Hợp tác công tư chặt chẽ để giải quyết vấn đề cung cấp điện
Nhóm Công tác Năng lượng và Điện cho rằng việc đối thoại, hợp tác chặt chẽ giữa khối công và khối tư là cần thiết để có thể giải quyết hiệu quả vấn đề cung cấp điện hiện nay.
Nhóm Công tác Năng lượng và Điện cho rằng việc đối thoại, hợp tác chặt chẽ giữa khối công và khối tư là cần thiết để có thể giải quyết hiệu quả vấn đề cung cấp điện hiện nay. |
Nhóm Công tác Năng lượng và Điện thuộc Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) đã có kiến nghị đến Chính phủ và các cơ quan liên quan những giải pháp để giải quyết hiệu quả vấn đề cung cấp điện.
Theo Nhóm Công tác Năng lượng và Điện, hiện tại có khoảng 4,35 GW nguồn cung điện chênh lệch giữa khả năng cung cấp và nhu cầu sử dụng điện, đặc biệt là ở khu vực miền Bắc. Năm nay, tình trạng khí hậu ngày càng trở nên nghiêm trọng khiến cho việc cung cấp điện trong mùa khô trở nên khó khăn hơn, đặt ra gánh nặng cho hoạt động sản xuất công nghiệp và là thách thức lớn đối với các doanh nghiệp.
Nhóm Công tác Năng lượng và Điện bày tỏ sự trân trọng đối với những cố gắng của Chính phủ Việt Nam, đặc biệt là Bộ Công Thương, Cục Điều tiết điện lực và Tập đoàn Điện lực Việt Nam trong việc bảo đảm nguồn cung điện ổn định cho người dân và hỗ trợ các hoạt động sản xuất cho doanh nghiệp trong những tháng gần đây. Các chính sách được đưa ra bởi Bộ Công Thương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam, bao gồm các chương trình sử dụng điện tiết kiệm hiệu quả và khuyến khích phản hồi nhu cầu tự nguyện từ khách hàng sử dụng điện năng lượng cao. Những cách thức trên thể hiện cách tiếp cận chủ động giúp giảm thiểu tác động của tình trạng thiếu điện.
Tuy nhiên, Nhóm Công tác Năng lượng và Điện cho rằng, hiện tượng thiếu điện đã ảnh hưởng sâu sắc đến các doanh nghiệp khối tư nhân, đặc biệt là những khách hàng công nghiệp. "Việc cung cấp điện ổn định và không gián đoạn là một lộ trình cần thiết cho các doanh nghiệp, giúp họ duy trì hoạt động, bảo đảm năng suất và đóng góp vào sự phát triển kinh tế tổng thể của đất nước. Rất tiếc là tình trạng thiếu điện hiện tại đã gây ra sự gián đoạn đáng kể trong các hoạt động sản xuất, dẫn đến vấn đề không hiệu quả trong sản xuất và mất mát doanh thu, ảnh hưởng đến sự cạnh tranh của các doanh nghiệp", Nhóm Công tác nhận định.
Đặc biệt, Nhóm Công tác cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thông tin minh bạch và kịp thời liên quan đến cắt điện định kỳ.
"Chúng tôi rất hoan nghênh những nỗ lực của EVN trong việc có kế hoạch cụ thể và thông báo trước cho khách hàng, trừ trường hợp sự cố bất ngờ, chúng tôi mong muốn cải thiện hơn nữa đối với việc thông báo các kế hoạch cắt điện định kỳ có hiệu quả. Điều này sẽ giúp cho các doanh nghiệp tư nhân có kế hoạch hoạt động tốt hơn, giảm thiểu sự gián đoạn và giúp cho các doanh nghiệp tối ưu hóa nguồn lực của mình một cách hiệu quả", Nhóm Công tác đánh giá.
Trong bối cảnh hiện nay, Nhóm Công tác cho rằng cần thiết phải đẩy nhanh quá trình phê duyệt các dự án đã được bao gồm trong Quy hoạch Điện VII (điều chỉnh) để các dự án có thể nhanh chóng được triển khai. Nhóm Công tác cũng đề nghị các cơ quan chức năng hỗ trợ các công ty và các ngành công nghiệp triển khai những giải pháp năng lượng tái tạo tự tiêu và không kết nối với lưới điện, như hệ thống pin lưu trữ năng lượng. Điều này giúp cho các công ty linh hoạt hơn trong việc đáp ứng nhu cầu năng lượng của họ đồng thời đóng góp vào việc bảo đảm đầy đủ nguồn cung điện cho đất nước.
Trong bối cảnh hiện nay, Nhóm Công tác cho rằng việc đối thoại, hợp tác chặt chẽ giữa khối công và khối tư là cần thiết để có thể giải quyết hiệu quả vấn đề cung cấp điện. Vì vậy, Nhóm Công tác khuyến khích tiếp tục hợp tác giữa Bộ Công Thương, Tập đoàn Điện lực và các bên liên quan trong khu vực tư nhân để tìm kiếm những giải pháp bền vững và bảo đảm nguồn cung điện không bị gián đoạn, đồng thời mong chờ việc sớm ban hành chính sách cho cơ chế mua bán điện trực tiếp và phát triển các hệ thống điện mặt trời không nối lưới.
Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An chỉ đạo thực hiện kịp thời các nhiệm vụ cấp bách về điện năng
11/06/2023