Hiệu quả trồng dược liệu ở Con Cuông
(Baonghean.vn) - Chuyển đổi từ đất trồng sắn, trồng mía kém hiệu quả sang trồng cây dược liệu có hiệu quả kinh tế cao, có liên kết tiêu thụ sản phẩm với doanh nghiệp... là mô hình thành công cần được nhân rộng tại xã biên giới Châu Khê (Con Cuông).
Trên diện tích 420 m2, trước đây gia đinh ông Nguyễn Thế Dũng ở thôn 2/9, xã Châu Khê (Con Cuông) trồng một số loại cây như sắn, mía nhưng không phù hợp nên hiệu quả kinh tế mang lại không cao.
Đầu năm 2020, được sự hỗ trợ xây dựng mô hình từ chương trình nông thôn mới của huyện Con Cuông và Công ty Dược liệu Pù Mát, gia đình ông Dũng quyết định chuyển đổi toàn bộ diện tích đất trên để trồng cà gai leo.
Cà gai leo được trồng tại xã Châu Khê phù hợp với chất đất nên phát triển nhanh. Ảnh: Bá Hậu |
Thực hiện mô hình này, ngoài được hỗ trợ phân bón, cây giống của huyện ông còn được Công ty Dược liệu Pù Mát hỗ trợ kỹ thuật trồng, chăm sóc. Để đảm bảo nguồn nước tưới thường xuyên cho cây, gia đình ông cũng như các hộ dân tham gia mô hình được hỗ trợ khoan giếng ngay tại mô hình. Phân bón cho cây được sử dụng chủ yếu từ phân chuồng của gia đình hoặc thu gom phân chuồng của những nhà dân trong xã.
Sau 6 tháng kể từ ngày xuống giống, cây cà gai leo phù hợp với chất đất và khí hậu ở địa phương nên mô hình này phát triển tốt, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với những loại cây trồng trước đây của gia đình ông.
Ông Nguyễn Thế Dũng cho biết: “Chúng tôi rất phấn khởi vì được xã chọn làm mô hình thí điểm trồng cà gai leo và được huyện hỗ trợ kinh phí thực hiện mô hình. Cũng diện tích đất này, vụ sắn năm trước gia đình tôi chỉ thu được hơn 1 triệu đồng. Giờ chuyển sang trồng cà gai leo lợi nhuận mang lại gấp nhiều lần (vụ vừa rồi thu hoạch được gần 9 triệu đồng). Nhờ vậy, cuộc sống gia đình tôi tốt hơn trước nhiều. Thời gian tới, chúng tôi mong tiếp tục được địa phương và doanh nghiệp hỗ trợ để mở rộng mô hình này”.
Cà gai leo được trồng sau 4 tháng cho thu hoạch. Ảnh: Bá Hậu |
Cũng như gia đình ông Dũng, gia đình anh Phan Đình Thuận - Trưởng thôn 2/9, xã Châu Khê được hỗ trợ trồng 400 m2 cà gai leo trên đất trồng sắn và mía kém hiệu quả. Nhờ thực hiện đúng quy trình kỹ thuật nên bước đầu mô hình mang lại hiệu quả khá cao.
Anh Thuận chia sẻ: “So với các loại cây khác trước đây thì trồng cà gai leo thuận lợi hơn nhiều, thu nhập cao hơn 4 lần trồng mía (đợt thu hoạch đầu tiên được 8 triệu đồng, nếu trồng sắn như trước đây chỉ được 2 triệu đồng). Bước đầu, gia đình không phải đầu tư về vốn mà chỉ bỏ công sức để trồng và chăm sóc, sản phẩm được doanh nghiệp cam kết thu mua với giá ổn định. Do đó, thời gian tới chúng tôi sẽ chuyển đổi thêm một số diện tích sang trồng cà gai leo để tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống”.
Cũng theo anh Thuận, sau khi trồng thí điểm 1 ha, nhận thấy được hiệu quả sau khi thu hoạch lứa đầu tiên, nay bà con đã đăng ký mở rộng trồng thêm 2 ha nữa trong thời gian tới.
Cà gai leo được tưới nước bằng hệ thống tự động; Người dân xã Châu Khê phấn khởi thu hoạch lứa cà gai leo đầu tiên cho năng suất cao. Ảnh: Bá Hậu |
Thực hiện chủ trương chuyển đổi cây trồng, năm 2020 xã Châu Khê được huyện Con Cuông chọn làm điểm xây dựng mô hình trồng cây dược liệu cà gai leo với tổng diện tích 1 ha cho 25 hộ dân ở thôn 2/9 tham gia. Để triển khai thực hiện mô hình, ngoài việc hỗ trợ các hộ dân vật tư, phân bón, cây giống các hộ dân tham gia còn được hỗ trợ kỹ thuật trồng và chăm sóc cây cà gai leo.
Đặc biệt, giới thiệu kết nối tiêu thụ sản phẩm sau khi thu hoạch. Kết quả bước đầu cho thấy, cây cà gai leo tại xã Châu Khê rất thích hợp với khí hậu và thổ nhưỡng ở đây. Qua triển khai, mô hình trồng cà gai leo sinh trưởng, phát triển tốt, ít bị sâu bệnh hại và cho thu hoạch lứa đầu. Từ lứa thu hoạch đầu tiên, sau 4 tháng là tiếp tục thu hoạch lứa tiếp theo. Mỗi năm cây cà gai leo cho thu hoạch 2 đợt. Bình quân mỗi sào cho thu hoạch khoảng 2 tấn tươi (tương đương 6 tạ khô). Với giá bán trung bình 9.000 đồng/kg tươi, tính ra với mỗi sào thu hoạch sau khi trừ chi phí mang lại thu nhập từ 13- 16 triệu đồng/năm.
“Mô hình trồng cà gai leo ở xã bước đầu rất khả quan. So với các vụ trồng sắn, mía trước đây thì hiệu quả kinh tế của cây cà gai leo cao gấp rất nhiều lần, vì trồng sắn lâu năm đã dần kém hiệu quả do đất bạc màu. Hiện nay, nhiều hộ dân có nguyện vọng được tham gia mô hình này nên xã tiếp tục vận động thực hiện chuyển đổi cây trồng, trong đó ưu tiên cây cà gai leo. Cần tập trung chuyển đổi các diện tích sắn lâu năm, kém hiệu quả. Trên cơ sở xã liên doanh, liên kết với doanh nghiệp, sản phẩm cà gai leo ổn định được đầu ra nên người dân cũng yên tâm để nhân rộng mô hình”.