Khu kinh tế Đông Nam và vai trò động lực, đầu tàu

Nguyễn Hải 26/07/2022 12:18

(Baonghean.vn) - Tại Nghị quyết số 26-NQ-TW ban hành ngày 30/7/2013, Trung ương xác định và giao mục tiêu “Xây dựng Khu kinh tế Đông Nam thành khu kinh tế trọng điểm, đa ngành, đa chức năng, trọng tâm phát triển các ngành công nghiệp cơ khí, điện tử…”. Sau gần 10 năm thực hiện, Khu kinh tế Đông Nam đã và đang từng bước trở thành động lực, đầu tàu cho công nghiệp Nghệ An.

Nỗ lực huy động nguồn lực đầu tư

Hạ tầng KCN VSIP Nghệ An 1 tại Hưng Nguyên đáp ứng tiêu chí xanh, sạch, hiện đại có giá thuê đất hàng năm từ 55-65 USD/m2. Ảnh: Nguyễn Hải

Đại diện Ban quản lý Khu kinh tế Đông Nam cho hay: Không phải đợi đến khi có Nghị quyết 26-NQ/TW năm 2013 về phương hướng, nhiệm vụ phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2020 mà ngay từ khi thành lập (năm 2007), Nghệ An đặt mục tiêu xây dựng Khu kinh tế trở thành động lực và đầu tàu, góp phần đưa tỉnh sớm trở thành tỉnh công nghiệp và tỉnh khá nhất miền Bắc. Chính vì thế, cùng với việc ban hành các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo thể chế hóa mục tiêu Nghị quyết 26 vào thực tế, Nghệ An đã dồn tâm sức và dành rất nhiều nguồn lực đầu tư cho phát triển các KCN trong khu kinh tế này.

Trong vòng 9 năm lại đây, từ nguồn ngân sách nhà nước là 1.636,621 tỷ đồng (trong đó ngân sách Trung ương là 1.183,610 tỷ đồng, ngân sách địa phương là 453,011 tỷ đồng); nguồn huy động từ các doanh nghiệp, nhà đầu tư kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp để xây dựng các hạng mục cảng biển, cấp nước, xử lý chất thải và nhà ở công nhân khoảng 11.828 tỷ đồng, ước thực hiện đến ngày 31/12/2021 đạt 6.482 tỷ đồng; nguồn vốn đầu tư khác (ODA, PPP) khoảng 33,67 tỷ đồng, vốn đầu tư thực hiện giai đoạn 1 là 19,68 tỷ đồng.

Sau khi có 22/34 doanh nghiệp đăng ký đầu tư đi vào hoạt động, KCN VSIP Nghệ An còn thiếu khoảng 4.000 lao động vào làm việc. Trong ảnh: Ngày hội tư vấn việc làm giữa tháng 6 năm 2022 do KCN VSIP Nghệ An phối hợp với Ban quản lý KKT Đông Nam tổ chức. Ảnh: Nguyễn Hải

Giai đoạn 2013-2021, Khu kinh tế Đông Nam và các KCN thu hút 184 dự án, tổng vốn đầu tư đăng ký 70.235,7 tỷ đồng được cơ cấu ngành nghề gồm lĩnh vực cơ khí, điện tử, công nghệ thông tin 24 dự án; chế biến nông, lâm, hải sản 22 dự án; chế tạo ô tô, phụ tùng ô tô 02 dự án; dược phẩm 01 dự án; nhóm các ngành, nghề khác 134 dự án.

Đặc biệt, từ năm 2015, tỉnh đã thu hút các nhà đầu tư kinh doanh hạ tầng KCN như V.SIP, WHA, Hoàng Thịnh Đạt đáp ứng nhu cầu mặt bằng sạch, hạ tầng đồng bộ, hiện đại phục vụ thu hút đầu tư. Trong 3 năm lại đây, trước sự dịch chuyển làn sóng đầu tư trên thế giới, Khu kinh tế Đông Nam đã thu hút 04 tập đoàn công nghệ trong chuỗi giá trị toàn cầu hoạt động đầu tư, kinh doanh là Luxshare - TCT, Everwin, Goertek, JuTeng; đang từng bước hình thành trung tâm sản xuất thiết bị điện tử, thiết bị công nghệ cao trong khu vực Bắc Trung Bộ và vùng duyên hải miền Trung.

Đến năm 2021, một số dự án lớn đi vào hoạt động, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giải quyết nhiều việc làm, đóng góp đáng kể vào nguồn thu ngân sách của tỉnh như: Nhà máy tôn Hoa Sen Nghệ An, Trung tâm Công nghiệp thực phẩm Masan MB, Nhà máy gỗ MDF Nghĩa Đàn, Tổng kho và Bến cảng xăng dầu DKC, Trạm nghiền và Bến cảng xi măng Vissai, Bến số 5 cảng Cửa Lò, Nhà máy sản xuất thiết bị điện tử Luxshare-ICT, Nhà máy sản xuất cá hộp Frescol-Tuna...

Cùng với nạo vét luồng lạch, Nghệ An đang gấp rút đầu tư thêm bãi số 5 và số 6, góp phần nâng cao năng lực bốc dỡ hàng hóa tại cảng Cửa Lò. Ảnh: Nguyễn Hải

Ngoài Khu công nghiệp Bắc Vinh do Công ty đầu tư phát triển KCN Bắc Vinh thuộc Lilama làm chủ đầu tư trước đây, từ năm 2013, tỉnh thu hút thêm 03 nhà đầu tư kinh doanh hạ tầng công nghiệp lớn là VSIP, WHA, Hoàng Mai 1 đầu tư hạ tầng khu công nghiệp, khu đô thị với tổng diện tích 1.512,77 ha.

Sau gần 10 năm thực hiện Nghị quyết 26, Khu kinh tế Đông Nam và các khu công nghiệp tỉnh Nghệ An đã đạt được những kết quả tích cực, từng bước khẳng định vị trí, vai trò động lực trong thu hút đầu tư và phát triển kinh tế của tỉnh. Đến nay, cơ bản hoàn thành các chương trình, kế hoạch, đề án được giao thực hiện Nghị quyết 26- NQ/TW, Thông báo số 55-TB/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, XVIII, trong đó trọng tâm là bổ sung phạm vi ranh giới các khu công nghiệp VSIP, Hoàng Mai, Đông Hồi vào Khu kinh tế Đông Nam và xây dựng một số cơ chế, chính sách phát triển Khu kinh tế Đông Nam và các khu công nghiệp.

Ông Lê Tiến Trị - Trưởng Ban quản lý Khu kinh tế Đông Nam chia sẻ

Nhờ có nguồn lực lớn trên nên hạ tầng thiết yếu các Khu công nghiệp trong Khu kinh tế ngày càng hoàn chỉnh. Hiện tại, các KCN như VSIP tại Hưng Nguyên KCN WHA Industrial Nghệ An 1, KCN Hoàng Mai 1 đã hoàn thành, các chủ đầu tư đang tích cực triển khai đầu tư mở rộng diện tích giai đoạn 2 theo kế hoạch.

Hiện tại, Khu kinh tế Đông Nam đã đầu tư được 1.222,12 ha diện tích Khu công nghiệp, trong đó các KCN trong Khu kinh tế là 1.170,94 ha; KCN ngoài Khu kinh tế là 51,18 ha, tăng 1,6 lần so với năm 2013; phát triển mới 01 khu đô thị với diện tích 382,4 ha. Nếu như năm 2013, năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết 26, Khu kinh tế có 43 doanh nghiệp hoạt động, nộp ngân sách 628,3 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho 8.707 người thì đến năm 2021 đã có 132 doanh nghiệp hoạt động và nạp ngân sách là 2.162 tỷ đồng, tăng 3,45 lần so với năm 2013, giải quyết việc làm cho trên 30 ngàn lao động. Tổng cộng từ năm 2013-2021, Khu kinh tế đóng góp cho ngân sách là 11.528 tỷ đồng, chiếm trên 10% tổng thu ngân sách tỉnh hàng năm.

Những trở ngại, thách thức cần vượt qua

Mặc dù đã có những đóng góp nhất định vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhưng khách quan mà đánh giá, so với mục tiêu mà Nghị quyết 26 đề ra là “Xây dựng Khu kinh tế Đông Nam thành khu kinh tế trọng điểm, đa ngành, đa chức năng, trọng tâm phát triển các ngành công nghiệp cơ khí, điện tử, công nghệ thông tin, chế tạo ô tô, thiết bị công nghệ cao, dược phẩm, chế biến nông – lâm – hải sản…” thì vẫn còn một số hạn chế và đóng góp vẫn còn khiêm tốn.

Trước hết là công tác quy hoạch chung Khu kinh tế Đông Nam và quy hoạch phát triển các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Mặc dù đã có cố gắng nhưng quá trình vẫn bộc lộ một số bất cập, khó triển khai do quy hoạch chưa bám sát yêu cầu thực tiễn, định hướng phát triển và khả năng huy động bố trí nguồn lực, khả năng thu hút đầu tư, lợi thế cạnh tranh của từng địa phương. Là Khu kinh tế nhưng diện tích không tập trung mà dàn trải khắp tỉnh dẫn đến khó đầu tư hạ tầng; quy hoạch hạ tầng khu công nghiệp chưa gắn với quy hoạch hạ tầng xã hội như bố trí nhà ở công nhân, trường mầm non, thiết chế văn hóa, thể thao, phúc lợi phục vụ người lao động.

Đường nối từ Quốc lộ 48D (đường 36) vào KCN Hoàng Mai II và Nhà máy xi măng Tân Thắng tỉnh đã làm xong và đang chờ nhà đầu tư kinh doanh hạ tầng và doanh nghiệp vào thuê đất. Ảnh: Nguyễn Hải

Bên cạnh đó, công tác đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng Khu kinh tế Đông Nam từ nguồn ngân sách Nhà nước khá hạn chế, chưa đáp ứng nhu cầu các dự án; các nguồn vốn từ ngân sách tỉnh bố trí để thực hiện một số dự án chưa kịp thời. Điển hình là các dự án hạ tầng giao thông kết nối chính như đường N2, N5 (đoạn 2), D4 tại KCN WHA, KCN Nam Cấm, KCN Thọ Lộc về cảng Cửa Lò hay đường nối từ Quốc lộ 48D (đường 36) vào Dự án xi măng Tân Thắng thi công quá chậm, làm ảnh hưởng đến khả năng thu hút đầu tư và phát huy hiệu quả dự án.

Các dự án hạ tầng xã hội, nhà ở công nhân chậm được triển khai, chưa thu hút, giữ chân người lao động gắn bó làm việc lâu dài tại các khu công nghiệp; chất lượng, hiệu quả công tác xúc tiến, thu hút đầu tư chưa đáp ứng yêu cầu khi chưa thu hút được nhiều dự án lớn có ý nghĩa đầu tàu, động lực phát triển đột phá; thiếu các dự án có giá trị gia tăng cao, công nghệ hiện đại.

Tiến độ triển khai các dự án sau cấp phép còn chậm, hiệu quả sử dụng đất chưa cao; một số dự án lớn như thép Kobe, Nhiệt điện Quỳnh Lập tại thị xã Hoàng Mai, Khu nghỉ dưỡng FLC ở xã Nghi Tiến (Nghi Lộc)... không thể triển khai theo kế hoạch đã ảnh hưởng đến quy hoạch, kế hoạch thu hút đầu tư, phát triển của nhiều địa phương.

Đại diện Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch Hà Nội cùng một số nhà đầu tư tham quan mô hình Khu đô thị VSIP tại Hưng Nguyên. Ảnh: Nguyễn Hải

Công tác giải phóng mặt bằng, thu hồi đất, giao đất thực hiện dự án, đặc biệt là các dự án hạ tầng khu công nghiệp như VSIP, WHA, Hoàng Mai I, KCN Nam Cấm gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, nhất là về cơ chế, chính sách đền bù. Một số địa phương quản lý quy hoạch và đất đai sau giải phóng mặt bằng chưa tốt khiến một số diện tích tại Khu A - KCN Nam Cấm bị nhân dân tái lấn chiếm, canh tác nhưng chậm được xử lý…

Để hiện thực hóa mục tiêu trên và sử dụng hiệu quả hạ tầng KCN đã đầu tư, theo ông Lê Tiến Trị - Trưởng Ban quản lý Khu kinh tế Đông Nam: Cùng với kiến nghị Thủ tướng Chính phủ thông qua Đề án mở rộng diện tích Khu kinh tế lên 83.000 ha, Ban Quản lý Khu kinh tế đang đề xuất với tỉnh và Trung ương tiếp tục quan tâm, ưu tiên nguồn lực đầu tư nâng cấp hạ tầng giao thông kết nối KCN với các tuyến giao thông trọng yếu và cảng biển, xây dựng các khu hậu cần dịch vụ logistics cho các KCN… Để thực hiện hiệu quả Nghị quyết 26 trong giai đoạn mới, Ban quản lý đang đề ra 8 nhiệm vụ giải pháp trọng tâm và sẽ dồn sức tập trung thực hiện trong thời gian tới./.

Mới nhất

x
Khu kinh tế Đông Nam và vai trò động lực, đầu tàu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO