Hơn 90% người được tuyển theo chính sách trọng dụng nhân tài đang là chuyên viên
Hơn 90% người được tuyển dụng, thu hút theo chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài, nguồn nhân lực chất lượng cao tại 24 bộ ngành, địa phương đang giữ chức vụ chuyên viên.
Đây là con số đáng chú ý từ kết quả khảo sát của Bộ Nội vụ về số lượng, chất lượng công chức, viên chức được tuyển dụng, thu hút theo chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài, nguồn nhân lực chất lượng cao.
Kết quả thống kê từ 24 bộ, ngành, tỉnh, thành (3 bộ, 21 tỉnh, thành ) cho thấy, có 3.128 người được tuyển dụng theo chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài, nguồn nhân lực chất lượng cao. Đến nay, có 2.903 người vẫn đang công tác, chiếm 92,8%; 225 người đã nghỉ việc, chiếm 7,2%.
Trong đó, Đà Nẵng là nơi thu hút nhiều nhất với 1.269 người, hiện đã nghỉ việc 102 người. Tiếp đến là tỉnh Quảng Ngãi thu hút được 346 người, đã nghỉ 41 người. Hà Nội cũng là 1 trong 3 địa phương thu hút được nhiều nguồn nhân lực chất lượng cao với số lượng 173 người, đến nay đã nghỉ 2 người.
Về trình độ chuyên môn khi được thu hút có 68 tiến sĩ, 853 thạc sĩ, 1.899 có trình độ đại học.
Về trình độ lý luận chính trị: Số người có trình độ lý luận chính trị sơ cấp chiếm tỷ lệ cao nhất với 1.421 người, chiếm 76,94%; trung cấp 316 người, chiếm 17,11% và 110 người có trình độ cao cấp, chiếm 5,96%.
Về cơ cấu tuổi khi được thu hút: Từ 20 - 25 tuổi có 1.180 người, chiếm 42,5%; từ 25 - 30 tuổi có 1.115 người, chiếm 40,1%; trên 30 tuổi có 484 người, chiếm 17,4%.
Về ngành nghề được đào tạo, bồi dưỡng sau khi thu hút: Nhiều nhất là ngành Y tế có 842 người, chiếm 30,97%; ngành Khoa học công nghệ có 363 người, chiếm 13,35%; ngành Kinh tế có 231 người, chiếm 8,5%; Tài chính có 219 người chiếm 8,05%. Các lĩnh vực khác 1.064 người, chiếm 39,13%.
Về chức vụ hiện nay của những người được thu hút: Đa số vẫn giữ chức vụ là chuyên viên và tương đương với 2.375 người, chiếm 90,13%. Chỉ duy nhất 1 người giữ chức vụ lãnh đạo UBND tỉnh hoặc tương đương (Đà Nẵng), chiếm 0,04%; 36 người làm lãnh đạo sở hoặc tương đương, chiếm 1,37%; 223 người làm lãnh đạo phòng và tương đương, chiếm 8,46%.
Về cơ cấu ngạch hiện nay: 2.534 người có ngạch chuyên viên, chiếm 91,88%; 200 người là chuyên viên chính và tương đương, chiếm 7,89%; 5 người là chuyên viên cao cấp và tương đương, chiếm 0,11%; 21 người có ngạch cán sự và tương đương chiếm 0,76%.
Không thành kiến, hẹp hòi, đố kỵ và phân biệt đối xử
Dự thảo Chiến lược quốc gia về thu hút, trọng dụng nhân tài nêu rõ: Nhân tài được xác định là những người có phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống; có trình độ, năng lực sáng tạo vượt trội, có tinh thần cống hiến, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ hoặc có công trạng, thành tích, tạo nên sự tiến bộ, sự phát triển một tổ chức, một ngành, một lĩnh vực, một địa phương cụ thể.
Dự thảo chiến lược cũng nêu rõ quan điểm, nhân tài là nguồn lực đặc biệt, rất quan trọng, nếu được thu hút, trọng dụng sẽ tạo được sức mạnh to lớn để thúc đẩy sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước.
Một trong những điểm đáng chú ý trong dự thảo này là thống nhất đổi mới tư duy về nhân tài và thu hút, trọng dụng nhân tài. Cụ thể là việc tìm kiếm, thu hút nhân tài không phân biệt vùng, miền, quê quán, độ tuổi, người trong Đảng hay ngoài Đảng, người trong nước hay người Việt Nam ở nước ngoài, người nước ngoài, không thành kiến, hẹp hòi, đố kỵ và phân biệt đối xử.
Trọng dụng nhân tài bao hàm cả tuyển chọn, bố trí, sử dụng và đãi ngộ. Trong đó, chính sách trọng dụng được coi là mấu chốt để thu hút nhân tài.
Người đứng đầu phải có trách nhiệm tìm kiếm và phát hiện nhân tài để trọng dụng. Trọng dụng tốt thì nhân tài sẽ tự tìm đến, tự nguyện cống hiến. Ngược lại, chính sách trọng dụng không tốt thì không ai tìm đến, kể cả đã có nhân tài thì họ cũng làm một thời gian rồi cũng bỏ đi.
Chính sách về nhân sự, việc làm, tài chính có hiệu lực từ tháng 2/2023
30/01/2023