Giải pháp nào để tiêu thụ dứa ổn định cho nông dân Quỳnh Lưu?

Xuân Hoàng - Quang An 29/03/2022 06:52

(Baonghean.vn) - Trước thực trạng giá dứa không ổn định, người nông dân năm được, năm mất, chính quyền địa phương ở huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An) đã tìm giải pháp tiêu thụ dứa ổn định cho cho bà con.

Clip: X.Hoàng - Q.An

Người trồng dứa thua lỗ

Thời điểm này, người trồng dứa trên địa bàn một số xã của huyện Quỳnh Lưu đang bước vào vụ thu hoạch bán cho thương lái. Khác với năm trước dứa được giá, thì năm nay giảm giá sâu, người trồng dứa thua lỗ.

Bà Nguyễn Thị Nga - chủ vườn dứa ở xã Tân Thắng không vui vì dứa năm nay giảm giá sâu. Ảnh: Quang An

Vợ chồng bà Hoàng Thị Nga ở xóm 1 - Tổng đội, xã Tân Thắng đang thu hoạch dứa bán cho thương lái cho biết, bước vào vụ thu hoạch năm nay, giá dứa giảm sâu ngay từ đầu vụ, với mức giá từ 2.000 - 5.000 đồng/kg. Với mức giá này là gia đình thua lỗ so với chi phí đầu tư.

Bà Nga cho hay, để dứa đạt năng suất trên 25 tấn ha, đòi hỏi phải đầu tư lớn về phân bón. Như gia đình bà trồng 6 ha dứa, đầu tư cứ 1 ha lên đến 7 tấn phân bón NPK/ha/năm, cùng đó là công làm đất, chăm sóc... khoảng 40 triệu đồng, tổng chi phí dự kiến khoảng 110 triệu đồng. Với giá dứa bình quân 3.500 đồng/kg như hiện nay, năng suất dứa nếu đạt 30 tấn/ha, thì lỗ khoảng 10 triệu đồng.

"Năm nào cũng vậy, 100% dứa quả đều bán cho thương lái, do thương lái đưa ra giá, chứ không có nhà máy hay doanh nghiệp nào vào mua. Do vậy, mong muốn của người trồng dứa chúng tôi là có nhà máy thu mua ngay tại vườn với mức giá phù hợp, để người trồng dứa không phải lo đầu ra", bà Hoàng Thị Nga chia sẻ.

Chị Nguyễn Thị Thắng - một thương lái ở xã Quỳnh Vinh (thị xã Hoàng Mai) cho trao đổi, năm nay lượng dứa trên thị trường rất nhiều, trong đó có dứa từ các tỉnh khác đổ về, nên tiêu thụ chậm. Trước đây, mỗi ngày riêng chị có thể tiêu thụ 4 tấn dứa cho bà con, thì nay chỉ 4 - 5 tạ, chủ yếu bán lẻ ở các chợ và dọc đường. Còn giá cả thì thương lái chúng tôi phụ thuộc vào thị trường để thu mua, thời điểm nào tiêu thụ nhanh thì nâng giá và ngược lại.

Trồng dứa đòi hỏi đầu tư cao và vất vả nhưng giá bán thấp khiến bà con thua lỗ. Ảnh: Quang An

Một số thương lái sử dụng xe ô tô vận tải hàng hóa cho biết thêm, do trên thị trường có quá nhiều dứa, nên hàng vận chuyển vào các tỉnh phía Nam vẫn khó bán, vì vậy, mỗi tuần chỉ đi được 1 chuyến, khiến lượng dứa tiêu thụ được cho bà con chậm lại. Nhiều gia đình dứa đến kỳ thu hoạch đã liên hệ bán, nhưng chưa thể thu mua được, vì hàng không chạy được.

Sẽ có nhà máy vào ký kết thu mua

Tân Thắng là vựa dứa của Quỳnh Lưu nói riêng và nghệ An nói chung hiện nay, với diện tích dứa cho thu hoạch ước khoảng 650 ha, mỗi năm sản lượng dứa hàng vạn tấn, tạo nguồn thu đáng kể cho người dân. Trước thực trạng giá dứa giảm sâu, khó tiêu thụ trên thị trường, chính quyền địa phương đã phải chủ động vào cuộc.

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Quốc Khánh - Chủ tịch UBND xã Tân Thắng cho biết: Dứa là một trong những cây trồng chủ lực của địa phương, do vậy, tình trạng giá bán dứa không ổn định, hoàn toàn phụ thuộc vào thương lái tự do, thì đây là băn khoăn, trăn trở của chính quyền địa phương. Theo tìm hiểu được biết, nguyên nhân dứa năm nay giảm giá sâu, là các doanh nghiệp khó xuất khẩu ra nước ngoài, đặc biệt là thị trường châu Âu, nên các nhà máy thu mua dứa với số lượng dứa, khiến sản phẩm dứa nội địa "cung lớn hơn cầu".

Chính quyền xã Tân Thắng đã có những giải pháp tiêu thụ dứa cho bà con, trong đó vận động thương lái mở rộng thị trường tiêu thụ. Ảnh: Xuân Hoàng

Trước tình hình đó, mới rồi lãnh đạo xã Tân Thắng liên hệ làm việc trực tiếp với một số nhà máy chế biến dứa trong và ngoài tỉnh để tìm giải pháp tiêu thụ dứa cho bà con. Trong đó, đã có nhà máy chế biến dứa Đồng Giao ở tỉnh Ninh Bình đã hứa sẽ sớm có kế hoạch trực tiếp vào địa phương hợp đồng với người trồng dứa để ký kết tiêu thụ lâu dài, xem Tân Thắng là vùng nguyên liệu dứa của nhà máy Đồng Giao.

"Trước đây đã có nhà máy trên địa bàn tỉnh thu mua dứa cho bà con, tuy nhiên, số lượng thu mua của nhà máy hàng năm không đáng kể so với sản lượng dứa của địa phương, nên phần lớn sản phẩm dứa ở đây do thương lái thu mua, dẫn đến bị động trong khâu tiêu thụ", ông Nguyễn Quốc Khánh cho hay.

"Hiện nay mới vào vụ thu hoạch đã giảm giá sâu, thì khoảng 1 tháng nữa là thu hoạch chính vụ, sản lượng dứa mỗi ngày sẽ lớn hơn nhiều. Do vậy, chính quyền địa phương mong muốn phía nhà máy chế biến dứa Đồng Giao sớm có kế hoạch ký kết thu mua dứa cho bà con để giải quyết đầu ra sản phẩm dứa một cách ổn định".

Ông Nguyễn Quốc Khánh - Chủ tịch UBND xã Tân Thắng

Cùng đó, trước mắt xã vận động một số thương lái lớn, mở rộng thị trường tiêu thụ, đặc biệt là khi Chính phủ có chủ trương mở cửa du lịch, thì đây là cơ hội để tiêu thụ dứa tại các điểm du lịch.

Bên cạnh đó, xã cũng vận động bà con không nên mở rộng diện tích dứa và trồng, chăm sóc rải vụ để tránh tình trạng thu hoạch cùng một lúc dẫn đến "cung lớn hơn cầu" trong một thời điểm.

Toàn huyện Quỳnh Lưu có trên 1.000 ha dứa được trồng chủ yếu ở các xã Tân Thắng, Quỳnh Thắng, Quỳnh Châu. Thời điểm thu hoạch dứa chính vụ sẽ vào khoảng thời gian từ tháng 3 - 6 dương lịch.


Mới nhất
x
Giải pháp nào để tiêu thụ dứa ổn định cho nông dân Quỳnh Lưu?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO