Doanh nghiệp nhiều nhưng chưa mạnh

30/09/2016 09:01

(Baonghean) - Nghệ An hiện có số lượng doanh nghiệp đứng thứ 7 cả nước và đứng đầu khu vực Bắc Trung bộ. Doanh nghiệp và doanh nhân có đóng góp lớn cho sự phát triển của tỉnh. Tuy nhiên, đa số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh chủ yếu đang ở quy mô vừa và nhỏ, thậm chí là siêu nhỏ, năng lực cạnh tranh còn yếu.

Hiện trạng trên được Tỉnh ủy Nghệ An chỉ ra sau 5 năm thực hiện Nghị quyết số 09 - NQ/TW của Bộ Chính trị về “Xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế”.

Động lực của tăng trưởng

Mặc dù huyện vùng cao song Quỳ Hợp là địa phương có số lượng doanh nghiệp tương đối lớn và hoạt động rất sôi động. Tổng số doanh nghiệp trên địa bàn huyện tính đến cuối năm 2015 có 362 doanh nghiệp, trong đó doanh nghiệp tư nhân đang hoạt động sản xuất kinh doanh có nộp thuế là 253 doanh nghiệp, chiếm 70% trong tổng số doanh nghiệp.

Tỷ trọng giá trị sản xuất của các doanh nghiệp chiếm 43% trong tổng giá trị sản xuất toàn huyện và chiếm 89% tổng giá trị sản xuất công nghiệp - xây dựng cơ bản; giải quyết việc làm cho khoảng 6.300 lao động.

Sản xuất tại xưởng cơ khí của Công ty Khai thác đá vôi Yabashi Việt Nam đóng tại huyện Quỳ Hợp.
Sản xuất tại xưởng cơ khí của Công ty Khai thác đá vôi Yabashi Việt Nam đóng tại huyện Quỳ Hợp.

Trưởng ban Dân vận Huyện ủy Quỳ Hợp - Ngân Thị Hồng cho biết: “Cấp ủy đảng, chính quyền đã tạo điều kiện để các doanh nghiệp tư nhân luôn bình đẳng với doanh nghiệp Nhà nước trong việc tiếp cận các nguồn lực phát triển của huyện, cũng như trong giải quyết các thủ tục hành chính. Đặc biệt, chúng tôi thực hiện tốt cơ chế đối thoại 2 cuộc/năm giữa cấp ủy, chính quyền với doanh nghiệp, doanh nhân trên địa bàn huyện.

Qua đó, các ý kiến, đề xuất của doanh nhân được các cơ quan chức năng có thẩm quyền giải trình và kịp thời kiến nghị lên cấp trên nhằm tháo gỡ những khó khăn vướng mắc về nguồn vốn, thuế, thủ tục đăng ký cấp mỏ... tạo môi trường thuận lợi để các doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh”.

Diễn Châu cũng là địa phương có số lượng doanh nghiệp, doanh nhân hoạt động hết sức sôi động. Đến thời điểm hiện tại, địa phương này có 429 doanh nghiệp thành lập và hoạt động sản xuất kinh doanh.

Trong đó 9 tháng đầu năm có 52 doanh nghiệp được thành lập mới. Đáng ghi nhận là hoạt động của các doanh nghiệp đóng góp khoảng 70% trong tổng số thu ngân sách dao động từ 130 -150 tỷ đồng hàng năm của Diễn Châu.

Tuyến đường Đặng Thái Thân có đến 50% hộ kinh doanh quần áo.
Đường Đặng Thái Thân, TP Vinh là nơi tập trung kinh doanh thời trang rất sôi động. Ảnh tư liệu Báo Nghệ An

Qua 4 năm triển khai thực hiện Đề án bồi dưỡng đội ngũ doanh nhân Nghệ An giai đoạn 2012 - 2015, có tính đến năm 2020, đến nay tỉnh đã tổ chức 39 lớp bồi dưỡng các loại cho 3.562 lượt học viên; trong đó có 11 lớp khởi sự doanh nghiệp, 21 lớp quản trị doanh nghiệp, 7 lớp quản trị doanh nghiệp chuyên sâu.

Thực hiện Nghị quyết 09, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An ban hành Chương trình hành động và nhiều đề án thực hiện; đồng thời phân công Ban Dân vận Tỉnh ủy theo dõi, thường xuyên nắm tình hình, kịp thời hướng dẫn kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện.

Qua đó, Nghệ An đã có nhiều giải pháp nâng cao nhận thức cho các cấp ủy đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên, nhân dân về vai trò của đội ngũ doanh nhân; xây dựng, hoàn thiện và ban hành cơ chế, chính sách tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp, doanh nhân hoạt động, trong đó có công khai, minh bạch quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, các huyện, thành thị đến năm 2020.

“Đặc biệt, định kỳ mỗi tháng 1 lần, lãnh đạo UBND tỉnh đối thoại với các hội doanh nghiệp; đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh tổ chức đối thoại với doanh nghiệp toàn tỉnh mỗi năm một lần”, đồng chí Nguyễn Mạnh Khôi - Phó Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy cho biết.

Với các chủ trương, chính sách đó, đội ngũ doanh nhân, số lượng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh ngày càng lớn mạnh. Tính tổng thể, Nghệ An có tổng số doanh nghệp đăng ký gần 15.300 doanh nghiệp, đứng đầu khu vực Bắc Trung bộ và thứ 7 cả nước.

Doanh nghiệp ở Nghệ An phát triển đa dạng, chiếm tỷ lệ lớn nhất là lĩnh vực thương mại, dịch vụ, xây dựng; công nghiệp khai thác, chế biến. Các doanh nghiệp góp phần giải quyết việc làm cho 177.000 lao động. Năm 2015, các doanh nghiệp đóng góp ngân sách hơn 7.400 tỷ đồng, chiếm 60% tổng thu ngân sách của tỉnh.

Nhiều nhưng chưa mạnh

Những kết quả đạt được sau 5 năm thực hiện Nghị quyết 09 đã góp phần tích cực vào sự phát triển của tỉnh. Tuy nhiên, nhìn vào bức tranh tổng thể, doanh nghiệp, doanh nhân Nghệ An vẫn còn những điểm yếu, hạn chế cần tháo gỡ để có một đội ngũ doanh nhân và số lượng doanh nghiệp phát triển cả chiều rộng và mạnh cả về tiềm lực. Thực tế hiện nay, theo số liệu cơ quan thuế, toàn tỉnh chỉ có 9.500 doanh nghiệp hoạt động, chiếm 62% so với tổng số doanh nghiệp đăng ký.

Đa số doanh nghiệp ở quy mô vừa và nhỏ, năng lực cạnh tranh yếu, sản phẩm chưa đạt so với chuẩn quốc tế, chất lượng phục vụ chưa chuyên nghiệp; còn nằm ngoài chuỗi cung ứng và chưa trở thành một thành tố quan trọng trong phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ của tỉnh. Doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông, lâm, thủy sản ít. Nhiều doanh nghiệp thiếu lao động kỹ thuật cao...

Ông Phan Thanh Miễn - Chủ tịch Hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Nghệ An phân tích: Thực trạng trên xuất phát từ những nguyên nhân chủ quan và khách quan. Trong đó về phía doanh nghiệp vẫn thiếu tính bền vững do khi thành lập, nhiều người đứng đầu doanh nghiệp không được trang bị kiến thức một cách bài bản.

Mặt khác doanh nghiệp còn gặp những khó khăn, nhất đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong vấn đề tiếp cận đất đai để mở rộng sản xuất, nguồn vốn từ các ngân hàng; tay nghề và tác phong lao động ở nhiều địa phương vẫn chưa cao và chưa mang tính công nghiệp.

Công nhân làm việc trong Nhà máy chế biến gỗ Nghệ An đóng tại huyện Nghĩa Đàn.
Công nhân làm việc trong Nhà máy chế biến gỗ Nghệ An đóng tại huyện Nghĩa Đàn.

Tại cuộc làm việc giữa Ban Dân vận Trung ương và Thường trực Tỉnh ủy về kết quả 5 năm thực hiện Nghị quyết 09, đồng chí Trần Thị Bích Thủy - Phó Trưởng ban Dân vận Trung ương đề nghị: Nghệ An cần tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với thực hiện Nghị quyết 09; trong đó quan tâm kiểm tra, giám sát việc thực hiện của các đảng bộ trực thuộc; tiếp tục đẩy mạnh thực hiện đề án về phát triển tổ chức đảng, đoàn thể, đảng viên, đoàn viên trong doanh nghiệp, đặc biệt chú trọng doanh nghiệp ngoài nhà nước, phát triển đảng viên là chủ doanh nghiệp.

Phó Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Nguyễn Mạnh Khôi cho biết thêm: Qua kiểm tra thực hiện Nghị quyết 09, một số địa phương chưa có chương trình, kế hoạch hoặc đã có nhưng chưa có đầu việc cụ thể để thực hiện.

Do đó, sắp tới tỉnh sẽ yêu cầu các huyện, thành, thị bổ sung chương trình hành động, kế hoạch tiếp tục thực hiện, trong đó nhấn mạnh mỗi địa phương chọn một vài việc cụ thể để tạo điều kiện giúp đỡ doanh nghiệp, doanh nhân trên địa bàn.

Tháng 10/2016, Ban Dân vận Tỉnh ủy sẽ tham mưu cấp ủy đề nghị đưa vào chương trình, kiểm tra, giám sát của Ban Thường vụ Tỉnh ủy năm 2017 về thực hiện nghị quyết này. Bên cạnh đó, tiếp tục rà soát, đôn đốc thực hiện các chương trình, đề án trong Chương trình hành động số 15 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về thực hiện Nghị quyết 09… ”.

Bài, ảnh: Nhật Lệ

TIN LIÊN QUAN

Doanh nghiệp nhiều nhưng chưa mạnh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO