Đi xe không chính chủ phạt đến 8 triệu đồng
Đây là một trong những nội dung trong Nghị định 100/2019/NĐ-CP về xử phạt hành chính các hành vi vi phạm quy định giao thông đường bộ và đường sắt, có hiệu lực từ 01/01/2020.
Hình tư liệu minh họa. |
Theo quy định điểm a, khoản 4 và điểm l khoản 7 Điều 30 Nghị định 100/2019/NĐ-CP thì: “4. Phạt tiền từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng đối với cá nhân, từ 800.000 đồng đến 1.200.000 đồng đối với tổ chức là chủ xe mô tô, xe gắn máy và các loại xe tương tự xe mô tô thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:
a) Không làm thủ tục đăng ký sang tên xe (để chuyển tên chủ xe trong Giấy đăng ký xe sang tên của mình) theo quy định khi mua, được cho, được tặng, được phân bổ, được điều chuyển, được thừa kế tài sản là xe mô tô, xe gắn máy, các loại xe tương tự xe mô tô”
“7. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 4.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với tổ chức là chủ xe ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng và các loại xe tương tự xe ô tô thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:
l) Không làm thủ tục đăng ký sang tên xe (để chuyển tên chủ xe trong Giấy đăng ký xe sang tên của mình) theo quy định khi mua, được cho, được tặng, được phân bổ, được điều chuyển, được thừa kế tài sản là xe ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng, các loại xe tương tự xe ô tô;”
Trước đây, Nghị định 46/2016/NĐ-CP chỉ xử phạt hành vi trên ở mức 1.000.000 – 2.000.000 đồng và 2.000.000 đồng – 4.000.000 nếu chủ xe ô tô là cá nhân hoặc tổ chức; xử phạt 100.000 đồng – 200.000 đồng và 200.000 đồng – 400.000 đồng nếu chủ xe máy là cá nhân hoặc tổ chức.
Như vậy, theo quy định trên, kể từ ngày 01/01/2020 nếu chủ phương tiện mô tô, ô tô và các loại xe tương tự khi có phát sinh giao dịch như mua bán, tặng cho, được phân bổ, được điều chuyển, được thừa kế tài sản mà không thực hiện việc đăng ký sang tên xe thì sẽ bị phạt tiền theo các mức tại Nghị định 100/2019/NĐ-CP.
Cụ thể, đối với chủ xe mô tô, xe gắn máy, mức phạt tối đa lên đến 600.000 đồng nếu là cá nhân, 1.200.000 đồng nếu là tổ chức, đặc biệt, đối với chủ xe ô tô, mức phạt tối đa này sẽ lên đến 4.000.000 đồng nếu là cá nhân, 8.000.000 đồng nếu là tổ chức.
Điều khiển ô tô chưa sang tên đổi chủ sau khi mua bán sẽ bị phạt đến 8 triệu đồng. Ảnh minh họa |
Trong các trường hợp chuyển quyền sở hữu mà không thực hiện thủ tục đăng ký thì sẽ không thực hiện nghĩa vụ nộp thuế với nhà nước, đồng thời gây khó khăn cho việc quản lý phương tiện giao thông. Chính vì thế Luật giao thông đường bộ quy định đây là hành vi vi phạm và bị phạt theo Nghị định 100.
Nếu phương tiện giao thông là của người thân trong gia đình, thậm chí của bạn bè mà người khác mượn, tham gia giao thông (khi chứng minh được) thì sẽ không bị xử phạt.
Nhiều ý kiến phân tích cho rằng quy định phạt xe không sang tên này chỉ áp dụng với hành vi không sang tên khi đã có hợp đồng mua bán, chuyển nhượng, tặng cho, thừa kế... chứ không phạt với hành vi cho mượn, chuyển quyền sử dụng nhưng không chuyển quyền sở hữu. Khi chuyển quyền sử dụng (cho mượn) thì những trách nhiệm về mặt dân sự vẫn thuộc về chủ xe cơ giới.