Khả năng Mỹ đang nhường khu vực châu Á vào tay Trung Quốc
(Baonghean.vn)- Trong một năm qua, Tổng thống Donald Trump đã thay đổi quan điểm của châu Á đối với Mỹ.
Theo kết quả thăm dò của hãng Gallup, nền tảng sức mạnh của Mỹ tại châu Á, Nhật Bản, Australia và Hàn Quốc, tất cả đều đã mất đi ít nhiều niềm tin vào đồng minh thân cận và người bảo vệ lâu đời này trong năm 2017. Không khí tài quân sự nào bị rút đi, không đại sứ quán nào bị đóng, tuy nhiên việc thiếu đi sự quan tâm do chính quyền Mỹ tập trung vào chính sách "Nước Mỹ trên hết" đã làm lung lay vị thế của nước này trong khu vực.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: AP |
Bà Chisuke Masuo, Phó giáo sư tại khoa đào tạo sau đại học về nghiên cứu xã hội và văn hóa thuộc Đại học Kyushu (Nhật Bản) nhận xét: “Ngày nay khi chúng ta tham dự các hội thảo quốc tế (xung quanh châu Á), không ai thực sự nói về Mỹ nữa... điều này có một chút lạ lùng”.
Trong khi đó, nhiều điểm nóng trên khắp khu vực có thể là phép thử cam kết của Mỹ đối với các đồng minh, và chuyên gia Masuo cho rằng Trung Quốc có khả năng tận dụng những điểm nóng căng thẳng này để chứng minh sự ưu việt của nước này trong khu vực.
Bà Masuo giải thích: “Mỹ có thể muốn thay đổi chính sách châu Á của nước này sau 3 năm, tuy nhiên tôi lo ngại liệu điều này có khả thi hay không. Trung Quốc đang tái cấu trúc toàn bộ trật tự quốc tế tại châu Á-Thái Bình Dương”.
Không một nơi nào tại Đông Nam Á mà sự đối đầu sức mạnh giữa Mỹ và Trung Quốc lại rõ ràng như cuộc chiến giành quyền kiểm soát trên Biển Đông.
Hãng tin CNN dẫn lời chuyên gia Ian Storey thuộc Viện ISEAS Yusof Ishak cho rằng kể từ khi ông Trump lên nắm quyền, căng thẳng đã mờ nhạt trong bối cảnh Washington và Bắc Kinh dồn sự tập trung vào Bán đảo Triều Tiên.
Tuy nhiên, chuyên gia này cho rằng căng thẳng có thể gia tăng trở lại. Theo ông Storey, trong 3 năm tới có một số ranh giới Trung Quốc có thể vượt qua, vốn sẽ châm ngòi cho phản ứng gay gắt từ phía Mỹ và một số quốc gia Đông Nam Á.
Hình ảnh vệ tinh cho thấy công tác xây dựng trên Bãi Chữ Thập, bãi đá do Trung Quốc chiếm giữ. Ảnh: CSIS |
Ông Storey nhận định: “Cho tới nay Trung Quốc đã kiềm chế điều bất kỳ máy bay tiêm kích nào tới các đảo nhân tạo trên Biển Đông, song căn cứ vào quy mô của các cơ sở được xây dựng trên 3 hoặc 4 thực thể cho máy bay, thì đây sẽ chỉ là vấn đề thời gian. Động thái này sẽ khiến các nước Đông Nam Á phản ứng... do đó tôi nghĩ Trung Quốc đang thận trọng vào thời điểm này”.
Tuy nhiên, một số nước tại Đông Nam Á lại có xu hướng thân thiết hơn với Trung Quốc trong bối cảnh tầm ảnh hưởng của Mỹ trong khu vực mờ nhạt, trong đó phải kể tới sự thay đổi thái độ bất ngờ của Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte trong năm ngoái. Tuy nhiên, nước được xem là phép thử quan trọng cho tầm ảnh hưởng gia tăng của Trung Quốc tại Đông Nam Á lại là Việt Nam, quốc gia nổi lên là một đồng minh của Mỹ trong những năm trở lại đây.
Năm 2017, Việt Nam đã xây dựng mối quan hệ quốc phòng và an ninh gần gũi hơn với Mỹ. Trong năm nay, một tàu sân bay Mỹ sẽ tới thăm Việt Nam, lần đầu tiên kể từ khi kết thúc Chiến tranh Việt Nam. Chuyên gia Storey cho rằng bất kỳ động thái nào của Việt Nam đối với Trung Quốc đều sẽ gây bất ngờ. Chuyên gia này nhận xét: “Đó sẽ là chỉ dấu chính cho thấy Trung Quốc đang giành phần thắng trong khu vực và các nước Đông Nam Á đang nhượng bộ Bắc Kinh”./.