Kim ngạch xuất khẩu: Dệt may, dăm gỗ tiếp tục bứt phá

04/11/2015 10:17

(Baonghean) - 10 tháng đầu năm 2015, trên địa bàn tỉnh đã có 195 doanh nghiệp tham gia hoạt động xuất nhập khẩu. Trong đó, xuất khẩu hàng hóa tháng 10 dự ước tăng thêm khoảng 46,5 triệu USD, nâng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa 10 tháng đầu năm lên 368 triệu USD, tăng 14,3% so với kim ngạch cùng kỳ...

Dệt may, dăm gỗ tiếp tục dẫn đầu

Trong nhiều doanh nghiệp tham gia hoạt động xuất khẩu, có 51 doanh nghiệp đạt kim ngạch từ 1 triệu USD trở lên và 21 doanh nghiệp đạt kim ngạch từ 3 triệu USD trở lên. Một số doanh nghiệp xuất khẩu đạt kim ngạch khá như Công ty TNHH Thanh Thành Đạt dẫn đầu chủ yếu mặt hàng dăm gỗ; Công ty TNHH Prex Vinh với sản phẩm chủ yếu là quần áo gia công; Công ty TNHH Điện tử BSE Việt Nam chủ yếu mặt hàng loa điện thoại di động; Công ty TNHH 1TV Tổng công ty Hợp tác kinh tế, Công ty CP Xuất Nhập khẩu Nghệ An với mặt hàng tinh bột sắn.

Sản xuất tại công ty CP dệt may Hoàng Thị Loan
Sản xuất tại công ty CP dệt may Hoàng Thị Loan.

Các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã xuất bán trên 30 mặt hàng (nhóm mặt hàng) sang thị trường ngoài nước. Mặt hàng dệt may kim ngạch 10 tháng tiếp tục ở vị trí dẫn đầu với 75,73 triệu USD, tăng 30% kim ngạch cùng kỳ năm trước, chiếm 21,1% tổng kim ngạch hàng hóa của cả tỉnh. Mặt hàng có sự tham gia xuất khẩu của 8 doanh nghiệp, trong đó, Công ty TNHH Prex Vinh đạt kim ngạch xuất khẩu lớn nhất với trên 30 triệu USD. Anh Trần Đức Long – Kế toán trưởng Công ty cho biết, hàng được xuất khẩu sang thị trường nhiều nước như: Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản, Mỹ, Đức,... Hiện doanh nghiệp đang tập trung làm đơn hàng quần áo thể thao để xuất sang Hàn Quốc vào cuối tháng 11 này.

Hay sản phẩm dăm gỗ xuất khẩu được hơn 500.000 tấn, thu về 68,43 triệu USD, tăng 28% về lượng và 33% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2014. Hiện mặt hàng dăm gỗ của Nghệ An chủ yếu xuất sang thị trường Trung Quốc với 2 doanh nghiệp tham gia là Công ty TNHH Thanh Thành Đạt 60 triệu USD, Công ty LD trồng và chế biến nguyên liệu giấy hơn 9 triệu USD. Đối với sắn và tinh bột sắn - một trong những mặt hàng xuất khẩu truyền thống của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, xuất khẩu từ đầu năm đến nay đạt 792.000 tấn, kim ngạch 42,1 triệu USD, tăng 6,8% so với cùng kỳ năm 2014. Hàng chủ yếu được xuất sang thị trường Trung quốc với 8 doanh nghiệp tham gia, trong đó, Cty CP Xuất nhập khẩu có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất, đạt trên 11 triệu USD.

Nông sản chưa hết khó

Khó khăn nhất hiện nay là xuất khẩu nông thủy sản. Mặc dù có tiềm năng, lợi thế kim ngạch xuất khẩu của Nghệ An nhỏ lẻ, thiếu bền vững và cho đến nay, chưa có giải pháp nào đủ mạnh để tạo cú huých cho sản phẩm này; chưa có sự gắn kết chặt chẽ giữa sản xuất, chế biến và thị trường. Theo số liệu tổng hợp từ Sở Công thương, năm 2013, kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt 22 triệu USD. Năm 2014, kim ngạch mặt hàng này giảm mạnh, chỉ đạt 10 triệu USD. 10 tháng đầu năm 2015, kim ngạch xuất khẩu thủy sản trên địa bàn tỉnh đạt trên 13 triệu USD, trong đó, Công ty TNHH CBPP thủy sản Xuri Việt Trung với gần 13 triệu USD, số ít còn lại do doanh nghiệp Phương Mai (TX. Hoàng Mai) thực hiện.

Đóng gói hàng xuất khẩu tại Công ty TNHH Đức Phong (TP. Vinh). Ảnh: T.H
Đóng gói hàng xuất khẩu tại Công ty TNHH Đức Phong (TP. Vinh).

Ông Lê Thái, Giám đốc Công ty TNHH CBPP thủy sản Xuri Việt Trung cho hay, tháng 9 lại nay, sau biến động của tỷ giá nhân dân tệ, hiện giá cả có chuyển biến tốt hơn với 1.800 USD/tấn CIF, tháng 11 dự tính cao hơn. Tuy nhiên, khó khăn hiện nay là thiếu nguyên liệu, phải thu mua từ Hà Tĩnh, Quảng Bình, Thanh Hóa,... nhưng vẫn không đáp ứng đủ đơn hàng. Ngoài ra, ông Thái cũng thẳng thắn thừa nhận rằng, thực tế hàng thủy sản của tỉnh đang phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc, chưa xuất sang các thị trường EU, Mỹ, Nhật... bởi các thị trường này yêu cầu khắt khe trong kiểm soát dư lượng hóa chất, vệ sinh an toàn thực phẩm, kỹ thuật bảo quản,... trong khi đó doanh nghiệp kinh doanh thủy hải sản đều là doanh nghiệp nhỏ, máy móc thiết bị sản xuất và chế biến, bảo quản còn yếu kém.

Đối với hàng thủ công mỹ nghệ - một trong những sản phẩm mà Nghệ An có tiềm năng về nguyên liệu, lao động nhưng hiện cũng gặp khó khăn, kim ngạch xuất khẩu đạt thấp. Quy mô doanh nghiệp nhỏ, sức cạnh tranh yếu đang là thách thức của nhiều doanh nghiệp thủ công mỹ nghệ nội tỉnh. Trong khi đó, lao động ngành mây tre đan ngày càng bị thu hẹp, cạnh tranh với các ngành khác. Nhiều lao động nữ ở nông thôn trước làm nghề mây tre đan giờ cũng chuyển sang đầu quân cho các nhà máy may. Lao động trẻ ít, chủ yếu là người trung niên; nguyên liệu có xu hướng cạn do khai thác quá mức mà không đi cùng với tái tạo. Công nghệ chế biến lạc hậu, chủ yếu thủ công, giá cao nên khó cạnh tranh. Chỉ có một số DN có nhập một số máy móc đơn giản của Trung Quốc như máy ép tre, cuốn tre.

Bà Võ Thị An, Phó Giám đốc Sở Công Thương cho hay, năm nay, chỉ tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 550 triệu USD. Từ nay đến cuối năm, hoạt động xuất khẩu phải đối mặt nhiều thách thức do giá của nhiều mặt hàng nông sản và khoáng sản giảm. Trong khi đó, chúng ta vẫn phải nhập khẩu nhiều nguyên, nhiên liệu phục vụ sản xuất và xuất khẩu nên rất bị động, phụ thuộc nhiều biến động bên ngoài... Thời gian tới, xuất khẩu tăng trưởng chủ yếu ở những nhóm mặt hàng do khối các doanh nghiệp FDI sản xuất, những mặt hàng dựa vào nguồn lao động rẻ và gia công, chế biến thô hơn là những mặt hàng có giá trị gia tăng cao như dệt may, dăm gỗ. Để đạt chỉ tiêu kim ngạch xuất khẩu trong năm nay, cần tập trung tăng nhanh tỷ trọng giá trị xuất khẩu hàng nông sản, đồng thời hạn chế tối đa việc xuất thô, tăng hàm lượng sản phẩm chế biến, tạo điều kiện để doanh nghiệp xây dựng vùng nguyên liệu đáp ứng nhu cầu sản xuất, phục vụ xuất khẩu...

Thu Huyền

Trong 9 tháng đầu năm 2015, các doanh nghiệp đã xuất hàng sang thị trường của 61 nước/khu vực trên thế giới, trong đó nhiều nhất là thị trường Trung Quốc với kim ngạch đạt 137,42 triệu USD, chiếm tỷ lệ 42,7% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa. Một số thị trường tiêu biểu khác: Hàn quốc 36,48 triệu USD, chiếm 11,3%; Lào 33,7 triệu USD, chiếm 10,5%; Ấn độ 26,87 triệu USD, chiếm 8,4%; Hoa Kỳ 17,17 triệu USD, chiếm 5,3%;...

TIN LIÊN QUAN

Mới nhất

x
Kim ngạch xuất khẩu: Dệt may, dăm gỗ tiếp tục bứt phá
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO