Hơn 200 ha lúa ở Quỳ Châu bị nhiễm rầy nâu, rầy lưng trắng

03/08/2017 16:52

(Baonghean.vn) - Thời tiết nắng mưa xen kẽ, độ ẩm không khí cao khiến rầy nâu và rầy lưng trắng phát triển, tấn công các trà lúa hè thu. Để chủ động phòng trừ bệnh, Trạm trồng trọt và bảo vệ thực vật huyện Quỳ Châu đã kết hợp với bà con nông dân tăng cường kiểm tra đồng ruộng, xử lý kịp thời để hạn chế ảnh hưởng đến năng suất lúa.

Gia đình bà Nguyễn Thị Hà ở khối 3, thị trấn Tân Lạc, có 0,3 ha lúa nước đều bị rầy nâu, rầy lưng trắng tàn phá. Sau khi phát hiện lúa bị vàng lá, xuất hiện rầy nâu và rầy lưng trắng trên cây lúa, gia đình bà đã chủ động phun trừ kịp thời bằng thuốc Sutin để hạn chế thiệt hại thấp nhất đối với năng suất lúa của gia đình.

phun thuốc phòng trừ sâu bệnh. Ảnh: Hà Thảo
Bà Nguyễn Thị Hà chủ động phun thuốc Sutin để trừ rầy nâu, rầy lưng trắng. Ảnh: Hà Thảo

Vụ hè thu năm 2017 toàn huyện Qùy Châu gieo cấy được gần 900 ha lúa nước. Hiện nay, lúa đang trong thời kỳ đứng cái, làm đòng, tuy nhiên trên các trà lúa đang bị tàn phá bởi các loại dịch hại chủ yếu là rầy nâu, rầy lưng trắng và phát sinh bệnh khô vằn. Đến nay, toàn huyện đã có gần 200 ha lúa bị nhiễm rầy, trong đó có 29 ha nhiễm trung bình, 2 ha nhiễm nặng.

rầy sung naung trawmgs
Toàn huyện Quỳ Châu hiện có trên 200 ha lúa bị nhiễm rầy nâu, rầy lưng trắng với mật độ phổ biến 600-1.500 con/m2, cục bộ 2.000 con/m2, rầy chủ yếu tuổi 1, 2. Ảnh: Kế Kiên

Ông Nguyễn Xuân Linh, phụ trách Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện Quỳ Châu cho biết: “Để chủ động phòng trừ hiệu quả, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do sâu bệnh gây ra, không để phát sinh và lây lan, gây hại trên diện rộng, ảnh hưởng đến năng suất lúa thì những diện tích lúa từ thời kỳ đẻ nhánh đến làm đòng chỉ khuyến cáo phun trừ trên các diện tích có mật độ rầy từ 1.000 con/m2 trở lên bằng một trong các loại thuốc sau: Chess 50WG, Oshin 20WP, Elsin 10 EC, Sutin 50 SC, Chatot 600 WG… để phun trừ theo liều khuyến cáo. Khi phun không cần phải rẽ lúa song phải đảm bảo đủ lượng nước thuốc ( 24-30 lít/500m2) và hạ thấp vòi phun ướt đều vào phần thân, lá lúa.

Để phòng trừ rầy hiệu quả, bà con nông dân cần thường xuyên thăm đồng ruộng, phát hiện kịp thời sâu bệnh. Bên cạnh đó, bón phân cân đối cho cây lúa cũng rất quan trọng, bà con tuyệt đối không bón thừa lượng đạm./.

Hà Thảo - Kế Kiên

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất

x
Hơn 200 ha lúa ở Quỳ Châu bị nhiễm rầy nâu, rầy lưng trắng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO