Giải đáp thắc mắc xung quanh hồ sơ Panama

06/04/2016 15:59

(Baonghean.vn) - Trong 24h qua, những thông tin xung quanh vụ rò rỉ tài liệu lớn nhất từ trước tới nay mang tên “Hồ sơ Panama” đã và đang tiếp tục gây chấn động các nền kinh tế - chính trị thế giới.

Ảnh minh họa. Nguồn: Reuters.
Ảnh minh họa. Nguồn: Reuters.

Các chính phủ phản ứng ra sao?

Ngay trong ngày 5/4, Chính phủ nhiều nước đã thông báo tiến hành điều tra các thông tin được tiết lộ trong "Hồ sơ Panama". Tại Canada, Giám đốc Văn phòng Tổng cục thuế Canada Diane Lebouthillier đã yêu cầu các đơn vị thu thập thông tin để tiến hành điều tra, đối chiếu chéo các thông tin với dữ liệu mà Tổng cục thuế đang nắm giữ.

Ngoài ra, Văn phòng Tổng cục thuế Canada cũng sẽ kiểm tra doanh thu thuế thực tế với tổng số thuế có thể thu về từ toàn bộ các hoạt động trong nền kinh tế. Những biện pháp này được kỳ vọng có thể giúp truy ra các vụ gian lận và truy thu bổ sung cho ngân sách nước này.

Và cách đây vài giờ đồng hồ, Pháp vừa quyết định đưa Panama trở lại danh sách đen các quốc gia và vùng lãnh thổ không hợp tác trong cuộc chiến chống nạn trốn thuế.

“Thiên đường thuế” là gì?

Với các nước phát triển, khái niệm thiên đường thuế không xa lạ với công dân, người nộp thuế của các quốc gia này, nhưng với phần đông người nộp thuế Việt Nam, việc trốn thuế tại các thiên đường quốc tế còn khá lạ lẫm.

Trên thực tế, giữ tài sản ở nước ngoài là một trong những nghiệp vụ bí ẩn nhất của thế giới tài chính, nhằm giấu của cải khỏi tầm mắt của các quan chức thuế trong nước, làm mập mờ nguồn gốc và danh tính chủ nhân thực sự.

Nói cách khác, tài sản ở nước ngoài, các công ty ma và những tài khoản bí mật chỉ là một vài công cụ được giới lãnh đạo, quan chức, người nổi tiếng các nước sử dụng để che giấu của cải, tránh phải kê khai, nộp thuế thu nhập trong nước.

Để thực hiện được điều này, khách hàng thường được hỗ trợ bởi các quy định hay công bố lỏng lẻo tại các thiên đường thuế nước ngoài, từ đó dễ dàng lập các tài khoản, lập công ty ma, thậm chí là rửa tiền, như hãng luật Mossack Fonseca có trụ sở tại Panama nhưng lại lập ra hàng chục nghìn công ty tại các lãnh thổ hấp dẫn nhà đầu tư nhờ thuế thấp và nhiều ưu đãi đặc biệt như được miễn mọi loại thuế. Hơn nữa, thủ tục đăng ký và thành lập doanh nghiệp cũng vô cùng nhanh chóng và thuận tiện.

Chính vì thế, với những quy định ưu đãi, bằng hàng nghìn công ty luật, tài chính, và ngân hàng có quan hệ mật thiết với chính phủ và thành lập công ty vỏ bọc có hoạt động ở các quốc gia khác, bằng việc không công khai danh tính chủ doanh nghiệp; cấm các ngân hàng chia sẻ thông tin về các tài khoản nước ngoài hoặc chủ tài khoản, không ký kết các hiệp định thuế và trao đổi thông tin với các nước khác, việc trốn thuế, rửa tiền được thực hiện dưới sự chống lưng của chính phủ các “thiên đường” này.

Các thiên đường thuế không phải là cụm từ xa lạ với các nước, nhưng còn khá mới mẻ với người đóng thuế ở Việt Nam. Ảnh minh họa: Internet.
Các thiên đường thuế không phải là cụm từ xa lạ với các nước, nhưng còn khá mới mẻ với người đóng thuế ở Việt Nam. Ảnh minh họa: Internet.

Biết được gì sau vụ rò rỉ chứng từ lịch sử?

Từ vụ việc cụ thể này, có thể nhận thấy có hai điều được rút ra.

Thứ nhất, đó là việc các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) có thể trốn thuế, trốn tránh trách nhiệm với chính phủ nước sở tại. Trong thực tế, nhiều doanh nghiệp FDI được đặt ở các nước có nguồn nhân công giá rẻ, được ưu đãi đầu tư, ưu đãi thuế… chỉ nhằm “tận dụng” ưu đãi, chứ không có động thái đóng góp xây dựng quốc gia đó thông qua việc đóng thuế thu nhập doanh nghiệp.

Nhiều doanh nghiệp FDI đã chuyển giá, báo khống chi phí sản xuất, chi phí nhập khẩu máy móc hết hạn sử dụng… để trốn tránh trách nhiệm của mình. Điều này đã và đang diễn ra hết sức nguy hại ở môi trường đầu tư ở Việt Nam.

Thứ hai, đó chính là sức mạnh của truyền thông. Với sự vào cuộc đồng loạt của nhiều cơ quan báo chí trên khắp thế giới, một mạng lưới công ty "ma" khổng lồ dường như lập ra để giúp giới nhà giàu trốn thuế, và trong một số trường hợp là rửa tiền đã bị phanh phui.

Điều này đòi hỏi một nỗ lực của 370 nhà báo từ 100 hãng truyền thông tại gần 80 quốc gia cùng tham gia một đại chiến dịch điều tra toàn cầu. Đáng kinh ngạc là các nhà báo đã tạo dựng một không gian riêng để từ những tòa soạn khác nhau cùng thảo luận vấn đề, thiết lập một tiêu chuẩn mới về khả năng phối hợp hành động giữa các nhà báo trong một sự hợp tác toàn cầu.

Tuy nhiên, điều đáng nhấn mạnh là mặc dù đã lôi ra ánh sáng một trong những vụ việc chấn động nhất nhưng các cơ quan truyền thông vẫn không quên các hành động nhân đạo. Các cơ quan báo chí tham gia vụ này không có kế hoạch tung ra tất cả số tài liệu họ đang có vì việc đó sẽ phơi bày nhiều thông tin nhạy cảm về những cá nhân vô tội và nhiều nhân vật nổi tiếng.

Điều này chứng tỏ rằng một mặt, nghề báo có thể làm một cách có trách nhiệm nhưng mặt khác, báo chí cần quan tâm đến việc cân bằng giữa lợi ích cá nhân, quốc gia với lợi ích của công chúng.

Từ hai điều cốt yếu này, có thể thấy, nếu cuộc chiến chống chuyển giá ở Việt Nam muốn đạt được kết quả tốt thì việc khai thác thông tin, cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin buộc phải đi trước một hoặc nhiều bước, mới mong có thể đưa ra ánh sáng những doanh nghiệp có quan hệ liên kết trốn tránh trách nhiệm đã cam kết với Việt Nam.

Sông Hồng

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất

x
Giải đáp thắc mắc xung quanh hồ sơ Panama
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO