(Baonghean) Nếu ai có dịp đi qua Quốc lộ 48, đoạn qua xóm 10, xã Nghĩa Mỹ, Thị xã Thái Hòa sẽ thấy một nghĩa trang liệt sỹ nằm rất khiêm tốn trên ngọn đồi nhỏ. Nơi đây là chốn yên nghỉ của 112 cán bộ, chiến sỹ, thanh niên xung phong, công nhân giao thông đã chiến đấu, phục vụ chiến đấu và anh dũng hy sinh trên tuyến đường huyết mạch 15A ở vùng miền núi phía Tây Bắc Nghệ An.
Trong giai đoạn chiến đấu chống chiến tranh phá hoại Miền Bắc của đế quốc Mỹ vào giữa những năm 60 đầu 70 của thế kỷ trước, những cung đường, những địa danh như: Dốc Bò Lăn, Ngã Ba Đồng Lào, Dốc Lụi, Khe Tọ... trên Quốc lộ 15A và nhiều nơi ở núi đồi miền Tây Bắc Nghệ An đã trở thành mục tiêu bắn phá của không quân địch. Giặc Mỹ âm mưu biến vùng Phủ Quỳ trở thành “sa mạc đỏ”. Trong những trận đánh ấy, có rất nhiều người đã bị thương và hi sinh ngay trên hậu phương đánh Mỹ.
Xóm 1 xã Nghĩa Mỹ là nơi sơ tán và đứng chân của Bệnh viện Hữu Nghị, nay là Bệnh viện Đa khoa khu vực Tây Bắc Nghệ An, ngoài nhiệm vụ chăm sóc sức khoẻ cho nhân dân ở vùng Phủ Quỳ, đơn vị còn làm nhiệm vụ cứu chữa thương, bệnh binh ở nhiều nơi khác chuyển đến. Có rất nhiều đồng chí bị thương rất nặng nên đã hy sinh tại bệnh viện. Do đó, một vùng đồi ở xóm 1, xã Nghĩa Mỹ, Thị xã Thái Hòa đã hình thành nghĩa trang an táng nhiều liệt sỹ.
Ông Đồng Quang Trưng - năm nay đã 83 tuổi, nguyên Phó Giám đốc bệnh viện Đa khoa khu vực Tây Bắc Nghệ An, xúc động nhớ lại: “Năm 1971, có nhiều thương binh được đưa từ vùng Phủ Quỳ, Thanh Hóa vào, thậm chí ở trong Nam cũng đưa ra đây, nhiều người bị thương nặng lắm. Tôi nhớ nhất có một anh bộ đội bị thương ở đùi được đưa từ vùng Quảng Nam ra. Đường sá xa xôi nên đến đây thì động mạch đùi đã bị mục, không thể nào cứu được. Đến giờ tôi vẫn thấy day dứt vì với điều kiện lúc bấy giờ đã không thể cứu được đồng chí ấy”.
Hòa bình lập lại, nhưng do hoàn cảnh lịch sử nên mãi đến năm 1995, chính quyền và nhân dân huyện Nghĩa Đàn (cũ) cùng các ban ngành và xã Nghĩa Mỹ mới tiến hành cất bốc quy tập để các anh, các chị có được một nơi an nghỉ cao ráo, khang trang hơn. Nhưng khi làm công tác cất bốc mới phát hiện ra do công tác bảo quản sổ quản trang không cẩn thận nên phần lớn các ngôi mộ đã bị mất tên tuổi, địa chỉ.
Chúng tôi tìm đến người trực tiếp chỉ huy việc cất bốc năm 1995. Vì sự biết ơn các đồng đội đã hy sinh và trách nhiệm của người còn sống, ông đã tự mình tập hợp được số hiệu của hơn 20 ngôi mộ và vẽ lại sơ đồ của nghĩa trang mới. Điều này mở ra đôi chút hy vọng cho việc tìm ra tên tuổi của gần 1/4 số mộ. Ông Trương Văn Hường, nguyên Xã đội trưởng xã Nghĩa Mỹ cho biết: “Chúng tôi cất bốc nhưng không tìm thấy hồ sơ các liệt sỹ. Tìm mãi mới có được sơ đồ mộ chí của nghĩa trang nhưng đã cũ nát. Tôi đã vẽ lại và đánh dấu hết các mộ có số hiệu. Hy vọng từ đó có cơ may tìm lại tên tuổi của các anh, các chị”.
Xác định đây là trách nhiệm và cũng là một niềm vinh dự lớn, bằng tất cả nghĩa tình đối với các anh hùng liệt sỹ, Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân Thị xã Thái Hòa nói chung, xã Nghĩa Mỹ nói riêng đã làm hết sức mình để chăm sóc chu đáo nơi yên nghỉ vĩnh hằng của các anh, các chị vì nghĩa lớn đã ngã xuống trên mảnh đất này. Hàng năm, nhân các dịp kỷ niệm Ngày Thương binh Liệt sỹ 27/7 và các ngày lễ, nhân dân Thị xã Thái Hòa đều tổ chức các hoạt động dâng hương, dâng hoa, tổ chức lễ viếng và nhiều hoạt động tưởng niệm, tri ân. Nghĩa trang liệt sỹ này đã trở thành một địa chỉ “đỏ” trong hành trình về nguồn của các tầng lớp nhân dân. Đầu năm 2012, UBND Thị xã Thái Hòa cùng một số nhà hảo tâm đã đầu tư 1,2 tỷ đồng để nâng cấp nghĩa trang. Hiện nay, các hạng mục đường vào, hàng rào, bia mộ, đài tưởng niệm đã được làm mới và khánh thành đúng vào dịp kỷ niệm 65 năm ngày Thương binh liệt sỹ năm nay.