Khi người nghèo mong thoát nghèo

21/03/2016 23:35

(Baonghean) - Thành công lớn nhất trong hỗ trợ người nghèo ở Thái Hòa là tuyên truyền dần thay đổi nhận thức để các hộ vươn lên trong cuộc sống, xóa bỏ tư tưởng trông chờ ỷ lại. Hiện tại, tỷ lệ hộ nghèo thị xã từ 8% (năm 2010) giảm xuống còn dưới 5% (năm 2015).

Sáng tạo trong cách làm

Xã Nghĩa Tiến, một trong những địa bàn vùng xa khó khăn của thị xã Thái Hòa khi tỷ lệ hộ nghèo khá cao và có tới gần 1 nửa xóm, bản là người dân tộc thiểu số. Ông Ngô Sĩ Ân – Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã cho biết: Thời điểm năm 2010, tỷ lệ hộ nghèo của xã còn gần 15%, đời sống và thu nhập của người dân gặp rất nhiều khó khăn. Đã vậy việc lựa chọn mô hình cây, con để đưa vào sản xuất cũng khó triển khai vì nhiều lý do. Đây là nội dung làm “nóng” nhiều cuộc họp của MTTQ cũng như các đoàn thể. Và đến cuối năm 2012, sau khi Ủy ban MTTQ huyện về làm việc với xã thì giải pháp trong giảm nghèo mới được “khai thông”.

Đại diện MTTQ Thị xã Thái Hòa hỗ trợ người nghèo xây nhà Đại đoàn kết.
Đại diện MTTQ Thị xã Thái Hòa hỗ trợ người nghèo xây nhà Đại đoàn kết.

Cụ thể, từ năm 2013, Hội Liên hiệp phụ nữ thị xã tạo điều kiện cho 10 chị em nghèo ở xóm 4 và xóm 5 (đồng bào dân tộc Thổ) xã Nghĩa Tiến vay 20 triệu đồng triển khai mô hình nuôi gà thả vườn. Năm đầu thành công, hội tiếp tục xét cho 10 hộ vay thêm, đến nay mô hình đã phát triển được 86 hộ vay nuôi gà thả vườn rất hiệu quả. Ngoài mô hình nuôi gia cầm, năm 2015, Hội Nông dân thị xã tiếp tục xem xét cho 10 hộ nghèo xã Nghĩa Tiến vay 200 triệu đồng để chăn nuôi dê sinh sản, bình quân mỗi hộ 20 triệu đồng, năm đầu tiên xã chịu lãi suất.

Anh Sầm Văn Độ ở xóm 5 là một hộ nghèo, từ hơn 10 con gà hội phụ nữ cho vay, đến nay trong vườn nhà anh lúc nào cũng có trên 100 con. Để cải thiện kinh tế, anh còn mạnh dạn vay thêm vốn mở rộng chuồng trại để nuôi bò, 2 con trâu, cải tạo vườn đồi trồng cam, quýt. Nhờ đó, từ hộ khó khăn, đến nay bình quân thu nhập hàng năm đạt từ 50 - 70 triệu đồng. Tương tự anh Độ, là gia đình anh Phạm Đức Quang (SN 1983). Với 20 triệu đồng vay từ hội nông dân, anh đầu tư mua dê, trâu. Anh Quang cho biết: Nhờ nguồn vốn vay của hội nông dân gia đình anh đã thoát nghèo. Hiện nay trong xóm có hàng chục hộ nuôi dê, bình quân từ 15 - 20 con/hộ, như gia đình anh nuôi 50 con, thu nhập mỗi năm lên tới hàng trăm triệu đồng.

Bên cạnh hỗ trợ các gia đình khó khăn về vốn, thị xã cũng tạo điều kiện cho các gia đình không may ốm đau, neo đơn. Ví như gia đình anh Hồ Văn Nguyện ở xóm 5, bản thân anh bị bệnh tâm thần, được xã đứng ra tín chấp để ngân hàng tạo điều kiện cho gia đình anh vay 20 triệu đồng đầu tư chăn nuôi dê. Từ 2 con ban đầu, do chăm sóc tốt, hiện nay gia đình anh đã có 10 con. Bà Đông – mẹ anh Nguyện cho biết: Nếu thuận lợi thì năm thứ 2 gia đình sẽ trả hết nợ và bắt đầu có lãi...

Anh Phạm Đức Quang (xóm 5, Nghĩa Tiến) thoát nghèo từ vốn vay chăn nuôi bò.
Anh Phạm Đức Quang (xóm 5, Nghĩa Tiến) thoát nghèo từ vốn vay chăn nuôi bò.

Nhờ những cách làm hiệu quả nên hiện nay Nghĩa Tiến là một trong những địa phương có tỷ lệ giảm nghèo nhanh nhất thị xã Thái Hòa khi năm 2015 chỉ còn 2,52%. Không những vậy, có những mô hình như hộ anh Hồ Sĩ Điều ở xóm 5 từng là hộ nghèo nhưng nay trở thành mô hình kinh tế trang trại điển hình của thị xã, thu nhập trên 250 triệu đồng/năm. Từ một xã khu vực 2, xã Nghĩa Tiến hiện là xã có số dư nợ vay vốn để phát triển sản xuất lên tới trên 16 tỷ đồng.

Tại phường Quang Tiến, ông Phạm Đức Tải – Chủ tịch Ủy ban MTTQ phường cho hay: Cùng với phong trào khác, phường đã vận động các hộ nghèo cải tạo lại vườn tạp, trồng cây ăn quả có giá trị kinh tế cao. Sau khi đăng ký và cam kết, 9 hộ nghèo được phường hỗ trợ mua cây giống chanh ruột đỏ, na dai, ổi Đài Loan để trồng; phường cũng đã hỗ trợ vay vốn cho 3 hộ nghèo phát triển chăn nuôi. Sắp tới, theo đề án của thị xã, Ủy ban MTTQ cùng với UBND phường khảo sát để xây dựng 5 ha bưởi hồng Quang Tiến tại khối Liên Hương và Lê Lợi tạo điều kiện cho 12 hộ đồng bào dân tộc thiểu số trồng, trong đó thị xã hỗ trợ cây giống, phường chịu trách nhiệm hướng dẫn quy trình kỹ thuật. Nhờ nỗ lực trên, tỷ lệ hộ nghèo của phường đã giảm từ 2,3% xuống còn 2,1% và phấn đấu đến 2020 còn 1%.

Không chỉ hỗ trợ giống cây, con như Nghĩa Tiến và Quang Tiến, các xã, phường khác tùy điều kiện, nghề nghiệp của địa phương mà có cách hỗ trợ người nghèo vươn lên. Ví dụ như các tổ chức hội, đoàn thể đứng ra bảo lãnh vốn vay cho hội viên nghèo, hướng dẫn áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi… từng bước giảm dần tư tưởng trông chờ ỷ lại.

Quan tâm, hỗ trợ kịp thời

Một trong những điểm nổi bật trong phong trào giúp đỡ người nghèo thị xã Thái Hòa là kịp thời quan tâm, hỗ trợ các hoàn cảnh khó khăn bằng nhiều hình thức như hỗ trợ hộ nghèo xây mới, sửa chữa nhà ở đảm bảo quy chuẩn “cứng mái, cứng tường, cứng nền”; các hộ ốm đau, tai nạn đột xuất cũng được các đoàn thể đến thăm nom, động viên chu đáo. Tại phường Quang Tiến, với sự tích cực của Hội chữ thập đỏ phường, gần như tất cả các trường hợp ốm đau, tai nạn của người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn đều được động viên kịp thời.

Đại diện Hội chữ thập đỏ phường Quang Tiến thăm hỏi gia đình khó khăn.
Đại diện Hội chữ thập đỏ phường Quang Tiến thăm hỏi gia đình khó khăn.

Bà Trương Thị Thủy – Chủ tịch Hội chữ thập đỏ phường cho biết: Dịp Tết vừa qua, riêng hội đã có 245 suất quà cho các trường hợp, trong đó có 63 suất của người nghèo. Để có quỹ hoạt động, ngoài vận động hội viên đóng góp định kỳ, hội rất tích cực và sáng tạo trong huy động; bình quân mỗi năm từ 19 - 20 triệu đồng, trong đó dịp Tết năm 2016 vừa qua kêu gọi được 33 triệu đồng. Nhờ có nguồn huy động được, năm 2015, phường đã hỗ trợ làm 1 nhà Đại đoàn kết 10 triệu đồng và hỗ trợ tu sửa 1 nhà 5 triệu đồng (gia đình huy động thêm) để làm mỗi nhà 60 - 70 triệu đồng.

Ông Phạm Đức Huân - Chủ tịch Ủy ban MTTQ thị xã Thái Hòa cho biết: Thành công lớn nhất trong hỗ trợ người nghèo là tuyên truyền dần thay đổi nhận thức để các hộ vươn lên trong cuộc sống, xóa bỏ tư tưởng trông chờ ỷ lại. Hiện tại, tỷ lệ hộ nghèo thị xã từ 8% (năm 2010) giảm xuống còn dưới 5% (năm 2015).

So với nhiều địa phương khác thì tỷ lệ này không lớn lắm, nhưng theo chuẩn nghèo đa chiều mới, tại một số phường, xã tỷ lệ hộ cận nghèo vẫn còn cao đặt ra cho thị xã một thách thức mới. Chính vì vậy, giảm nghèo bền vững không chỉ là kết quả trước mắt mà còn là mục tiêu lâu dài mà thị xã đang hướng tới.

Nguyễn Hải

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất

x
Khi người nghèo mong thoát nghèo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO