Đội bảo vệ bí mật đầy quyền lực của Tổng thống Putin
Không được biết đến nhiều như Cơ quan Mật vụ Mỹ nhưng Cơ quan Bảo vệ Liên bang Nga (FSO) đảm trách bảo vệ Tổng thống Vladimir Putin và còn hơn thế...
» Lộ diện siêu xe hạng sang của Tổng thống Nga Putin
Ông Putin cùng dàn vệ sĩ trong một lần xuất hiện tại Vienna (Áo) năm 2014. Ảnh: TASS |
Theo báo Rossiyskaya Gazeta, cơ quan FSO được đánh giá là một cơ quan an ninh quyền lực và bí mật nhất nước Nga. Mọi hoạt động của họ chỉ dựa trên phỏng đoán do không có bất kỳ dữ liệu hay báo cáo chính thức nào được công bố.
Trong suốt 16 năm, FSO được dẫn dắt bởi tướng Yevgeny Murov - một đồng minh lâu năm của Tổng thống Vladimir Putin, cùng nổi lên từ cấu trúc quyền lực Leningrad vào giai đoạn cuối của Liên bang Xô Viết. Ông Murov lên nắm chức vụ này chỉ 11 ngày sau khi ông Putin trở thành Tổng thống.
Tháng 5-2016, ông Putin chấp nhận đơn xin từ chức của tướng Murov, người khi đó đã gần 70 tuổi, và chỉ định cấp phó Muscovite Dmitry Kochnev lên thay.
Điều thú vị ở Kochnev đó là ông này được mệnh danh "người đàn ông không lý lịch", hiển nhiên, do không có bất cứ thông tin nào về Kochnev được tìm thấy trên cổng thông tin Điện Kremlin hoặc FSO.
Người ta chỉ biết Kochnev dẫn đầu bộ phận an ninh tổng thống - một đơn vị con của FSO - từ cuối năm 2015, và thu nhập của vợ ông này trong năm 2015 là 830.000 USD - nhiều một cách khác thường.
Ông Putin ở thành phố Tambov, Nga hồi năm 2012. Ảnh: TASS |
Những người bảo vệ "yếu nhân số 1"
Cội rễ của FSO bắt nguồn từ một phân nhánh của KGB (Ủy ban An ninh nhà nước) - một cơ quan an ninh quyền lực thời kỳ Xô Viết. Phân nhánh này chịu trách nhiệm về sự an toàn của các quan chức cấp cao, giống với FSO ngày nay.
Có rất nhiều câu chuyện ly kỳ về nhiệm vụ bảo vệ "yếu nhân số 1" của FSO. Trong 15 năm, tin đồn lan truyền rằng cơ quan này đã dùng một người thế thân có diện mạo y hệt ông Putin trong các màn trình diễn nguy hiểm, chẳng hạn lặn dưới đáy hồ Baikal, lái máy bay chiến đấu...
Trong cuộc phỏng vấn với báo Kommersant năm ngoái, ông Alexei Dyumin, tỉnh trưởng vùng Tula - người từng là cận vệ của Tổng thống Putin, nhớ lại một sự cố hồi hộp cách đây khá lâu.
Chuyện kể sau sau khi quân nổi dậy ở nước Cộng hòa Chechnya bị đánh bại, ông Putin đã có chuyến thăm đến khu vực này. Lúc quay về Matxcơva, không biết vô tình hay cố ý, ông đã leo lên chiếc trực thăng dự phòng thay vì chuyên cơ chính.
Ông Dyumin khi đó đã cố cảnh báo Tổng thống rằng ông lên sai trực thăng, tuy nhiên ông Putin đã phớt lờ. Sau đó, chiếc trực thăng chở ông Putin bay về an toàn, trong khi chiếc còn lại chở Dyumin và một số người khác bị cháy và phải hạ cánh khẩn cấp.
"Lúc đó tôi nghĩ cái gì đã xảy ra vậy" - ông Dyumin nhớ lại, không khỏi thán phục vận may của Tổng thống Putin.
Những người làm việc cho FSO, giống như ông Dyumin, được xếp vào hàng tuyệt đối tin cẩn. Không chỉ bảo vệ Tổng thống Nga, họ còn giữ an toàn cho các thẩm phán, nhân chứng, quan chức... và các địa điểm quan trọng như Điện Kremlin, tòa nhà Quốc hội (Duma Nga).
Dù khá hy hữu nhưng truyền thông Nga thỉnh thoảng có bắt gặp vài tấm ảnh "tự sướng" hoặc thông tin cá nhân của một số nhân viên FSO trên mạng xã hội. Có lẽ vài người họ không kiềm nổi sự cám dỗ "khoe" một chút với bạn bè!
Ông Putin cầm tấm ảnh thân phụ - một cựu binh tham gia chiến tranh vệ quốc tham gia tuần hành ở Matxcơva tháng 5/2016. Ảnh: TASS |
Ông Putin đi công du nước ngoài cũng kỳ công không kém tổng thống Mỹ. Ví dụ trong lần công du đến Hy Lạp tháng 5-2016, các phương tiện di chuyển của ông Putin bao gồm một chiếc máy bay vận tải Antonov khổng lồ, 3 chiếc limousine bọc giáp được trang bị vũ khí hạng nặng và các thiết bị điện tử.
Trước khi ông Putin đến, một chuyên cơ chở theo các thiết bị an ninh sẽ đến trước để chuẩn bị. Một lưới điện tử an toàn sẽ bao bọc nhà lãnh đạo Nga trong suốt chuyến công du. Thiết bị điện tử và vũ khí có khả năng bắn hạ máy bay không người lái, trực thăng... cũng được triển khai.
Ba chiếc limousine chở ông Putin trông giống y hệt nhau để bất cứ kẻ nào âm mưu tấn công sẽ không phân biệt được ông đang ngồi trên chiếc nào. Thêm vào đó, đội vệ sĩ theo sát tổng thống Nga từng bước chân bao gồm 70 người từng "tốt nghiệp" lực lượng đặc nhiệm Spetsnaz, đơn vị được mô tả toàn bao gồm các thành viên "siêu nhân".
Cơ quan toàn năng Dưới thời tướng Murov, FSO được cho là đã tham gia cuộc tranh giành quyền lực (và tiền bạc) với Cơ quan An ninh Liên bang (FSB) và Cơ quan Quản lý tài sản tổng thống (Rosimushchestvo). Và họ đã thắng. Theo hãng tin RBK, ngày nay không còn bất cứ điền sản Tổng thống nào nằm dưới sự quản lý của Rosimushchestvo, thay vào đó chúng do chính quyền liên bang hoặc FSO kiểm soát. Các công trình hạ tầng liên bang, các gói thầu hàng triệu USD, ngân sách nhà nước... tất cả đều có bóng dáng của FSO đằng sau. Trên nhiều phương diện, FSO thực sự là một cơ quan an ninh toàn năng. Các nhân viên FSO có quyền tiến hành hoạt động điều tra, nghe lén, khám xét thư tín, bắt giữ công dân, lục soát nơi ở, trưng dụng xe hơi... Ngoài việc bảo vệ các công trình nhà nước trọng điểm, FSO còn kiểm soát luôn các tuyến đường dẫn đến những nơi này. Cứ 12 con đường ở thủ đô Matxcơva thì 1 nằm dưới sự kiểm soát của FSO, và họ nắm hết thông tin của cư dân hay bất cứ ai sống ở những khu vực đó. FSO cũng thực hiện nhiều dự án thăm dò xã hội, tất nhiên là bí mật, và trao dữ liệu này cho cấp lãnh đạo cao nhất của Nga. Người ta tin rằng Tổng thống Putin, Hội đồng An ninh và Chính phủ Nga dựa vào những thông tin do FSO thu thập để đưa ra một số quyết định. Thú vị hơn nữa, chuyện kể rằng nếu có ông tỉnh trưởng nào của Nga bỗng một ngày đẹp trời nộ đơn từ chức vì cảm thấy "yếu kém năng lực", thì chắc chắn đằng sau có một chút giúp đỡ của FSO! Theo dõi tình hình kinh tế - xã hội của các khu vực ở Nga cũng là một nhiệm vụ của FSO. |
Theo Tuổi trẻ
TIN LIÊN QUAN |
---|