, quyền hạn phải thanh toán và nhận thanh toán qua tài khoản mọi chi có giá trị từ 20 triệu đồng trở lên. Trong khi đó người có chức vụ đi mua thì người bán không biết người đó có chức vụ, do đó không thể yêu cầu thanh toán qua tài khoản, hoặc nhờ người thân đi mua. Như vậy, quy định này đúng nhưng thực tế không thực hiện được. Đề nghị nghiên cứu có cách quy định khác, nếu không sẽ hình thức.

Xử vụ Vinashinlines: Đề nghị tử hình Giang Kim Đạt
Xử vụ Vinashinlines, bị cáo Giang Kim Đạt bị đề nghị tử hình. Ảnh tư liệu.

Việc thu hồi tài sản tham nhũng, đây là bế tắc cho cơ quan thi hành án dân sự. Bản án tòa tuyên thu hồi rất lớn nhưng khi cơ quan thi hành án đi thu hồi thì không có. Ví dụ như qua các đại án vừa rồi như vụ ông Phạm Thanh Bình của vụ Vinashin, tòa tuyên thu hồi 600 tỉ thì chỉ phát hiện chỉ có 5 tỉ. Số còn lại cơ quan thi hành án đưa vào diện chưa có điều kiện thi hành án.

Trong thực tế thì người thi hành án đã đi tù, vậy thì để có điều kiện để thu hồi 595 tỷ đó là điều rất khó. Nhiều cử tri và dư luận mong muốn chúng ta có quy định hết sức đặc thù về kê biên thu hồi tài sản tham nhũng. Dự thảo lần này tôi thấy chưa có biện pháp đặc thù. Qua báo cáo của Thanh tra chính phủ trong 10 năm thi hành Luật phòng chống tham nhũng, số tiền thiệt hại 59 nghìn tỷ, nhưng thực tế thu hơn 4 nghìn tỷ, số còn lại 55 nghìn tỷ không thu hồi được.

PV-CTV

TIN LIÊN QUAN

Đại biểu Quốc hội: Tòa tuyên thu hồi 600 tỉ, phát hiện chỉ còn 5 tỉ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO