Gặp Thái Lan từ vòng bảng – nỗi lo của tuyển Việt Nam?
(Baonghean.vn) - Tư cách nước chủ nhà SEA Games 32 đã giúp U22 Campuchia ở vào nhóm hạt giống số 1 và đẩy bảng đấu “tử thần” cho đội cùng nhóm là U22 Việt Nam đối đầu với các kình địch U22 Thái Lan, U22 Malaysia… ngay từ vòng bảng.
Bởi vậy, môn bóng đá nam SEA Games sẽ gay cấn từ những trận đấu đầu tiên, buộc thầy trò ông Troussier phải “tính từng trận một” mà không còn đường nào khác để cố gắng bảo vệ tấm huy chương vàng đã 2 kỳ liên tiếp giành được.
Sở dĩ nói “cố gắng” vì U22 Việt Nam vừa thể hiện một bộ mặt thất vọng tại giải giao hữu quốc tế lứa U23 tại Doha Cup, trong khi đối thủ lớn nhất là U22 Thái Lan lại bừng bừng khí thế chiến thắng và tự tin tuyên bố là “vô đối” trong khu vực. Chưa kể các đối thủ khác cũng được đà để mạnh miệng, do nhập tịch cầu thủ, do tham vọng truất ngôi không ngừng.
U22 Việt Nam nằm ở bảng B cùng với U22 Thái Lan tại SEA Games 32. Ảnh: VFF |
Thực ra, việc gặp kình địch Thái Lan ngay từ vòng bảng cũng có cái hay riêng ở chỗ U22 Việt Nam trước hết sẽ tranh ngôi nhất bảng với đối thủ và nếu không thắng được thì ít nhất cũng phải đoạt ngôi nhì bảng, vẫn có cơ đi tiếp để vào bán kết. Khi đó, cơ hội gặp nhau ở chung kết vẫn còn và phải qua 2 trận đấu một mất một còn mới biết được ai thắng, ai thua. Nếu ở vòng bảng mắc sai lầm, thì trận đấu cuối cùng là lúc để sửa chữa và biết đâu thế cờ bị đảo ngược?
Ở AFF Cup cũng như SEA Games, không ít lần Việt Nam và Thái Lan gặp nhau từ vòng bảng. Đó là vào các năm 2008, 2012 ở AFF Cup và các năm 1995, 1999, 2003, 2009, 2015, 2017 và 2019 ở SEA Games. Tính ra, qua 7 kỳ SEA Games, chưa một lần U23 Việt Nam giành kết quả thắng, hòa 4 trận và thua 3 trận, ghi được 6 bàn thắng nhưng để thủng lưới tới 13 bàn. Nhưng cũng có thống kê đáng nói là dù không thắng Thái Lan ở vòng bảng nhưng sau đó U23 Việt Nam và Đội tuyển Việt Nam đã có tới 5 lần vào chung kết vào các năm 1995, 1999, 2003 (năm SEA Games bắt đầu thi đấu lứa U23), 2009, 2019 và 2022. Và giờ đây, kỳ SEA Games 32 này, hai kỳ phùng địch thủ lại gặp nhau từ vòng bảng lại có thể diễn ra kịch bản chưa bung sức từ đầu mà thăm dò nhau, hẹn nhau ở chung kết để biết ai mới là “vô đối” ở khu vực chăng?
Ngay khi chưa bốc thăm chia bảng, lãnh đạo Liên đoàn Bóng đá Việt Nam và huấn luyện viên trưởng U23 Việt Nam và Đội tuyển nữ Việt Nam đã đồng lòng quyết tâm bảo vệ 2 tấm huy chương vàng tại SEA Games lần này. Như vậy dù gặp kình địch Thái Lan ở vòng bảng hay không, các đội tuyển của chúng ta vẫn phải giành chiến thắng ở trận đấu cuối cùng, mặc cho vô vàn khó khăn đang chờ ở phía trước.
Giờ đây, cả đội U23 lẫn đội nữ Việt Nam đều rơi vào các bảng đấu “tử thần” nhưng điều đó tuyệt nhiên không làm ai e ngại hay chùn bước. Tất nhiên, đây không phải là các đối thủ vượt trội như ở Doha Cup hay các đội tuyển nữ hàng đầu như Trung Quốc hay Nhật Bản. Các đối thủ có quyết tâm, có thực lực, được bổ sung lực lượng từ nhập tịch… nhưng nhìn chung không quá đẳng cấp tới mức khiến chúng ta “thua từ khi chưa đá”. Chúng ta có nhiều bài học trong quá khứ, nên sẽ không để bị động, bất ngờ và đi chệch hướng, trái lại chính đối thủ mới là bên bị bất ngờ trước sự gắn kết, sức mạnh nhân đôi của cả tập thể trong những trận đấu một mất, một còn.
HLV Troussier và U22 Việt Nam có nhiệm vụ bảo vệ tấm HCV môn bóng đá nam ở SEA Games 32. Ảnh: VFF |
Giờ không phải là lúc nêu ý kiến sao không đưa lứa U20 vừa thi đấu rất hay ở châu lục, bổ sung một số nhân tố nổi bật của U22 để dự SEA Games, một sân chơi ao làng, để thi thố, dẫu có thua cũng giúp lứa trẻ này cọ xát, tích lũy cho mục tiêu xa hơn? Cũng không nên loay hoay vào ra chuyện V-League cứ phải nghỉ liên tục để giành đất diễn cho các lứa U như chúng ta đang làm. Mọi ý kiến, nếu có, nên được nói ra khi mọi việc còn trong dự kiến, trong kế hoạch, chưa được bàn bạc và “chốt”. Nay các công đoạn đang vận hành liên tục, có chỗ thành, có nơi chưa nhưng nên chấp hành triệt để vì mục tiêu vừa trước mắt, vừa lâu dài của cả nền bóng đá.
Rõ ràng, mục tiêu trước mắt của chúng ta về việc lập một “hat-trick vàng” bóng đá nam SEA Games là vừa tầm, dù có thể rất khó khăn trước người Thái. Nhưng mục tiêu cao nhất, cần phải đạt được nhất trong vòng 3-5 năm hay 7-10 năm tới là tấm vé World Cup khi cơ hội mở ra với tất cả. Cuộc đua trong khu vực sẽ không chỉ giữa Việt Nam và Thái Lan, mà còn ở tầm châu lục với những cái tên sừng sỏ ở Tây Á, Trung Á nên khó khăn chồng chất đang chờ đợi, thách thức mọi sự cố gắng, mọi cách làm để đi về đích nhanh nhất. Và biết đâu, chưa thành công ở SEA Games hay chưa thành công trước người Thái chính là cách để chúng ta biết phải vượt lên từ đâu, lại là một cú hích cấp thiết để kịp điều chỉnh, bổ sung lực lượng, cách làm nhằm đạt mục tiêu cuối cùng./.