Giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ các doanh nghiệp

12/08/2016 10:30

Tại cuộc họp báo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) về định hướng điều hành chính sách tiền tệ những tháng cuối năm diễn ra vào chiều 11/8, bà Nguyễn Thị Hồng, Phó Thống đốc NHNN cho biết, cơ quan điều hành sẽ phấn đấu giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ các doanh nghiệp.

Lãi suất tương đối ổn định

Ông Nguyễn Đức Long, Phó vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN) cho biết: Để thực hiện chủ trương giảm lãi suất, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, từ cuối tháng 5/2016, NHNN đã yêu cầu các tổ chức tín dụng (TCTD) cân đối giữa guồn vốn huy động và sử dụng vốn, tiết giảm chi phí hoạt động, nâng cao hiệu quả kinh doanh để có điều kiện giảm lãi suất cho vay. NHNN cũng đã ban hành thông tư sửa đổi quy định các giới hạn tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của TCTD, trong đó điều chỉnh tỷ lệ nguồn vốn ngắn hạn để cho vay trung dài hạn giảm dần theo lộ trình nhằm hạn chế rủi ro thanh khoản, đã góp phần hỗ trợ giảm áp lực lãi suất cho các TCTD từ nay đến cuối năm.

Khách hàng giao dịch tại ngân hàng. Ảnh: Trần Việt/TTXVN

Vì vậy theo ông Long, đến nay, mặt bằng lãi suất cho vay của các TCTD tương đối ổn định. Từ cuối tháng 4/2016, các ngân hàng thương mại (NHTM) nhà nước và một số NHTM cổ phần đã giảm 0,5%/năm lãi suất cho vay ngắn hạn và đưa lãi suất cho vay trung và dài hạn về tối đa 10%/năm đối với các khách hàng vay vốn phục vụ sản xuất kinh doanh.

“Đây là nỗ lực của ngành ngân hàng bởi từ đầu năm, nhiều chuyên gia kinh tế cũng như NHNN dự báo lạm phát sẽ tăng trở lại thì việc điều hành ổn định mặt bằng lãi suất là nhiệm vụ hết sức khó khăn. Trong khi đó có thời điểm đầu năm, một số ngân hàng còn tăng lãi suất huy động do lo ngại phải thực hiện Thông tư 36 với các quy định mới về giới hạn, tỷ lệ đảm bảo an toàn trong hoạt động của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Sau đó NHNN đã ban hành sửa đổi Thông tư 36 giúp giải tỏa tâm lý, áp lực về lãi suất”, Phó Thống đốc Nguyễn Thị Hồng đánh giá.

Để thực hiện chủ trương của Chính phủ về tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, phấn đấu giảm lãi suất cho vay, NHNN cũng đã có chính sách cung ứng tiền và hút tiền phù hợp để đảm bảo thanh khoản ở mức hợp lý. Trên thị trường liên ngân hàng, lãi suất cũng được điều hành ở mức phù hợp nhằm ngăn chặn các ngân hàng sẽ không đẩy lãi suất tăng lên.

Theo báo cáo của NHNN, mặt bằng lãi suất cho vay VND hiện phổ biến đối với các lĩnh vực ưu tiên ở mức 6 - 7%/năm đối với ngắn hạn. Các NHTM nhà nước áp dụng lãi suất cho vay trung và dài hạn phổ biến đối với các lĩnh vực ưu tiên ở mức 9 - 10%/năm. Lãi suất cho vay các lĩnh vực sản xuất kinh doanh thông thường ở mức 6,8 - 9%/năm đối với ngắn hạn; 9,3 - 11%/năm đối với trung và dài hạn. Đối với nhóm khách hàng tốt, tình hình tài chính lành mạnh, minh bạch, lãi suất cho vay ngắn hạn từ 5 - 6%/năm. Lãi suất cho vay USD phổ biến ở mức 2,8 - 6,2%/năm; trong đó lãi suất cho vay ngắn hạn phổ biến ở mức 2,8 - 5,2%/năm, lãi suất cho vay trung, dài hạn ở mức 5,1 - 6,2%/năm.

Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, với khung lãi suất cho vay nói trên, doanh nghiệp vẫn gặp khó khăn trong kinh doanh do chi phí đầu vào biến động, tăng cao và tỷ suất lợi nhuận giảm. Do vậy, cộng đồng doanh nghiệp vẫn mong đợi lãi suất cho vay giảm thêm từ nay tới cuối năm.

Nợ xấu giảm còn 2,58%

NHNN cho biết, đến cuối tháng 6/2016, tỷ lệ nợ xấu của toàn hệ thống là 2,58%, giảm so với mức 2,78% vào tháng 5/2016. Theo số liệu do Công ty quản lý nợ của các tổ chức tín dụng (VAMC) báo cáo, tổng các khoản nợ xấu được xử lý trong 6 tháng đầu năm đạt 59,71 nghìn tỷ đồng, giảm 14,55% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, bán nợ cho VAMC đạt 8,88 nghìn tỷ đồng, khách hàng trả nợ 30,98 nghìn tỷ đồng, sử dụng dự phòng rủi ro để xử lý nợ xấu đạt 7,24 nghìn tỷ đồng.

Tuy nhiên, ông Đoàn Văn Thắng, Phó Tổng giám đốc VAMC khẳng định, vướng mắc lớn nhất trong xử lý nợ xấu của VAMC hiện nay nằm ở thị trường mua bán nợ xấu. Theo quy định, việc bán nợ xấu của các doanh nghiệp nhà nước chỉ thực hiện bán nợ cho các đơn vị có chức năng kinh doanh nợ xấu. Điều này là một hạn chế cho VAMC.

Ông Thắng lý giải, hiện nay trên thị trường hoạt động kinh doanh nợ chủ yếu có VAMC, Công ty mua bán nợ Việt Nam (DATC) và khoảng 28 công ty quản lý tài sản (AMC) của các ngân hàng thương mại. Tuy nhiên, các AMC của các tổ chức tín dụng hoạt động còn nhiều hạn chế. Như vậy, việc mua bán nợ xấu chủ yếu trên thị trường là VAMC và DATC.

“Chính phủ vừa ban hành Nghị định 69/2016/NĐ - CP quy định về điều kiện kinh doanh dịch vụ mua bán nợ. Hy vọng trong thời gian tới khi Nghị định này đi vào cuộc sống, các doanh nghiệp có chức năng kinh doanh nợ xấu sẽ phát triển”, ông Đoàn Văn Thắng nói.

Theo Minh Phương/baotintuc

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất

x
Giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ các doanh nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO