Đoạn đường hơn 1km 10 năm vẫn dang dở ở Quỳnh Lưu
Đã hơn 10 năm kể từ ngày có quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư, đoạn đường giao thông nông thôn hơn 1km tại xã Quỳnh Hưng (Quỳnh Lưu), đến nay vẫn còn dang dở.
Đường nông thôn, giá tiền tỷ
Đầu năm 2014, khi con đường nối xóm 11 và xóm 12 của xã Quỳnh Hưng bị xuống cấp, lầy lội, trong khi đó, đây là tuyến đường chính mà nhân dân thường xuyên qua lại, đặc biệt là các em học sinh đến trường phải đi qua. Vì thế, UBND xã Quỳnh Hưng đã làm tờ trình và được UBND huyện Quỳnh Lưu cho phép lập Báo cáo kinh tế kỹ thuật nâng cấp, cải tạo tuyến đường này.
Sau một thời gian hoàn thiện hồ sơ, ngày 16/6/2014, UBND huyện Quỳnh Lưu đã ban hành Quyết định số 1185/QĐ-UBND về việc phê duyệt Báo cáo kinh tế - kỹ thuật công trình nâng cấp, cải tạo đường giao thông nông thôn xã Quỳnh Hưng. Tổng chiều dài của công trình là 1.334,51m (hơn 1,3km), được chia làm 2 tuyến. Trong đó, tuyến 1 có chiều dài 334,51m, mặt đường rộng từ 5-6m; tuyến 2 có chiều dài 1.000m, mặt đường rộng từ 4,5 - 7,5m. Ngoài ra, trên các tuyến còn được thiết kế hệ thống cống, rãnh dọc, gia cố mái ta luy...
Tổng mức đầu tư của dự án là 4.722.501.000 đồng, trong đó, chi phí xây dựng là 4.079.883.000 đồng. UBND xã Quỳnh Hưng sau đó cũng được giao trực tiếp quản lý dự án. Thời gian thực hiện là 12 tháng kể từ ngày khởi công.
Tuy nhiên, do một thời gian dài không thể khởi công được nên đến ngày 14/11/2018, UBND huyện Quỳnh Lưu đã phải ban hành Quyết định số 2271/QĐ-UBND về việc phê duyệt điều chỉnh Báo cáo kinh tế kỹ thuật và Kế hoạch lựa chọn nhà thầu để thực hiện dự án nói trên.
Theo quyết định này, mặc dù tổng giá trị dự toán không thay đổi, vẫn là 4.722.501.000 đồng. Tuy nhiên, chi phí xây dựng đã có sự điều chỉnh theo hướng giảm xuống, từ 4.079.883.000 đồng xuống 3.904.100.000 đồng. Bên cạnh đó, từ chỗ Chủ đầu tư trực tiếp quản lý dự án như ban đầu đã chuyển sang thuê tư vấn quản lý dự án.
Theo Quyết định 2271, công trình này đã được bố trí 2,4 tỷ đồng tiền vốn theo kế hoạch chi đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng năm 2018 của UBND xã Quỳnh Hưng. Phần còn lại UBND xã Quỳnh Hưng cam kết huy động ngân sách xã, đóng góp của nhân dân vùng hưởng lợi và nguồn vốn hợp pháp khác trong vòng 2 năm (năm 2019 và 2020).
Ngoài ra, UBND huyện Quỳnh Lưu cũng yêu cầu chủ đầu tư phải huy động các nguồn vốn theo chủ trương đầu tư dự án, quyết định giao kế hoạch chi đầu tư xây dựng, cam kết huy động vốn xây dựng đã được phê duyệt để thanh toán khối lượng hoàn thành cho nhà thầu và tổ chức thi công công trình đảm bảo chất lượng, đúng tiến độ và đúng nội dung kế hoạch lựa chọn nhà thầu được duyệt.
Sau khi tiến hành đấu thầu theo quy định, Công ty CP Đầu tư xây dựng và Phát triển Hưng Giang (có trụ sở tại xã Quỳnh Hưng), đã trúng thầu thực hiện dự án này với tổng giá trị hợp đồng là 4.053.374.000 đồng. Trong đó, chi phí xây dựng là 3.879.533.000 đồng. Ngay trong năm 2018, dự án cũng đã được chính thức khởi công.
Dở dang vì thiếu vốn
Khỏi phải nói người dân các xóm 11 và 12 của xã Quỳnh Hưng vui mừng như thế nào khi tuyến đường "đau khổ" mà mấy lâu nay họ thường xuyên đi qua đã được khởi công. Vậy nhưng, "niềm vui ngắn chẳng tày gang", khi dự án khởi công được một thời gian ngắn, dù chưa xong đã phải dừng lại.
Một số người dân địa phương cho biết, thi công dở dang đã ảnh hưởng lớn đến việc đi lại của người dân, nhất là các em học sinh trong mùa mưa bão. Mới đây, người dân còn ghi lại hình ảnh mất an toàn khi các em học sinh phải đi lại trên con đường bị ngập do ảnh hưởng của đợt mưa lớn sau cơn bão số 3 (bão Yagi).
Đặc biệt, người dân còn lo lắng khi sắp tới, thực hiện sáp nhập 3 xã Quỳnh Hưng, Quỳnh Bá, Quỳnh Ngọc, liệu công trình này có thể hoàn thành hay không?
Ngoài ra, theo quan sát của chúng tôi (PV), trên tuyến số 2 có điểm đầu tại Trường Tiểu học Quỳnh Hưng đến điểm cuối tại ngã ba Đồng Trùn (giao với đường làng nghề đi xóm 12), ngay bên bờ tường của Trường Tiểu học Quỳnh Hưng có một đoạn mương hở dài khoảng 50m. Do tuyến đường đang xây dựng dở dang nên tuyến mương cũng chưa hoàn thiện. Vì vậy, việc học sinh đi lại trên đoạn đường này sẽ tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn.
Ông Bùi Văn Năng - Giám đốc Công ty CP Đầu tư Xây dựng và Phát triển Hưng Giang - nhà thầu thi công công trình này cho biết: Đến thời điểm này, công trình chỉ mới thi công được khoảng 60%, bao gồm phần nền và hệ thống mương. Tuy nhiên, do chủ đầu tư không bố trí đủ vốn nên công trình mới bị dở dang. Ông Năng còn cho biết, chỉ cần bố trí đủ vốn thì trong vòng 1 tháng sẽ thi công xong.
Rõ ràng việc bố trí nguồn vốn là trách nhiệm của chủ đầu tư, điều này cũng được UBND huyện Quỳnh Lưu giao trách nhiệm trong Quyết định phê duyệt điều chỉnh báo cáo kinh tế - kỹ thuật. Đặc biệt là cam kết huy động ngân sách xã và đóng góp của nhân dân vùng hưởng lợi trong vòng 2 năm (năm 2019 và 2020). Thế nhưng, điều này đã không được thực hiện.
Ông Trần Bình Trọng - Chủ tịch UBND xã Quỳnh Hưng cho biết: Việc thiếu vốn đã khiến cho công trình bị chậm tiến độ, đây cũng là một phần trách nhiệm của địa phương. Ông Trọng cũng lý giải, do những năm gần đây kinh tế gặp nhiều khó khăn, nguồn thu của địa phương còn tập trung cho việc đầu tư xây dựng các cơ sở hạ tầng quan trọng, nhất là phải xây dựng đủ phòng học phục vụ cho việc học tập của con em trên địa bàn nên chưa bố trí kịp nguồn vốn để hoàn thành công trình.
Ông Trọng cho biết thêm, dự kiến trong thời gian tới, khi có nguồn thu từ đấu giá đất sẽ bố trí nốt phần còn lại để hoàn thành công trình trong thời gian sớm nhất.
Ngày 28/8/2024, UBND huyện Quỳnh Lưu đã ban hành Quyết định số 2825/QĐ-UBND phê duyệt kết quả trúng đấu giá 23 lô đất ở tại xã Quỳnh Hưng cho 23 hộ gia đình, cá nhân, với tổng số tiền 43.113.500.000 đồng. Đây là là 23 lô đất mà cách đây hơn 1 năm UBND huyện Quỳnh Lưu đã hủy kết quả đấu giá vì người trúng đấu giá là ông Nguyễn Văn Trọng là em trai của ông Nguyễn Văn Quý - Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳnh Lưu (người ký quyết định phê duyệt giá khởi điểm).