Đồng chí Nguyễn Tờng - chiến sỹ tiêu biểu trong cao trào cách mạng 1930-1931 của quê hương Yên Thành
Với tư chất thông minh và tinh thần yêu nước, đồng chí Nguyễn Tờng đã tiếp thu những tư tưởng tiến bộ, tích cực hoạt động cách mạng...
Mỹ Thành - xã miền núi, nằm ở phía Tây Nam huyện Yên Thành là một vùng đất cổ, gắn bó máu thịt với quá trình dựng nước, giữ nước của tổ quốc Việt Nam. Mỹ Thành nay, Trụ Pháp xưa tuy là vùng đất nghèo khó nhưng nhân dân địa phương rất giàu lòng yêu nước, trọng nghĩa. Nơi đây từng là địa bàn săn bắt, hái lượm của các dân cư Việt cổ và cũng là địa bàn hoạt động của nhiều tướng lĩnh trong các triều đại phong kiến.
Năm 1858, khi thực dân Pháp nổ súng tấn công Đà Nẵng, cùng với nhân dân Nghệ Tĩnh, dân làng Trụ Pháp đã hăng hái tham gia nhiều cuộc đấu tranh từ những ngày làm lễ tế cờ ở Cồn Sắt đến những trận đánh lớn của nghĩa quân ở Xóm Hố, Đồng Thông, Bảo Nham… Trong phong trào Cần Vương, các ngọn đồi, con đường, những tên người của Mỹ Thành đã đi vào sử sách, thơ ca.
Chính những truyền thống tốt đẹp của quê hương đã góp phần hun đúc nên lòng yêu nước, tâm hồn, cốt cách chiến sỹ cộng sản kiên trung của những người con quê hương Mỹ Thành, trong đó có đồng chí Nguyễn Tờng. Đồng chí Nguyễn Tờng (còn có bí danh là Nguyễn Tần, Trang), sinh năm 1902 [1] tại làng Trụ Pháp, tổng Vân Tụ (nay là xóm Tân Mỹ, xã Mỹ Thành), huyện Yên Thành, Nghệ An.
Từ nhỏ, Nguyễn Tờng sớm mang trong mình ý thức dân tộc. Cuối năm 1926, tiểu tổ Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội ở Trụ Pháp được thành lập [2], tiến hành nhiều hình thức tuyên truyền, phổ biến các tư tưởng yêu nước, sách báo tiến bộ nhằm giác ngộ quần chúng nhân dân.
Vốn có tư chất thông minh và tinh thần yêu nước, đồng chí Nguyễn Tờng đã tiếp thu ảnh hưởng của sách báo yêu nước, tư tưởng cách mạng tiến bộ do các đồng chí trong Tiểu tổ Thanh niên ở Trụ Pháp tuyên truyền. Sau một thời gian thử thách, đồng chí Nguyễn Tờng đã được kết nạp trở thành hội viên của tiểu tổ Thanh niên ở Trụ Pháp.
Năm 1929, Kỳ bộ Đông Dương Cộng sản Đảng Trung Kỳ sau khi thành lập đã cử đồng chí Phan Thái Ất, Bí thư Tổng Nông hội đỏ Nghệ An về Trụ Pháp triệu tập cuộc họp tại nhà đồng chí Nguyễn Ngoạn để thành lập Chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng ở Yên Thành. Tại cuộc họp này, các đồng chí đã thống nhất đặt tên là Chi bộ Bồ Sơn. Chi bộ gồm 9 đồng chí tiêu biểu của các chi bộ Hội Thanh niên tổng Vân Tụ. Đồng chí Nguyễn Tờng vinh dự được kết nạp trở thành một trong những đảng viên đầu tiên của huyện Yên Thành.
Sau khi Tỉnh bộ Nghệ An ra đời [3] (tháng 3/1930), tháng 8/1930, Tỉnh bộ đã cử các đồng chí: Nguyễn Hữu Bình, Tôn Thị Quế, Tôn Gia Chung ra tăng cường cho các huyện Yên Thành, Diễn Châu. Cuối tháng 9/1930, dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Hữu Bình, chi bộ cộng sản đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam của tổng Vân Tụ [4] được thành lập ở làng Trụ Pháp gồm 9 đồng chí: Nguyễn Ngoạn, Nguyễn Tờng, Nguyễn Úy, Lê Điều, Nguyễn Chuyên, Trần Khắc Thanh, Võ Châu, Nguyễn Thực, Nguyễn Ứng. Sự ra đời của chi bộ Đảng ở Vân Tụ đã đánh dấu bước phát triển mới của phong trào cách mạng ở Trụ Pháp nói riêng và tổng Vân Tụ nói chung.
Giữa tháng 10/1930, nhận chỉ thị từ Tỉnh ủy, đồng chí Nguyễn Hữu Bình, Chu Trang, Phan Lạc đã trực tiếp về Vân Tụ phổ biến chủ trương. Các đồng chí đã thống nhất phương án tổ chức cuộc biểu tình trong toàn huyện vào dịp kỷ niệm ngày Cách mạng tháng Mười Nga thành công để biểu dương lực lượng, đòi giảm sưu giảm thuế, phản đối đế quốc và chính quyền tay sai đàn áp công nhân Bến Thủy, nông dân huyện Hưng Nguyên.
Thực hiện chỉ thị của cấp trên, đồng chí Nguyễn Tờng và các đồng chí đảng viên thuộc làng Trụ Pháp đã tích cực bắt tay vào chuẩn bị cho cuộc biểu tình. Như kế hoạch đã định, sáng sớm ngày 7/11/1930, nhân dân các làng Trụ Pháp, Đông Yên, Quan Chương, Ngọc Luật... khí thế ngùn ngụt từ các ngả kéo về tập trung tại Đình làng Tràng Kè. Đồng chí Nguyễn Ngoạn, Nguyễn Úy, Nguyễn Tờng thay nhau đứng lên diễn thuyết về cách mạng tháng Mười và tinh thần đấu tranh của nhân dân huyện Hưng Nguyên, Thanh Chương... Khi các đồng chí dứt lời, nhân dân liền hô to các khẩu hiệu đấu tranh.
Tiếp đó, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của các đồng chí Nguyễn Ngoạn, Nguyễn Úy, Lê Điều, Nguyễn Tờng..., đoàn biểu tình chỉnh trang hàng ngũ, bắt đầu tiến bước dọc đường 7 kéo xuống đường 38. Đoàn đi đến đâu, nhân dân các làng của tổng Vân Tụ và Quan Hóa từ các ngả lại kéo ra, nhập vào đoàn đến đó. Khi đoàn biểu tình vừa đến Mũi Đao (gần cầu Dinh) thì Tri huyện Yên Thành đã kịp điều lính lê dương ra ngăn chặn. Trước khí thế đấu tranh như sóng cuộn của nhân dân, tên tri huyện hoảng sợ liền ra lệnh cho lính lê dương bắn vào đoàn khiến 1 người chết và một số người bị thương. Trước tình thế không cân sức, các đồng chí đã hướng dẫn đoàn tạm thời rút lui để bảo toàn lực lượng.
Ngày 10/11/1930, Đảng bộ lâm thời huyện Yên Thành thành lập gồm 5 đồng chí, do đồng chí Nguyễn Ứng làm Bí thư. Ngay sau khi ra đời, Ban Chấp hành Huyện ủy đã phân công các Huyện ủy viên về các Tổng để củng cố và phát triển các chi bộ Đảng, các tổ chức quần chúng.
Cuối năm 1930, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Tỉnh ủy cũng như hoạt động tích cực của các đồng chí Huyện ủy, chi bộ Trụ Pháp ra đời do đồng chí Nguyễn Ngoạn làm Bí thư. Đồng chí Nguyễn Tờng tiếp tục được cấp trên tín nhiệm bầu làm ủy viên chi bộ. Theo tài liệu của Mật thám Pháp thì thời gian này, đồng chí Nguyễn Tờng còn đảm nhận thêm vai trò là “liên lạc viên cho Huyện bộ Yên Thành” [5]. Chi bộ Trụ Pháp ra đời của đã kịp thời lãnh đạo phong trào đấu tranh của quần chúng địa phương.
Được sự chủ đạo của Huyện ủy, đồng chí Nguyễn Tờng và các đồng chí trong Chi bộ Trụ Pháp đã vận động quần chúng nhân dân gia nhập vào các tổ chức quần chúng cách mạng như: Nông hội đỏ, hội Phụ nữ,... Các đồng chí cũng là người trực tiếp hướng dẫn, lãnh đạo đông đảo quần chúng nhân dân Trụ Pháp phối hợp với các làng trong Tổng tổ chức nhiều cuộc đấu tranh và các dịp kỷ niệm Quảng Châu Công xã, đấu tranh lấy thóc của địa chủ chia cho người nghèo cứu đói...
Trước sự phát triển mạnh mẽ của phong trào đấu tranh ở Vân Tụ, đầu năm 1931, Tổng đốc An Tĩnh Nguyễn Khoa Kỳ đã thi hành hàng loạt chính sách mới. Một mặt, chúng điều lính lê dương, lính khố xanh, đoàn phu, bang tá và mật thám về Yên Thành rình rập, bắt bớ suốt ngày đêm. Trụ Pháp là nơi có phong trào cách mạng phát triển mạnh, chúng lập đồn lính khố xanh Trụ Pháp do tên quan Kiếc (Bana) chỉ huy. Mặt khác, chúng còn bày ra thủ đoạn mỵ dân như tổ chức “rước cờ vàng”, “phát thẻ quy thuận” nhằm chia rẽ, cô lập lực lượng cách mạng trong quần chúng nhân dân.
Để đập tan âm mưu thâm độc của kẻ thù, các đồng chí trong Huyện ủy Yên Thành đã tổ chức cuộc họp bí mật đề ra kế hoạch phá rối buổi phát thẻ quy thuận, không cho chúng tổ chức “hiểu dụ”, rước cờ vàng và phát thẻ quy thuận.
Sáng ngày 7/2/1931, thực hiện chủ trương của cấp trên, đồng chí Nguyễn Tờng, Nguyễn Úy, Nguyễn Ngoạn lãnh đạo nhân dân kéo lên tập trung tại đình chợ Kè. Tri huyện Yên Thành Phan Minh Bật, chánh phó tổng, hào lý, chức sắc các làng trong tổng Vân Tụ đều lũ lượt kéo về đây. Tiếp đó, xe ô tô của tên công sứ Pháp, tổng đốc Nguyễn Khoa Kỳ và giám binh Pơty từ Vinh về dự. Đi kèm đó là 1 tốp lính lê dương từ Diễn Châu lên và lính đồn Trụ Pháp được huy động đến để bảo vệ buổi lễ. Khi buổi lễ sắp bắt đầu, lá cờ vàng vừa kéo lên, Nguyễn Khoa Kỳ chuẩn bị hiểu dụ thì đồng chí Nguyễn Tờng và các đồng chí đảng viên khác được bố trí từ trước liền hô hào mọi người đứng dậy. Truyền đơn của Đảng Cộng sản Đông Dương kêu gọi anh chị em dân cày vào Nông hội đoàn kết chống Pháp được rải khắp nơi. Buổi “lễ quy thuận” do địch tổ chức đã thất bại hoàn toàn.
Không mua chuộc, dụ dỗ được nhân dân, thực dân Pháp và chính quyền tay sai đã cho binh lính, đoàn phu về từng thôn, xóm để lùng bắt các đồng chí đảng viên và quần chúng yêu nước ở Yên Thành. Trước sự lùng sục gắt gao của kẻ thù, cuối năm 1931, đồng chí Nguyễn Tờng bị bắt giam tại nhà lao huyện, sau đó giải vào Nhà lao Vinh. Trước những đòn roi tra tấn của kẻ thù, đồng chí Nguyễn Tờng vẫn một mực không khai nhận. Kẻ địch đã kết án ông mức án Tù khổ sai chung thân và đày đi Buôn Ma Thuột theo Bản án số 172 ngày 18 tháng 11 năm 1931 của Toàn án Nam triều tỉnh Nghệ An.
Với ý chí và nghị lực phi thường của người chiến sỹ Xô Viết Nghệ Tĩnh, đồng chí Nguyễn Tờng vẫn một lòng kiên trung, cùng với anh em tù chính trị đứng lên đấu tranh biến nhà tù đế quốc thành trường học cách mạng.
Tại nhà đày Buôn Ma Thuột, các tù nhân - nhất là tù chính trị, bị giam giữ trong điều kiện chật chội, mất vệ sinh, ăn uống thiếu thốn, kham khổ. Những phạm nhân “nguy hiểm” bị cùm chân cố định tại chỗ, thường xuyên bị đánh đập, tra tấn tàn nhẫn. Ngoài thời gian bị giam, tù nhân còn phải làm việc khổ cực trong các đồn điền, nhà xưởng.
Ngày 14/7/1936, đồng chí Nguyễn Tờng được trả tự do. Trở về địa phương, đồng chí đã bắt liên lạc với các đồng chí đảng viên, quần chúng yêu nước ở Trụ Pháp. Đến cuối năm 1936, chi bộ Trụ Pháp được khôi phục trở thành một trong 7 chi bộ của huyện Yên Thành trong thời gian này. Trong cuộc họp thành lập chi bộ Trụ Pháp tại nhà ông Nguyễn Hành, đồng chí Nguyễn Tờng đã được tín nhiệm bầu giữ chức vụ Bí thư chi bộ, đảm nhận nhiệm vụ lãnh đạo phong trào cách mạng địa phương. Dưới sự lãnh đạo của đồng chí Nguyễn Tờng và chi bộ, nhân dân Trụ Pháp đã hăng hái tham gia nhiều hoạt động đấu tranh công khai thời kỳ Mặt trận Dân chủ 1936-1939.
Tháng 8/1941, khi cơ sở ấn loát của Xứ ủy Trung Kỳ đóng ở làng Liên Trì bị lộ, địch đã tiến hành cuộc lùng bắt các đảng viên cộng sản trên quy mô toàn huyện. Ngày 19/11/1941, đồng chí Nguyễn Tờng tiếp tục rơi vào tay giặc và bị kết án 15 năm tù khổ sai, 15 năm quản thúc theo Bản án số 09 của Tòa án Nam triều tỉnh Nghệ An.
Đầu năm 1945, đồng chí Nguyễn Tờng ra tù. Tháng 6/1945, đồng chí Chu Văn Biên, Phan Thúc Tường về Trụ Pháp bắt liên lạc với đồng chí Nguyễn Tờng và các cựu tù chính trị để bàn về việc gấp rút tổ chức Việt Minh, xây dựng chiến khu cách mạng vùng Vân Tụ. Đến cuối tháng 6/1945, Mặt trận Việt Minh làng Trụ Pháp thành lập tại nhà đồng chí Nguyễn Khương (Trụ Pháp) do đồng chí Chu Văn Biên chủ trì. Đồng chí Nguyễn Tờng là 1 trong 5 đồng chí cấp ủy Việt Minh làng Trụ Pháp. Dưới sự lãnh đạo của đồng chí Nguyễn Tờng và các đồng chí trong mặt trận Việt Minh, nhân dân Trụ Pháp đứng lên đấu tranh, góp phần vào thắng lợi của cuộc khởi nghĩa giành chính quyền vào ngày 25/8/1945 ở huyện Yên Thành.
Sau cách mạng tháng Tám, đồng chí Nguyễn Tờng tiếp tục tham gia các hoạt động kháng chiến kiến quốc tại địa phương. Đến năm 1960, do tuổi cao và di chứng của thủ đoạn tra tấn trong nhà tù thực dân, đồng chí Nguyễn Tờng qua đời tại địa phương trong sự tiếc thương vô hạn của gia đình và anh em, đồng chí.
------
Chú thích:
[1] Có tài liệu ghi sinh năm 1890.
[2] Năm 1926, đồng chí Võ Mai (người tổng Vạn Phần, Diễn Châu) sau khi dự lớp Huấn luyện chính trị do Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc mở ở Quảng Châu về nước đã thành lập được tiểu tổ Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội ở Hoàng Trường, Diễn Châu. Sau đó, một số đồng chí trong tiểu tổ như Chu Đàm (Chu Văn Đàm), Chu Trang… đã về Trụ Pháp, bắt liên lạc với những thanh niên yêu nước địa phương và lập ra tiểu tổ Thanh niên cách mạng đồng chí hội ở Trụ Pháp – LSĐB Yên Thành (1930-2017), NXB Nghệ An 2017, tr.31.
[3] Sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, tháng 3/1930, Phân cục Trung ương lâm thời ở Trung Kỳ đã chỉ định ra hai Ban Chấp hành lâm thời Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam tại Nghệ An là Tỉnh bộ Vinh và Tỉnh bộ Nghệ An.
[4] Tháng 12/ 1930, chi bộ mới được củng cố gồm 11 đồng chí, do đồng chí Nguyễn Ngoạn làm Bí thư.
[5] Hồ sơ Mật thám Pháp về đồng chí Nguyễn Tờng do Bộ Công an cung cấp
Tài liệu tham khảo
- Lịch sử Đảng bộ huyện Yên Thành (1930-2017), NXB Nghệ An, 2017;
- Địa chí lịch sử xã Mỹ Thành, NXB Nghệ An, Năm 2011;
- Hồ sơ mật thám Pháp về đồng chí Nguyễn Tờng.