Giọt nước mắt chân thật của ông Barack Obama

08/01/2016 09:47

(Baonghean) - Hôm 6/1, sau bài phát biểu đầy cảm xúc trước người dân Mỹ, Tổng thống Obama đã chính thức công bố đề xuất quy định mới thắt chặt kiểm soát súng đạn - một vấn đề mà ngay từ khi tranh cử tổng thống ông đã đề cập tới.

Sau nhiều nỗ lực nhanh chóng bị rơi vào quên lãng tại Quốc hội, lần này có vẻ cả tình cảm và lý trí đã thúc đẩy ông dùng quyền Tổng thống theo hiến định để “qua mặt” Quốc hội. Mặc dù rất khó khăn, song hy vọng với quyết định cứng rắn của ông, người dân Mỹ sẽ không phải nơm nớp lo sợ về những vụ xả súng kinh hoàng sẽ đến với mình.

Thực trạng “đánh vật” ông Obama

Hơn 55.000 đại lý súng được cấp phép tại Mỹ, từ những cửa hàng nhỏ đến cả những chuỗi kinh doanh lớn. Ảnh: Getty Images.
Hơn 55.000 đại lý súng được cấp phép tại Mỹ, từ những cửa hàng tư nhân nhỏ đến cả những chuỗi kinh doanh lớn. Ảnh: Getty Images.

Theo số liệu thống kê năm 2015 tại Mỹ, có hơn 55.000 đại lý súng được cấp phép. Trong đó bao gồm cả những cửa hàng tư nhân nhỏ đến những chuỗi cửa hàng. Ngoài ra còn có hơn 8.000 cửa hàng cầm đồ được cấp phép bán súng.

Luật pháp liên bang quy định người mua súng ở các đại lý được cấp phép cũng như các cửa hàng cầm đồ đều phải được kiểm tra nhân thân. Theo Bộ Tư pháp Mỹ, có 9 đối tượng bị cấm mua bán súng đạn bao gồm những kẻ phạm tội; tội phạm đào tẩu; người nghiện ma túy hoặc sử dụng ma túy bất hợp pháp; người bị bệnh tâm thần; người bị sa thải khỏi các lực lượng vũ trang; người từ bỏ quốc tịch Mỹ; người nhập cư trái phép và người có liên quan đến bạo lực gia đình…

Bên cạnh đó, luật cũng cấm các đại lý được cấp phép bán súng ngắn cho những người dưới 21 tuổi, cấm bán súng trường và súng săn cho những người dưới 18 tuổi.

Quy định là vậy, tuy nhiên không phải tất cả người mua súng đều tìm tới các cửa hàng mà có thể mua ở chợ đen hay mua của những người sở hữu khác. Họ có thể mua bất kỳ khẩu súng nào, từ súng ngắn, súng trường hay các loại súng khác ở những người buôn súng không có giấy phép.

Điều này dẫn tới thực trạng vô cùng nguy hiểm, đó là khâu kiểm tra nhân thân của người mua bắt buộc theo quy định của luật pháp bị bỏ qua. Chính vì thế, đến nay đã có tới 40% số lượng súng được bán ra ở Mỹ không được kiểm soát.

Ở Mỹ súng đạn được quảng cáo trên các trang mạng nhưng theo luật liên bang, giao dịch thực tế phải diễn ra ở cửa hàng được cấp phép hoạt động. Các cơ quan chức năng kiểm tra hoạt động của những cơ sở này theo định kỳ. Một nghiên cứu chỉ ra rằng, cứ 30 người tìm mua súng trên các trang mạng mua sắm trực tuyến thì có 1 đối tượng có tiền án.

Những vụ xả súng khiến ít nhất 4 người thương vong diễn ra tại Mỹ trong năm 2015. Ảnh: Shootingtracker.com.
Những vụ xả súng khiến ít nhất 4 người thương vong diễn ra tại Mỹ trong năm 2015. Ảnh: Shootingtracker.com.

Chính sự quản lý lỏng lẻo súng đạn nên cho đến nay, đã có tới 310 triệu khẩu súng đang lưu hành, Mỹ là một trong những quốc gia có công dân sử dụng vũ khí nhiều nhất trên thế giới. Súng đạn hiện được xếp thứ 13 trong danh mục các nguồn gốc dẫn tới chết người nhiều nhất hàng năm ở Mỹ.

Với những con số thống kê kinh hoàng như vậy, rõ ràng không phải đến sau một số vụ xả súng diễn ra mới đây người ta mới nhận ra cần thiết phải kiểm soát súng đạn. Bởi theo thống kê, cứ trung bình hơn một ngày sẽ có 1 người tại Mỹ thiệt mạng bởi súng đạn.

Nỗ lực cuối của vị Tổng thống sắp mãn nhiệm

Tuy mọi con số đều phần nào chỉ ra việc quản lý súng lỏng lẻo là nguyên nhân gây ra những vụ xả súng kinh hoàng tại Mỹ trong nhiều năm qua, với số người thiệt mạng lớn gấp nhiều lần so với con số thương vong bởi các vụ tấn công khủng bố. Thế nhưng, những nỗ lực để hạn chế dẫn đến kiểm soát tình hình mua bán súng đạn trên thị trường luôn bị lãng quên khi trình lưỡng viện Mỹ.

Sau cuộc bầu cử quốc hội địa phương, Đảng Cộng hòa đối lập giành chiến thắng áp đảo và kiểm soát hoàn toàn Thượng viện và Hạ viện. Trong khi đó, ngành công nghiệp súng đạn mỗi năm mang về 3,5 tỷ USD - một con số quá lớn mà lợi ích chủ yếu do phe Cộng hòa nắm giữ. Vậy nên việc họ ra sức ngăn cản dự luật kiểm soát súng đạn của đương kim Tổng thống cũng là điều dễ hiểu.

Và để ngụy biện cho việc ngăn cản này, không ít chính khách cấp cao thuộc đảng Cộng hòa đã “hùng hồn” đưa ra tuyên bố đại ý: "Thứ duy nhất để ngăn chặn một kẻ xấu có súng là một người tốt có súng"; hay “kiểm soát súng đạn có nghĩa là tước đoạt đi quyền tự bảo vệ của người dân, là việc làm đi ngược lại xã hội dân chủ”...

Lối suy nghĩ kiểu này cộng với nguy cơ trở thành nạn nhân của những vụ xả súng bất cứ lúc nào đã làm người dân Mỹ tìm đến súng đạn để phòng thân. Và khi việc kiểm soát súng đạn vẫn còn bị “ách” lại bởi lưỡng viện, nhu cầu ngày càng tăng cao là nguyên nhân dẫn đến tình trạng sử dụng súng quá nhiều trong người dân Mỹ hiện nay.

Tổng thống Obama xúc động lau những giọt nước mắt khi nhắc đến 20 học sinh trường Tiểu học Sandy Hook thiệt mạng trong vụ xả súng hồi năm 2012. Ảnh: Internet.
Tổng thống Obama xúc động lau nước mắt khi nhắc đến 20 học sinh trường Tiểu học Sandy Hook thiệt mạng trong vụ xả súng hồi năm 2012. Ảnh: Internet.

Hôm 6/1 vừa rồi, một chi tiết mà có lẽ bất cứ ai khi xem Tổng thống Obama công bố về đề xuất quy định mới thắt chặt kiểm soát súng đạn đều phải suy nghĩ. Đó là việc ông đã rơi nước mắt khi nhắc đến 20 học sinh tiểu học thiệt mạng trong vụ xả súng năm 2012 ở thị trấn Newtown, bang Connecticut.

"Tôi như phát điên mỗi khi nghĩ về những đứa trẻ đó”. Ông lau nước mắt và tiếp tục: “Bạo lực cũng xảy ra hàng ngày trên những con phố ở Chicago".

Những giọt nước mắt của ông hẳn đã tác động sâu sắc tới tâm tư, tình cảm của không ít người dân Mỹ. Ngay cả ứng viên Donald Trump, ứng cử viên tranh cử Tổng thống của Đảng Cộng hòa - một người vốn theo đường lối diều hâu bảo thủ số 1 hiện nay đã phải nhận xét rằng “Những giọt nước mắt ấy là thật”. Thế nhưng vị tỷ phú này cũng không quên nêu quan điểm phản đối của mình “cái sai của ông ấy là các biện pháp chứ không phải cảm xúc” và chỉ trích kế hoạch của ông Obama là một bước trong lộ trình không cho phép mua bán súng.

Nhiều nhân vật khác của phe Cộng hòa như Thượng nghị sĩ Ted Cruz, Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ John McCain cũng đều đã lên tiếng chỉ trích đề xuất của Tổng thống Obama và cho rằng đây là một sự lạm quyền.

Sau nhiều trì hoãn, Tổng thống Obama đã quyết định dùng quyền hành pháp để chính thức công bố đề xuất quy định mới thắt chặt kiểm soát súng đạn. Tuy hiện thời có thể vượt qua được Quốc hội Mỹ, nhưng để thực hiện được quy định này cũng không phải là điều đơn giản bởi chắc chắn nhóm lợi ích trong quốc hội sẽ không thể bỏ qua “mỏ vàng” mà họ sở hữu.

Và ngay cả khi việc kiểm soát súng đạn được thực thi, thì liệu rằng nước Mỹ sẽ thực sự hạn chế những vụ xả súng? Đây là câu hỏi vẫn còn chưa có lời giải trong tương lai gần, đặc biệt trong bối cảnh chỉ hơn 1 năm nữa, Tổng thống Barack Obama sẽ mãn nhiệm, người lên thay là ai và có muốn kiểm soát buôn bán súng đến mấy cũng không dễ thực hiện.

Cảnh Nam

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất
x
Giọt nước mắt chân thật của ông Barack Obama
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO