Động lực trong phát triển kinh tế miền Tây Nghệ An

29/09/2016 11:03

(Baonghean) - Diện tích rộng lớn với nhiều tiềm năng đang dần được đánh thức, miền Tây Nghệ An đang chuyển mình với những bước phát triển công nghiệp đáng ghi nhận.

Khai thác hiệu quả các dự án thủy điện

Nhà máy Thủy điện Bản Vẽ (Tương Dương) trong 8 tháng đầu năm 2016 đã sản xuất được trên 500 triệu kWh điện, đạt doanh thu gần 600 tỷ đồng, nộp thuế VAT 50,52 tỷ đồng, đóng quỹ môi trường rừng hơn 9 tỷ đồng. Còn Nhà máy thủy điện Hủa Na đóng góp vào lưới điện quốc gia trên 200 triệu KWh và nguồn ngân sách đáng kể, cùng đó tạo việc làm cho hàng trăm lao động địa phương...

Dự án trồng rau và hoa trong nhà kính của Tập đoàn TH ở huyện Nghĩa Đàn.Ảnh: X.H
Dự án trồng rau và hoa trong nhà kính của Tập đoàn TH ở huyện Nghĩa Đàn. Ảnh: X.H

Từ năm 2010 - 2015, theo đánh giá của UBND tỉnh, thủy điện là lĩnh vực phát triển mạnh, khai thác hiệu quả tiềm năng của miền Tây, đã phát điện thêm 6 nhà máy thủy điện với công suất 366MW, gồm: Nậm Mô, Khe Bố, Hủa Na, Nậm Pông, Nậm Nơn, Nậm Cắn 2; nâng tổng các dự án đã phát điện trên địa bàn lên 10 nhà máy với tổng công suất phát điện là 708,5 MW. Ngoài ra, còn có 11 dự án thủy điện đang xây dựng với tổng công suất 223,4 MB gồm: Sông Quang, Châu Thắng, Nhạn Hạc, Đồng Văn, Chi Khê, Bản Ang, Xoong Con, Khe Thơi, Ca Lôi, Ca Nan 1, Ca Nan 2, và còn 6 dự án đang chuẩn bị thực hiện đầu tư tổng công suất 334 MW.

Vấn đề đặt ra là khai thác tiềm năng thủy điện nhưng phải đảm bảo hài hòa trong an toàn hạ lưu, bảo vệ môi trường. Để thực hiện mục tiêu đó, năm 2015, Thường trực Tỉnh ủy đã có công văn gửi UBND tỉnh về việc không tiếp tục nghiên cứu, khảo sát để lập các dự án thủy điện trên địa bàn (kể cả các dự án đã có trong quy hoạch), giao UBND tỉnh rà soát báo cáo Chính phủ, Bộ Công Thương để đưa ra khỏi quy hoạch các dự án thủy điện mà chưa có nhà đầu tư. Như vậy, việc phát huy tiềm năng thủy điện sẽ tập trung vào các giải pháp bền vững, nâng cao hiệu quả gắn với bảo vệ cân bằng sinh thái, môi trường…

Những dự án tạo động lực phát triển

Xét ở góc độ mỗi địa phương, công tác thu hút doanh nghiệp đầu tư phát triển công nghiệp được chú trọng, và xem đó là cú hích quan trọng. Thị xã Thái Hòa hiện có 243 doanh nghiệp đang sản xuất, kinh doanh trên địa bàn, mỗi năm nộp ngân sách cho tỉnh khoảng 70 - 80 tỷ đồng, tạo việc làm cho hàng ngàn lao động địa phương.

Ở Quỳ Hợp, giá trị sản xuất công nghiệp 9 tháng đầu năm đạt 2.048.682 triệu đồng, đạt 69,95% KH năm. Sản lượng thiếc đạt 751 tấn, đường kính 66.210 tấn, đá hộc 620.000 tấn, bột đá siêu mịn 580.000 tấn... Đạt được kết quả đó là do trên địa bàn có nhiều cụm công nghiệp (CCN) tập trung như CCN Thung Khuộc, Châu Quang và Châu Hồng, thu hút hàng trăm doanh nghiệp đầu tư chế biến đá trắng xuất khẩu, thiếc, lâm sản...

Huyện tiếp tục quy hoạch 3 CCN là Thọ Sơn 1, Thọ Sơn 2 (xã Thọ Hợp) và Châu Lộc; đồng thời quy hoạch 6 khu chế biến đá tập trung. Ông Nguyễn Đình Tùng - Chủ tịch UBND huyện Quỳ Hợp khẳng định: “Công nghiệp là hướng đi chủ lực của huyện. Theo đó, thời gian tới huyện sẽ bổ sung thêm các cụm công nghiệp và khuyến khích các dự án chế biến sâu, công nghệ cao, giảm tối đa ô nhiễm môi trường…”.

Điều hành sản xuất ở Nhà máy Thủy điện Bản Vẽ.
Điều hành sản xuất ở Nhà máy Thủy điện Bản Vẽ.

Khẳng định vai trò của các dự án công nghiệp đối với miền Tây, ông Nguyễn Huy Cương - Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết: Những dự án công nghiệp đã giúp cực tăng trưởng miền Tây của Nghệ An phát triển, khai thác hiệu quả tiềm năng về thủy điện, rừng, đất đai, khoáng sản của miền Tây. Từ đó, giải quyết nhiều việc làm; mở rộng, nâng cấp giao thông, hạ tầng; đời sống nhân dân được cải thiện. Tuy nhiên, miền Tây vẫn cần những dự án chế biến hiện đại, công nghệ cao, chế biến sạch, những dự án động lực có tính chất “xoay chuyển” cho miền Tây. Trên cơ sở đó, các cấp ngành tham mưu cho tỉnh có những giải pháp chấn chỉnh, rà soát quy hoạch, khuyến khích các dự án công nghệ cao, kiên quyết từ chối các dự án ảnh hưởng đến môi trường cũng như đe dọa sự an toàn chung của vùng, tạo sự phát triển bền vững cho miền Tây.

Trên địa bàn miền Tây Nghệ An đã thu hút nhiều dự án vào đầu tư, tạo động lực thúc đẩy kinh tế, xã hội phát triển; điển hình như: Dự án chăn nuôi bò sữa quy mô công nghiệp tại huyện Nghĩa Đàn do Công ty CP Thực phẩm sữa TH là chủ đầu tư với quy mô dự án 45.000 con bò sữa. Dự án trồng rau và hoa trong nhà kính tại Nghĩa Đàn quy mô 104,7 ha của Công ty Thiết bị và bí quyết nông nghiệp Green; Dự án chăn nuôi bò sữa tại Đông Hiếu (Thái Hòa) do Công ty CP Vinamilk làm chủ đầu tư, tổng đàn hiện đạt 2.500 con, trong đó số con cho sữa là 1.300 con;

Dự án Nhà máy chế biến tinh bột sắn Hoa Sơn (Anh Sơn) công suất 500 tấn sắn củ tươi/ngày, do Công ty TNHH chế biến nông sản Hoa Sơn làm chủ đầu tư; Dự án Nhà máy chế biến gỗ Nghệ An do Công ty CP Lâm nghiệp Tháng Năm làm chủ đầu tư với công nghệ châu Âu, công suất 130.000m3/năm và ván thanh 12.000m3/năm; Dự án đầu tư bò Úc của Công ty TNHH Kiều Phương ở Tân Kỳ; Dự án xi măng Sông Lam 2 của Tập đoàn The Vissai ở Anh Sơn... Các dự án nói trên đã khai thác tiềm năng mạnh mẽ từ đất đai, rừng, lao động... của miền Tây Nghệ An, và tạo nhiều việc làm cho lao động, đóng góp tích cực vào ngân sách tỉnh.

Châu Lan

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất

x
Động lực trong phát triển kinh tế miền Tây Nghệ An
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO