Hơn 200 hiện vật quý hiếm về nghề thêu, dệt truyền thống lần đầu ra mắt công chúng
(Baonghean.vn) - Hơn 200 hiện vật, hình ảnh, tư liệu gốc, độc bản có giá trị về nội dung và nghệ thuật về nghề thêu, dệt truyền thống lần đầu tiên được công bố và trưng bày tại Bảo tàng Nghệ An thu hút đông đảo người dân tham quan, tìm hiểu.
Sáng 16/5, Bảo tàng Nghệ An tổ chức khai mạc trưng bày chuyên đề “Tinh hoa nghề dệt, thêu truyền thống ở Nghệ An”. Đây là hoạt động hướng tới kỷ niệm 128 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2018) và lễ hội Làng Sen 2018, kỷ niệm 40 năm ngày Quốc tế Bảo tàng (18/5/1978 - 18/5/2018).
Tham dự lễ khai mạc triển lãm có đồng chí Hồ Mậu Thanh - Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao; đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành liên quan. Ảnh: Phương Thúy |
Theo đó, Bảo tàng Nghệ An trưng bày hơn 200 hiện vật, hình ảnh, tư liệu trong đó có nhiều hiện vật gốc, độc bản có giá trị về nội dung và nghệ thuật lần đầu tiên được công bố. Ví như bộ sưu tập tranh thêu cổ, sưu tập bổ tử trên áo quan các triều đại thời phong kiến, sưu tập câu đối, hoành phi... phản ánh trình độ và kỹ thuật dệt, thêu điêu luyện của các nghệ nhân xứ Nghệ.
Các hiện vật, hình ảnh và tư liệu được trình bày theo 3 chủ đề chính: Nghề dệt, thêu trong đời sống của người Kinh ở Nghệ An; Nghề dệt trong đời sống của dân tộc Thái ở Nghệ An; Bảo tồn và phát huy giá trị nghề dệt, thêu truyền thống nhằm giúp cho công chúng có cái nhìn chân thực, khái quát hơn về nghề thêu, dệt thủ công của địa phương.
Bộ sưu tập áo quan thời phong kiến lần đầu tiên được công bố. Ảnh: Phương Thúy |
Đến với các tác phẩm trưng này, người xem có thể hiểu rõ các khâu kỹ thuật và quy trình dệt vải cơ bản của nghề dệt thêu vải thủ công truyền thống. Bên cạnh đó, công chúng cũng được thưởng thức nhiều tác phẩm dệt thủ công, thêu tay nổi tiếng như: bức tranh thêu Tùng, Cúc, Trúc, Mai; các giống loài Rồng, Hạc, Công, Phượng… Chỉ với đường kim, mũi chỉ và đôi bàn tay khéo léo, người thợ thêu xứ Nghệ làm nên những sản phẩm mang đậm dấu ấn văn hóa của địa phương, của dân tộc mình, của tâm hồn và trí tuệ người thợ.
Ngoài việc trưng bày các hiện vật cổ, buổi triển lãm còn đưa nghề vải thủ công truyền thống và nghệ nhân tới gần hơn cộng đồng những người quan tâm bằng việc trải nghiệm thêu, dệt của người dân tộc Thái và trò chuyện với các nghệ nhân.
Trình diễn kỹ thuật thêu truyền thống của dân tộc Thái tại triển lãm. Ảnh: Phương Thúy |
Một tác phẩm nghệ thuật thêu tay của các nghệ nhân thời phong kiến. Ảnh: Phương Thúy |
Thông qua hoạt động này, Bảo tàng Nghệ An mang tới thông điệp kêu gọi nhân dân nâng cao nhận thức về các di sản văn hóa quý giá mà cha ông ta đã trao truyền lại; đồng thời có trách nhiệm bảo tồn, phát huy vốn di sản về nghề, làng nghề truyền thống trong đời sống văn hóa cộng đồng.
Triển lãm mở cửa đến tháng 12/2018./.